Làm báo trong chiến tranh

19/06/2024 10:00 GMT+7

Khi xuống chiến trường Nam lộ Bốn Cai Lậy (Mỹ Tho) năm 1972, tôi được thỏa sức trải nghiệm, được sống giữa lòng nhân dân. Với người làm báo, đó là cách thu nhận dữ liệu tốt nhất để có thể hoàn thành những bài báo ưng ý…

Có những đêm tôi được ngồi hầu rượu và hầu chuyện các bậc bô lão trong xóm ấp. Một ngọn đèn lu, dưới trang thờ ngoài sân, tôi và bác chủ nhà đối ẩm. Ve rượu bằng sành hay sứ cổ, hai chén hạt mít, không mồi nhậu, hai bác cháu chuyện trò nhỏ nhẹ. Bác chủ nhà tóc búi củ hành, cử chỉ đĩnh đạc của một người từng theo Nho học, nói những câu nửa Nôm nửa Hán, mình phải vừa nghe vừa… đoán, chứ đâu biết chữ Nho.

Làm báo trong chiến tranh- Ảnh 1.

Các nhà báo hành quân từ chiến trường B2 về chuẩn bị tiếp quản tại Sài Gòn

TƯ LIỆU

Chuyện rất lan man, dài như cuộc rượu giữa hai người, một già một trẻ. Có thể nói, đó là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của tôi, khi được nghe rất nhiều chuyện xưa có nay có, được nhìn ngắm thật gần hình ảnh một người "dân mộ nghĩa" Nam bộ, một người khai mở đất phương Nam. Tôi đã tích lũy được bao nhiêu điều từ những cuộc nhậu không ồn ào như thế.

Tôi luôn rạch ròi giữa thơ và báo. Nhưng những cảm nhận, những xúc động của người làm thơ đã ảnh hưởng rất nhiều tới cách viết báo của tôi. Với tôi, những bài báo vẫn có thể đầy xúc cảm. Hóa ra, với "kênh" tuyên truyền binh vận, cách viết ấy lại rất đắc địa. Sự chân thành, những tình cảm nhiều khi mộc mạc nhưng thấm thía, là những gì làm nên sức thu hút của những bài báo thuộc đề tài này. Nhất là khi tôi viết về đề tài hòa giải, hòa hợp dân tộc. Tôi đã viết bằng tất cả tình cảm của mình.

Ngày mới về Tiểu ban tuyên truyền Binh vận T.Ư Cục (Cục R), bài báo đầu tiên của tôi viết cho Đài Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam là về số phận đau buồn của một sĩ quan cấp úy quân đội Sài Gòn. Khi gửi bài báo sang Đài Giải phóng, ông Tám Trí, phụ trách tổ thường trú Binh vận bên Đài Giải phóng, sau khi đọc bản thảo đã viết thư cho ông Hai Vân, Trưởng tiểu ban tuyên truyền Binh vận (B6), nói ông chưa biết Thanh Thảo là ai, nhưng đọc bài viết thấy tâm đắc quá. Ngay từ đó, tôi đã lọt vào "mắt xanh" của mấy vị lãnh đạo Tiểu ban tuyên truyền Binh vận, và họ để cho tôi tự do chọn đề tài, những bài viết của tôi không cần quá "thời sự", miễn là đọc có cảm giác dễ "lọt tai" anh em sĩ quan, binh lính trong quân đội Sài Gòn là được.

Viết báo mà đối tượng "nghe" những bài báo của mình lại ở "phía bên kia" không hề dễ. Nhưng tôi có cảm giác mình đã phần nào vượt qua "cửa ải" khó khăn này. Chính thơ đã giúp tôi vượt bức tường ngăn cách ấy, nhờ những xúc cảm, đồng cảm, chia sẻ hồn nhiên của người làm thơ được thể hiện trong những bài báo.

Làm "báo nói" - viết cho đài phát thanh - nhưng tôi không hề nghĩ những bài báo của mình chỉ "nghe qua rồi bỏ". Viết để phục vụ, không một đồng nhuận bút, nhưng vẫn viết bằng tất cả tâm sức. Nói như lão nhà văn Trang Thế Hy, tôi là "thằng cha giỏi viết nhật trình". Nhật trình là báo ngày, xem qua (hay nghe qua) rồi bỏ, nhưng không bao giờ viết cho xong chuyện. Chính sự toàn tâm ấy khiến mình viết vẫn nhanh, hoàn thành bài báo đúng hạn theo yêu cầu, mà vẫn đạt chất lượng cao nhất có thể.

Ngày ở chiến trường Mỹ Tho, tôi chỉ viết được ba bài báo, hai bài được in ở báo Ấp Bắc, còn thì đều được báo vụ tê-lê-tip lên Ban Binh vận, rồi được chuyển ra Hà Nội cũng bằng tê-lê-tip, được đọc trên hai đài phát thanh, Giải phóng và Tiếng nói Việt Nam, thế là xong việc. Đâu phải như bây giờ, viết một bài xong, có thể bấm một phát đi khắp toàn cầu.

Nhưng hồi đó phải rất phục các anh chị báo vụ. Họ gửi bài bằng tê-lê-tip, nhưng rất ít khi sai sót. "Chuẩn không cần chỉnh" là những bài báo được chuyển từ chiến trường hay chiến khu ra Hà Nội. Tác giả chỉ cần mở radio là nghe được bài viết của mình, không sai một chữ. Thú thật, nhiều đêm nằm trong địa hình hay trong rừng nghe những bài viết của mình phát trên đài, cũng lâng lâng xúc động.

Làm báo, không có nhuận bút, thì cũng có cái gì để bù vào, ít nhất động viên tinh thần mình. Tôi đã thành một nhà báo chuyên nghiệp như thế, suốt 5 năm ở chiến trường, cực khổ đủ điều, chiến tranh các thứ, bây giờ nghĩ lại, thấy cũng vui vui.

Còn nhớ, ngày tôi thường trú bên Đài Giải phóng, cứ buổi trưa là tôi với Lê Điệp (nhà văn, nhà báo) lại kéo nhau ra suối câu cá. Con suối tương đối sâu nên cá khá nhiều, chủ yếu là cá đỏ đuôi. Chúng tôi kiên trì ngồi buông cần, không phải để thư giãn hay để nghĩ chuyện lớn, mà chăm chăm kiếm cá cho bữa cơm chiều. Dạo đó, thức ăn nhà bếp quá "hẻo", tôi với Lê Điệp mặt thằng nào cũng xanh lét do sốt rét và ăn thiếu chất, nên câu cá cải thiện là "việc cần làm ngay".

Thường ngồi suốt buổi trưa như thế, mỗi thằng cũng câu được dăm con cá đỏ đuôi, loại cá bé tẹo bằng hai, ba ngón tay, nhưng như thế là tươm lắm rồi, có thức ăn cho bữa chiều rồi. Thời gian ở đài, tôi với Lê Điệp hay chơi với anh Hải - Nguyễn Ngọc Hải. Anh vốn là cựu sinh viên Khoa văn Tổng hợp Hà Nội, như thế là đồng môn với tôi, dù anh Hải học trên tôi 4 hay 5 lớp gì đó. Học xong, anh vừa về một cơ quan ở Hà Nội thì được động viên đi bộ đội, vào chiến trường, làm lính trơn. Anh vào B2 khá sớm, công tác ở Phòng Tuyên truyền của sư đoàn, cũng đã lăn lộn qua nhiều chiến dịch, cuối cùng, về Đài Giải phóng làm biên tập viên Ban Văn nghệ.

Tôi với Lê Điệp hay chơi với anh Hải vì ở "nhà sàn" của anh trong rừng hay có thứ này thứ kia để lót lòng cho qua cơn đói. Anh Hải thích chơi với chúng tôi vì hai thằng tôi, để có gì ăn, rất chịu nghe chuyện của anh, mà anh thì chỉ có mỗi nhu cầu "trút bầu tâm sự" rất linh tinh. Kệ!

Còn nhớ, những món ăn được ở nhà anh Hải thường rất... kinh. Chẳng hạn như cơm rang. Cơm ăn thừa, anh Hải tích trữ không biết qua bao nhiêu ngày, còn mỡ để chiên cơm thì "lý lịch" hết sức tù mù, chắc chắn là không được vệ sinh cho lắm. Anh Hải có thói quen nằm trên nhà sàn một mình, radio mở rất to, Đài Giải phóng hay Đài Hà Nội gì đó, anh cứ nằm, một tay cầm đũa liên tục khuấy đảo chảo cơm rang, mắt lơ mơ chả biết thức hay ngủ, còn cái radio thì nó kêu cho vui thôi chứ anh cũng chả nghe.

Những lúc đó, tôi với Lê Điệp nhẹ nhàng đến với anh, và anh Hải bật dậy như một người lính choàng tỉnh: "Cơm rang nhé!". Vâng, thì cơm rang. Ba chúng tôi lại hì hụi với nhau, mỗi người một bát cơm rang "made in Ngọc Hải ". Lúc đói thì ăn gì chả ngon!

Làm việc ở Đài Giải phóng, lại nhớ thủ trưởng là ông Hai Xuyên, Giám đốc đài. Ông lành hiền lắm. Có lần, đài tổ chức học chính trị, nghị quyết gì đó, đám biên tập viên, phóng viên chúng tôi được học riêng, do đích thân ông Hai Xuyên giảng bài. Chúng tôi mắc võng ở một khoảng rừng, quần tụ xung quanh giảng viên. Ông Hai Xuyên cũng mắc võng, nhưng ông ngồi giảng bài, còn chúng tôi nằm để nghe.

Ông chả có ý kiến gì về chuyện nằm ngồi, cứ thế chậm rãi truyền đạt nghị quyết. Còn chúng tôi, nằm một lúc thì bắt đầu… ngủ. Ở rừng, nằm võng nghe giảng mà không ngủ có họa là thánh! Chúng tôi ngủ say quá. Có anh bắt đầu... nói mớ, có anh ngáy rất to. Đến nỗi, hiền như ông Hai Xuyên mà phải ý kiến: "Các đồng chí ngủ đừng... ngáy to quá thế! Tôi đang giảng nghị quyết mà!".

Dễ thương thật đấy, thủ trưởng Hai Xuyên!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.