Việc xóa nợ thuế đối với doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế đồng thời gây ra nhiều thiệt hại...
ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường - Ảnh: TTXVN |
Đây là quan điểm của ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) đưa ra tại phiên thảo luận chiều qua (13.11) về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế.
Trước đó tại Tờ trình dự luật này, Chính phủ đề nghị đưa việc xóa nợ thuế vào luật Quản lý thuế (sửa đổi) “để góp phần thúc đẩy thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, giao, bán, khoán, sắp xếp lại”. Tại báo cáo thẩm tra dự luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí xóa các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc danh sách cổ phần hóa, giao bán, sáp nhập, sắp xếp lại do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt như dự luật nhằm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa theo đúng chủ trương của Đảng, Nghị quyết của QH. Tuy nhiên, một số ý kiến của ủy ban này cũng cho rằng quy định như dự luật sẽ dẫn đến trường hợp các DN hiện nay chưa đến thời điểm thực hiện cổ phần hóa, cố tình chây ì, chậm nộp tiền thuế để tăng số nợ thuế lớn hơn số lỗ lũy kế hoặc cố tình không kê khai số thuế nợ trong giá trị của DN để được hưởng chính sách xóa nợ thuế của nhà nước. Vì vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị chỉ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp trong khoảng thời gian được giới hạn trước ngày 31.12.2015, không nên quy định trong luật thành một chính sách thường xuyên.
Theo ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai), việc xóa nợ cần được xem xét cụ thể đối với từng trường hợp theo hướng chỉ xóa nợ phát sinh do lỗi của cơ quan nhà nước. Ví dụ như trường hợp DN cung ứng dịch vụ được thanh toán theo vốn ngân sách hoặc có nguồn từ ngân sách nhưng chưa được thanh toán kịp thời. Nhấn mạnh việc Hiến pháp đã quy định mọi công dân phải có nghĩa vụ nộp thuế, ĐB Vở cho rằng “không thể chấp nhận tình trạng lợi thì hưởng mà nợ thì để nhà nước gánh chịu. Mà nhà nước ở đây là dân”.
Dẫn báo cáo của Chính phủ, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho biết năm 2013 có tới 69% DN kinh doanh không có lãi để nộp thuế và nhiều DN theo đúng cơ chế thị trường đã phải tự động rời bỏ thị trường. Vì vậy, nếu các DNNN đã không còn đủ khả năng tồn tại trên thị trường, kinh doanh thua lỗ và thâm hụt vào vốn của nhà nước thì khi cổ phần hóa, các DNNN cần phải xác định đúng giá trị thật còn lại hoặc có thể áp dụng luật phá sản DN để giải quyết mà không cần áp dụng chính sách xóa nợ thuế. “Tôi thiết nghĩ, một nền kinh tế khỏe mạnh cần những tế bào DN khỏe mạnh thực sự. Và cũng như nhiều ĐBQH khác, tôi cho rằng, việc thiết lập nên những tế bào khỏe mạnh thực sự này sẽ bắt đầu từ việc hoạch định chính sách từ chính nghị trường QH của chúng ta”, bà Hường phát biểu.
Cân nhắc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô
Theo ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô là cần thiết, tuy nhiên gần thời điểm giảm thuế nhập khẩu bằng không từ khu vực ASEAN thì giảm thuế TTĐB cần cân nhắc, tính toán hợp lý để đảm bảo cân đối lợi ích giữa người tiêu dùng, DN sản xuất và nhà nước.
ĐB Thủy đề nghị Quốc hội giữ nguyên mức thuế hiện hành hoặc chỉ giảm ở mức thấp, tiếp tục theo dõi ảnh hưởng đến thị trường ô tô, công nghiệp ô tô, cơ sở hạ tầng và ngân sách nhà nước do việc giảm thuế nhập khẩu đối với ô tô nguyên chiếc từ nay đến năm 2018 theo cam kết với ASEAN và WTO. Sau đó, Quốc hội sẽ xem xét việc thay đổi mức thuế cho từng loại xe ô tô trong lần sửa đổi luật Thuế TTĐB tiếp theo.
|
Bình luận (0)