Lắm bệnh do nắng nóng

14/03/2012 09:42 GMT+7

Tại TPHCM, khoảng 1 tuần qua đã gia tăng số bệnh nhi nhập viện do các bệnh thường gặp vào mùa nóng.

Tại TPHCM, khoảng 1 tuần qua đã gia tăng số bệnh nhi nhập viện do các bệnh thường gặp vào mùa nóng.

Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TPHCM, số lượng trẻ em mắc các bệnh thường gặp mùa nắng nóng phải nhập viện điều trị đang gia tăng tại khoa nhi của BV này. BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm của BV Nhi Đồng 1, cho biết khoảng một tuần qua bắt đầu xuất hiện những ca trẻ bị viêm màng não, trái rạ, tay chân miệng (TCM)… đến điều trị. Đây là các bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng.

Đề phòng sốt xuất huyết

“Về dịch bệnh ở trẻ em, đáng chú ý hiện nay vẫn là bệnh TCM đang vào mùa, bệnh đã tăng khá nhiều ở các tỉnh và tăng nhẹ ở TPHCM, tập trung ở các quận 7, 8, 11, 12. Bệnh sốt xuất huyết vẫn cần đề phòng vì dù đã qua mùa nhưng vẫn còn rải rác một số ca mắc mới, nhất là ở các quận có điều kiện môi trường phức tạp như 8, Bình Thạnh, Thủ Đức, Bình Tân…” - TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, nhấn mạnh.

BS Khanh cảnh báo: “Các bệnh mùa nóng ở trẻ em có thể gia tăng trong khoảng một tháng tới, khi khí hậu TPHCM nóng nhất trong năm. Bệnh TCM cũng sẽ tăng mạnh”. Để phòng ngừa các bệnh mùa nóng ở trẻ em, nên cho trẻ uống nhiều nước, tắm thường xuyên, mặc quần áo thông thoáng, sử dụng quạt máy ở mức vừa phải... Cơ thể trẻ thoải mái, khỏe mạnh thì sẽ đề kháng với bệnh tật tốt hơn. Nếu thấy trẻ có các biểu hiện như sốt cao không hạ được, nôn ói, co giật, quấy khóc… thì nên đưa đến BV.

BS Siêu lưu ý: “Bệnh TCM vẫn là căn bệnh đáng lo ngại trong thời điểm này. Để phòng bệnh, cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ (đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi) và cho cả người chăm sóc, vì người lớn nhiều lúc vô tình mang mầm bệnh từ bên ngoài vào và trở thành trung gian truyền bệnh cho trẻ. Nên dọn dẹp nhà cửa thường xuyên. Ngoài ra, cho trẻ nằm màn khi ngủ và xử lý các nơi nước tù đọng quanh nhà để ngừa sốt xuất huyết. Đối với nhà trường, khi có trẻ nghỉ học thì nên xác minh nguyên nhân, nếu là TCM hoặc các bệnh lây nhiễm nguy hiểm khác thì phải báo ngay cho cơ quan y tế địa phương”.


Điều trị cho trẻ bị viêm màng não tại Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng 1

Bệnh hô hấp vẫn tăng

Theo y văn và thực tế ở nhiều nước, trẻ dễ mắc các bệnh về hô hấp trong mùa lạnh, mùa mưa nhưng ở nước ta, khi thời tiết nóng dần như hiện nay lại là lúc bệnh hô hấp ở trẻ tăng.

ThS-BS Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp - BV Nhi Đồng 1, lý giải: “Phần lớn trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính và các bệnh liên quan đến dị ứng chủ yếu do tập quán sinh hoạt, cách sử dụng quạt và máy lạnh để chống nóng. Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 12 tháng tuổi, rất dễ bị nhiễm lạnh nếu bị đặt cạnh luồng gió quạt quá mạnh, trực diện, ngồi quạt ngay khi vừa đi ngoài đường về mà chưa kịp lau khô mồ hôi.

Sử dụng máy lạnh với nhiệt độ quá thấp, chênh lệch với môi trường bên ngoài quá nhiều cũng khiến trẻ dễ bị bệnh do nhiễm lạnh hoặc do sự thay đổi nhiệt độ quá đột ngột khi ra vào phòng. Tốt nhất, nhiệt độ trong phòng chỉ nên thấp hơn bên ngoài tối đa là 8 độ C - 10 độ C”.

Bệnh tay chân miệng thay đổi về triệu chứng

* Kon Tum: Bệnh tay chân miệng xuất hiện ở 7/9 huyện, TP

Ngày 13-3, TS-BS Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, cho biết qua theo dõi các bệnh nhân mắc bệnh TCM nhập viện, các bác sĩ đã phát hiện có sự thay đổi về triệu chứng, bệnh cảnh lâm sàng ở những trẻ mắc bệnh.

Cụ thể, nếu trước đây triệu chứng bệnh thường biểu hiện rầm rộ là những mụn nước, bọng nước ở tay, chân và niêm mạc miệng thì nay nhiều trẻ bệnh không bộc lộ rõ ràng, thậm chí khi xét nghiệm mới phát hiện mắc TCM. Nhiều trường hợp virus đã tấn công vào não, biến chứng các cơ quan tiêu hóa, tim mạch… đe dọa tính mạng trẻ nhưng vẫn không có biểu hiện đặc trưng của bệnh. “Có thể độc tính chủng virus đã thay đổi thích nghi với hoàn cảnh hoặc do virus EV 71 đang áp đảo trong cộng đồng. EV 71 thường gây bệnh cảnh nặng, tử vong cao” - ông Hải lo ngại.

Trong khi đó, đang trực tiếp điều trị cho hàng chục bệnh nhân TCM, BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm - BV Nhi Trung ương, cho biết có tới 75% trẻ mắc TCM hoàn toàn không có yếu tố dịch tễ là đã từng tiếp xúc với trẻ mắc TCM.

Điều này cho thấy trẻ lây bệnh từ người lớn, đặc biệt là từ người chăm sóc và tiếp xúc thường xuyên với trẻ. Với điều kiện thời tiết thất thường, độ ẩm cao như hiện nay, rất thuận lợi cho virus gây bệnh TCM lây lan, bùng phát. * Cùng ngày, BS Trần Văn Minh, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm vắc-xin sinh phẩm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kon Tum, cho biết toàn tỉnh đã ghi nhận 55 trường hợp trẻ em mắc bệnh TCM tại 26 xã, phường, thị trấn của 7/9 huyện, TP.

Trong đó, huyện Đắk Glei có số lượng nhiều nhất với 17 trường hợp; đặc biệt ở một số xã, bệnh có dấu hiệu bùng phát với 3-4 bệnh nhân/xã như xã Đắk Choong, Đắk Pét (huyện Đắk Glei), xã Đắk Sú, Sa Loong (huyện Ngọc Hồi).

Đáng quan ngại là một bộ phận người dân, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu thông tin, kiến thức về bệnh TCM nên còn chủ quan, lơ là trong việc tự phòng, chống bệnh.

N.Dung - G.Thu

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.