Mòn mỏi chờ giảm lãi vay
Ngày 14.8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất (LS), nhất là LS cho vay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới. Phấn đấu mức giảm tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ. NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng gửi báo cáo LS cho vay.
Cụ thể, các báo cáo cam kết giảm LS cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới trước ngày 25.8. Kỳ báo cáo cam kết giảm LS cho vay trong năm 2023 tiếp theo sẽ là trước ngày 8.1.2024. Nội dung yêu cầu giảm LS 1,5 - 2%/năm đã được Chính phủ đề cập tại Nghị quyết 97 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Thực tế, trong tháng 7 và 8, các nhà băng đã liên tục công bố giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1%/năm; tuy nhiên họ cũng có đủ mọi cách để không giảm cho khách. Chị Thanh Thúy (Q.Tân Bình, TP.HCM) có 2 khoản vay tại Vietcombank gần 1 tỉ đồng, lãi vay 10,5% và 11,2%/năm. Đầu tháng 8, sau khi Vietcombank công bố giảm lãi vay cho các khách hàng 0,5%, trong đó có cả các khoản vay cũ, chị Thúy liên hệ nhân viên Vietcombank phụ trách hợp đồng vay thì nhận được thông tin LS vay giảm nhưng không được dưới mức LS vay sàn. Thế nên trong lần điều chỉnh LS gần đây, lẽ ra lãi suất vay mà chị Thúy nhận được là 10,7%/năm nhưng Vietcombank lại tính 10,8%/năm. "Có thể LS sàn của nhà băng này là 10,8%/năm, cao hơn mức LS 10,5%/năm hồi tháng 7. Nhưng sao LS huy động giảm thì lãi suất sàn lại tăng?", chị Thúy đặt câu hỏi.
Tương tự, anh N.N (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho hay cuối tháng 6 vừa qua, hợp đồng vay tiêu dùng của anh ở một NH sau 1 năm được hưởng LS 10%/năm được điều chỉnh lên 13,6%/năm. Nhân viên tín dụng NH này cho biết, mức 13,6% của anh còn thấp, bởi nhiều khách hàng khác thì biên độ lên đến 4,5 - 4,7% nên LS lên sát 15%/năm. "Thấy các NH liên tục thông báo giảm LS tiền gửi tiết kiệm nên tôi cũng mừng và hy vọng đến kỳ điều chỉnh LS của mình sẽ không tăng quá cao so với trước. Ai ngờ sau khi điều chỉnh thì lại quá cao như nhiều người vay trong giai đoạn nóng vào đầu năm nay luôn", anh N.N nói.
Không chỉ cá nhân vay tiêu dùng, các hộ chăn nuôi cũng phải đang è cổ trả lãi vay cao ngất ngưởng. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết từ tháng 7 trở về đầu năm, LS của nhiều hội viên hiệp hội phải trả NH bình quân lên đến 15%/năm. Trong tháng 7, một số NH có giảm LS cho một số hộ xuống còn 12%/năm. Từ đầu tháng 8, một số NH cho biết có thể xem xét giảm LS cho vay xuống còn 10%/năm, nhưng để vay được là rất khó vì họ chỉ nói "có khả năng".
Ông Đoán nói thẳng, với LS vay vẫn duy trì ở mức 12%/năm thì các hộ chăn nuôi nông nghiệp sẽ khó có lãi. "NH nói thẳng họ cũng là đơn vị kinh doanh. Nếu huy động vốn với LS thấp thì khách hàng không gửi tiền. Mà huy động vốn với LS cao thì phải cho vay với LS cao. Họ nói thế thì chịu. Chưa kể để vay được cũng rất khó vì NH yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Ngành chăn nuôi nói riêng hay nông nghiệp nói chung thì cần phải vay vốn NH để đầu tư phát triển. LS vay vốn phải dưới 10%/năm mới mong có được chút lãi, chứ cao từ 10% trở lên là coi như làm không công", ông Nguyễn Kim Đoán chia sẻ thêm.
Lãi suất có thể giảm 1,5 - 2%/năm
TS Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) nhận định từ đầu năm đến nay, Chính phủ cũng như chính NHNN đã có nhiều kêu gọi, chỉ đạo các NH đẩy nhanh việc giảm LS cho vay. Tuy nhiên chưa thấy có nhiều kết quả. Lãi vay của người dân, DN trên thực tế trong mấy tháng qua vẫn tăng so với năm 2022. Trong khi đó, LS tiền gửi tiết kiệm đã xuống rất mạnh và quay về ngang với mức cũ của đầu năm 2022.
"Vậy khi nào LS vay mới quay về ở mức thấp 7 - 8%/năm hay cao hơn cũng chỉ 9%/năm như trước đây?", ông Điền đặt câu hỏi và cho rằng, quan trọng nhất là các NH phải thật sự giảm LS cho vay để thúc đẩy kinh tế. Nếu như trong 100 khách hàng mà chỉ giảm LS cho 4 - 5 người theo kiểu cho có, làm điển hình… thì không đáng kể. Một khi NHNN đã ra thông báo thì cần phải tăng cường thanh tra, giám sát. Nếu NH nào vẫn không giảm LS cho vay thì phải chỉ mặt, nêu tên để phê bình hoặc NH nào thật sự làm tốt thì tuyên dương.
Còn ông Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng mức LS vay hoàn toàn có thể giảm thêm 1,5 - 2%/năm bởi LS cho vay hiện nay cao hơn so với các năm trước, cũng như cao hơn so với thế giới. Hiện nay cầu tín dụng đang xuống thấp (7 tháng năm 2023, tăng trưởng tín dụng chưa được 5% - PV) nên NH muốn cho vay thì phải giảm lãi vay. Điều kiện đầu tiên để giảm lãi vay là LS huy động giảm. Điều này các NH đã thực hiện thời gian qua, LS huy động xuống còn 3 - 7%/năm. Vì vậy, để mặt bằng LS cho vay đạt được mục tiêu giảm đồng loạt 1,5 - 2% trong thời gian tới, gói hỗ trợ LS 2% đang triển khai bổ sung thêm đối tượng là những khoản vay cũ đang chịu mức LS cao. Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các nhà băng cần giảm lợi nhuận, chia sẻ với khách hàng vay.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng NH hoàn toàn có thể giảm được LS cho vay thêm 1,5 - 2% cho đến thời điểm cuối năm. Bởi dòng vốn huy động LS cao trong NH đang đáo hạn gần hết, bình quân LS huy động vốn đang dần được kéo xuống thấp. LS cao nhất của khối NH nhà nước chỉ nhỉnh hơn 6%/năm. Để có thể tiếp sức cho LS vay giảm, cần thúc đẩy mạnh hơn chương trình tín dụng hỗ trợ LS 2% triển khai nhanh hơn. Cụ thể tuyên truyền đến khách hàng vay về chương trình này cũng như tháo gỡ những quy định gây ra rào cản trong tiếp cận vốn đối với khách hàng đủ điều kiện vay.
Bình luận (0)