Lãi vay tiêu dùng cao ngất ngưởng: Người vay gánh chịu nhiều chi phí

Không chỉ lãi suất trên trời, người đi vay tiêu dùng ở các công ty tài chính còn phải chịu nhiều chi phí, góp phần làm tăng gánh nặng trả nợ.

Mập mờ phí
Tại siêu thị điện máy K. tại Q.1 (TP.HCM), trong vai người muốn mua trả góp 1 chiếc máy tính giá 12 triệu đồng, chúng tôi được nhân viên Công ty tài chính (CTTC) FE Credit tư vấn phải trả trước 2 triệu đồng. Nếu trả kỳ hạn 9 tháng, mỗi tháng trả 1,323 triệu đồng, tính ra mức chênh lệch so với giá mua là 1,9 triệu đồng. Còn trả 12 tháng là 1,028 triệu đồng/tháng, chênh lệch 2,3 triệu đồng so với giá mua. Suốt thời gian tư vấn, nhân viên không đề cập đến các mức phí thanh lý hợp đồng trước hạn, các mức phí phạt, phí bảo hiểm, phí thu hộ và cũng không tính rõ ra mức lãi suất là bao nhiêu, được tính trên dư nợ ban đầu hay dư nợ giảm dần.
Khách hàng vay 10 đồng, trả nợ được 1 đồng thì phải tính lãi trên 9 đồng, chứ không thể duy trì tính lãi trên 10 đồng suốt kỳ hạn vay. Điều này vừa bóc lột khách hàng, vừa khiến lãi suất không minh bạch
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu

Đáng chú ý, người tiêu dùng “không biết đâu mà lần” trước các mức lãi suất cho vay tiêu dùng. Chẳng hạn, theo nhân viên một cửa hàng bán ti vi tại Q.1, lãi suất cho vay trả góp của HDSaison là 2,6%/tháng, nhưng qua siêu thị điện máy P.V. gần đó, mua trả góp một chiếc máy tính xách tay giá 9,5 triệu đồng, thì nhân viên HDSaison báo lãi suất là 3,02%, trong khi trước đó nhân viên siêu thị báo lãi suất từ 1,49 - 1,99%/tháng.
Đặc biệt, các mức lãi suất minh họa cho các khoản vay của các CTTC trên website ở mức thấp, chỉ 1,3%/tháng, nhưng lãi suất thực tế cao hơn nhiều lần. Bên cạnh đó, các CTTC còn tăng các khoản phí đi kèm để người vay tiêu dùng phải gánh chịu, khiến giá sản phẩm bị tăng lên đáng kể.
Chẳng hạn, tra trên website, mức phí bảo hiểm chiếm tỷ lệ khá lớn trong khoản lãi và phí trả hằng tháng của người vay. Cụ thể, trên website siêu thị điện máy N.K., FE Credit cho biết mua máy giặt Electrolux giá 13,9 triệu đồng với lãi suất minh họa 1,3%/tháng, phí bảo hiểm là 115.833 đồng/tháng, phí thu hộ 12.000 đồng, tổng cộng 2 khoản phí này đã chiếm 43% mức lãi và phí trả hằng tháng của người đi vay. Hay nếu mua máy giặt Samsung giá 15 triệu đồng, phí bảo hiểm đã chiếm 125.000 đồng/tháng, cộng với phí thu hộ, đã chiếm 40% lãi hằng tháng.
Trong khi Thông tư 39 và Thông tư 43 của Ngân hàng Nhà nước mới đây quy định tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một người vay tại CTTC không được vượt quá 100 triệu đồng, thì trên website của CTTC Prudential (PruFC) vẫn còn cho vay tín chấp gấp 12 lần thu nhập, tối đa lên đến 350 triệu đồng.
Rủi ro rất lớn cho người vay
Tại một hội thảo Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) tổ chức vào tháng 7.2016, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, cho hay tại VN có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các CTTC. Tuy nhiên thời gian qua xuất hiện nhiều hành vi vi phạm của người đi vay, với các phản ánh khiếu nại liên quan đến tín dụng tiêu dùng chiếm hơn 80% trong tổng số các vụ việc bị khiếu nại đến Cục Quản lý cạnh tranh thông qua tổng đài 18006838, email, điện thoại, Facebook và khiếu nại trực tiếp.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi đang tập hợp lãi suất cho vay tiêu dùng công ty tài chính để báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước. Chúng tôi cũng đang lo ngại mặt bằng lãi suất huy động cao sẽ khó kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay”.

“Thực tế này đang ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tiêu dùng. Vay không thế chấp, chỉ cần chứng minh thư là được xét duyệt vốn nhanh nhưng tiềm ẩn đằng sau đó là sự rủi ro rất lớn cho người tiêu dùng”, ông Trịnh Anh Tuấn nói tại hội thảo.
Theo TS-LS Bùi Quang Tín (giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng), CTTC giữ cà vẹt xe của người vay, đồng nghĩa đây là khoản vay thế chấp, nhưng người vay phải chịu mức lãi suất tín chấp. Tính ra, khoản vay thế chấp có lãi suất 1,96%/tháng, tương đương 23,52%/năm là quá cao. Chưa kể lãi suất được tính trên dư nợ ban đầu là 1,96% sẽ tương đương 3,6%/tháng tính trên dư nợ giảm dần (hơn 43,4%/năm). “CTTC cho vay những khoản vay nhỏ, tạo cơ hội cho những người chưa tiếp cận được với ngân hàng vay, nhưng nếu tính đúng tính đủ như ở trên, thì người tiêu dùng gánh chịu quá nhiều thiệt thòi”, ông phân tích.
Vừa qua, một số CTTC phát hành chứng chỉ tiền gửi ở mức lãi suất 11%/năm để huy động vốn, ông Tín cho rằng trong trường hợp các CTTC cần vốn để cho vay sẽ đẩy lãi suất lên cao, trong khi chủ trương hiện nay là ổn định lãi suất mà như vậy thì thị trường khó có thể ổn định. Với mức huy động 11%/năm, nợ xấu trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng ở mức 5%, ông cho rằng lãi suất vay của các CTTC ở vào khoảng 20 - 35%/năm là hợp lý khi biên độ lợi nhuận của CTTC đã gấp đôi ngân hàng.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết Mỹ áp dụng quy định thả nổi lãi suất, hai bên có thể thỏa thuận lãi suất vay tiêu dùng. Tuy nhiên, có luật cho vay nặng lãi (Usury law) bao gồm những quy định về lãi suất áp dụng trên một món vay, đặc biệt nhắm đến áp dụng lãi suất cắt cổ cao so với một mức trần lãi suất (mức trần này mỗi bang tự đề ra). Nếu một người nghĩ rằng bị áp đặt lãi suất quá cao, thì có thể kiện ra tòa và chứng minh đây là mức lãi suất không bình thường, chứng minh thiệt hại của họ. Tại VN vẫn chưa có quy định cụ thể về mức lãi suất cắt cổ để bảo vệ người dân.
“Tôi cho rằng thị trường cần thả nổi lãi suất, nhưng vẫn có một mức trần lãi suất để tính toán lãi suất cắt cổ, nhằm hạn chế mức lãi suất quá cao”, ông nói. Đồng thời, hiện nay đa số CTTC áp dụng cách tính lãi suất trên dư nợ ban đầu. “Đây là một điều quá vô lý. Khách hàng vay 10 đồng, trả nợ được 1 đồng thì phải tính lãi trên 9 đồng, chứ không thể duy trì tính lãi trên 10 đồng suốt kỳ hạn vay. Điều này vừa bóc lột khách hàng, vừa khiến lãi suất không minh bạch”, ông Hiếu phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.