Xóa nợ thuế, xóa luôn trách nhiệm

28/10/2015 08:00 GMT+7

Ủy ban Tài chính - Ngân sách và các đại biểu Quốc hội cho rằng việc Chính phủ đề xuất xóa nợ thuế cần phải được xem xét thận trọng, tránh nhầm đối tượng, xóa tràn lan rơi vào các doanh nghiệp cố tình chây ì, chậm nộp thuế.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách và các đại biểu Quốc hội cho rằng việc Chính phủ đề xuất xóa nợ thuế cần phải được xem xét thận trọng, tránh nhầm đối tượng, xóa tràn lan rơi vào các doanh nghiệp cố tình chây ì, chậm nộp thuế.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu gặp khó khăn cần được xem xét xóa nợ thuế - Ảnh: Ngọc ThắngNhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu gặp khó khăn cần được xem xét xóa nợ thuế - Ảnh: Ngọc Thắng
Báo cáo trước Quốc hội ngày hôm qua (27.10) về dự thảo luật sửa đổi một số điều luật Thuế (gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, quản lý thuế, thuế giá trị gia tăng), Chính phủ đề xuất xóa nợ thuế cho một số đối tượng, tập trung vào khu vực doanh nghiệp nhà nước đang trong quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về nội dung sửa đổi tỷ lệ phạt tiền chậm nộp, mức đang áp dụng 0,05%/ngày (tương đương với khoảng 18,25%/năm) là quá cao, gây khó khăn cho DN. Do đó nhất trí với dự thảo luật điều chỉnh giảm mức phạt tiền chậm nộp thuế từ 0,05%/ngày xuống còn 0,03%/ngày (tương đương với khoảng 10,95%/năm). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, với mức phạt tiền chậm nộp như dự thảo là thấp (thấp hơn mức lãi suất quá hạn mà các ngân hàng thương mại đang áp dụng), không đủ sức răn đe đối với các trường hợp DN cố tình chây ì, không chịu nộp thuế cho nhà nước.
Xóa 10.000 tỉ đồng nợ
Đề xuất xóa nợ của Chính phủ diễn ra trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang bị thâm hụt, nợ thuế từ khu vực doanh nghiệp (DN) lên tới 73.000 tỉ đồng - con số mà Bộ Tài chính cũng phải thừa nhận quá lớn so với số thu ngân sách hằng năm. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là đang có tình trạng không ít DN lớn, thuộc sở hữu nhà nước cố tình chây ì và nếu không có quy định cụ thể rất dễ ưu đãi, xóa nhầm đối tượng.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, số nợ thuế dự kiến xóa cho các DN có thể lên tới khoảng 10.000 tỉ đồng, tương đương số tiền mà Chính phủ định thu từ tiền bán vốn của 10 DN lớn bù đắp cho ngân sách.
Trước phiên thảo luận cho ý kiến về dự thảo luật này, nhiều ĐB tỏ ra khá quan ngại và không đồng tình. ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, trước kia nhà nước đã nhiều lần giải quyết công nợ cho DN nhà nước bằng hình thức này. Song việc xóa nợ chỉ nên thực hiện với những đối tượng cá biệt, hoạt động mang tích chất công ích. Ông cũng lưu ý, cần phải giới hạn phạm vi xóa, chứ không thể tràn lan. Trên nguyên tắc, trừ khoản nợ nhà nước bảo lãnh, các khoản khác phải tự trả và thực hiện theo thủ tục phá sản.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đặt vấn đề trách nhiệm của người lãnh đạo DN khi “chèo lái” con thuyền được ưu đãi cơ sở vật chất, tài nguyên... nay lại muốn được xóa nợ vô hình trung sẽ xóa sạch trách nhiệm. ĐB An đề nghị cần làm rõ nguồn vốn xóa, trách nhiệm của ai.
Thua lỗ nên cho phá sản
Trước đó, trong báo cáo thẩm tra về dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, một số ý kiến trong ủy ban lo ngại trường hợp các DN hiện nay chưa đến thời điểm thực hiện cổ phần hóa, cố tình chây ì, chậm nộp tiền thuế để tăng số nợ thuế lớn hơn số lỗ lũy kế của DN hoặc cố tình không kê khai số thuế nợ trong giá trị của DN để được hưởng chính sách xóa nợ thuế của nhà nước. Vì vậy, các ý kiến này đề nghị chỉ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với DN nhà nước trong khoảng thời gian được giới hạn trước ngày 31.12.2015, không nên quy định trong luật thành một chính sách thường xuyên. Đây là nội dung mang tính cá biệt, nên đề nghị QH ban hành nghị quyết về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp của DN nhà nước và bổ sung vào nghị quyết về dự toán ngân sách năm 2016.
Chây ì nộp thuế, trốn tránh nghĩa vụ với nhà nước, theo các chuyên gia là điều khó chấp nhận đối với các DN. Nay lại xin xóa nợ thuế, vin vào lý do sắp xếp lại và cổ phần hóa lại càng khó chấp nhận hơn. Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính - Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, đối với các DN thua lỗ không cứu được thì phải cho phá sản. Còn DN nào có lãi nhưng không chịu nộp, đợi được xóa nợ thì phải xử lý thật mạnh tay.
Đồng tình với chủ trương cần phải xóa nợ thuế, tuy nhiên chia sẻ với Thanh Niên, ĐB Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN cho rằng cần phải có một chính sách bình đẳng, công khai và minh bạch. “Nếu không công khai, minh bạch thì sẽ rất dễ xóa nhầm và tạo môi trường dung dưỡng cho cơ chế xin - cho”, ông Lộc khuyến cáo.
Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xe hơi dung tích nhỏ
Để kích cầu tiêu thụ dòng xe dung tích nhỏ, cũng như phù hợp với lộ trình giảm thuế tại các hiệp định thương mại tự do, trong dự thảo luật, Chính phủ đề xuất giảm thuế từ 45% xuống còn 20% (từ năm 2019) đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống dung tích dưới 1.000 cm3 đến 1.500 cm3. Đối với dòng xe dung tích từ 1.500 cm3 đến 2.000 cm3 giảm từ 45% xuống còn 30% vào năm 2019. Loại có dung tích xi lanh trên 2.000 cm3 đến 2.500 cm3 giữ thuế suất 50% như hiện hành. Riêng các loại có dung tích xi lanh trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 sẽ tăng từ 55% lên 60%, đối với các loại dung tích lớn hơn thuế cao nhất có thể lên tới 150%.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng cho biết có ý kiến đề xuất áp thuế thống nhất, đơn giản hơn. Cụ thể, loại có dung tích từ 1.500 cm3 trở xuống: Áp dụng thuế suất thống nhất 30% (giảm 15% so với mức thuế suất hiện hành); loại có dung tích trên 3.000 cm3 từ ngày 1.7.2016 áp dụng thuế suất 70% (tăng 15% so với hiện hành), từ ngày 1.1.2018 áp dụng thuế suất 75% (tăng 20% so với hiện hành). Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản đồng ý với các đề xuất này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.