Làm cách nào ngăn nguy cơ trẻ nhỏ nhiễm vi rút bại liệt hoang dại?

Liên Châu
Liên Châu
08/09/2022 04:00 GMT+7

Dù đã được thanh toán từ hơn 20 năm qua, nhưng nguy cơ vi rút bại liệt hoang dại xâm nhập gây bệnh là hiện hữu, khi bại liệt vẫn ghi nhận tại một số nước.

Bệnh bại liệt rất dễ lây

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, bại liệt là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút polio (bại liệt) gây ra. Vi rút bại liệt gồm 3 thể 1, 2 và 3. Sau khi vào cơ thể, vi rút xâm nhập hệ thống thần kinh trung ương gây tổn thương ở các tế bào thần kinh vận động. Bệnh có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng liệt không hồi phục và tàn tật suốt đời. Đáng lo ngại, vi rút bại liệt có thể lây truyền, gây thành dịch lớn nếu miễn dịch cộng đồng thấp (tỷ lệ uống, tiêm vắc xin phòng bệnh thấp).

Vi rút bại liệt có thể lây truyền, gây thành dịch lớn nếu miễn dịch cộng đồng thấp (tỷ lệ uống, tiêm vắc xin phòng bệnh thấp).

Bệnh bại liệt lây truyền từ người sang người qua đường tiêu hóa. Vi rút bại liệt từ người bệnh hoặc người lành mang trùng gây lây nhiễm vào nguồn nước, thực phẩm rồi vào đường tiêu hóa. Những trường hợp không có miễn dịch, vi rút có thể xâm nhập từ đường ruột vào cơ thể, nhân lên và gây bệnh. Những người này tiếp tục gây bệnh cho những người xung quanh.

Bệnh bại liệt rất dễ lây. Hầu hết trẻ em sống cùng nhà hoặc tiếp xúc với người mang mầm bệnh có thể bị nhiễm vi rút. Người bệnh có khả năng đào thải vi rút từ 10 ngày trước đến 14 ngày sau khi phát bệnh. Những người lành mang vi rút cũng có thể trở thành nguồn truyền bệnh.

Đáng lưu ý, theo Cục Y tế dự phòng, vi rút bại liệt sống dai ở môi trường bên ngoài. Trong phân, chúng sống được vài tháng ở nhiệt độ 0 - 4 độ C. Trong nước, ở nhiệt độ thường, chúng sống được 2 tuần. Vi rút bại liệt chịu được khô hanh, chỉ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56 độ C sau 30 phút và bị tiêu diệt bởi thuốc tím (KMnO4). Liều Clo thường dùng để diệt khuẩn nước không tiêu diệt được vi rút bại liệt.

Thăm khám và cho trẻ dưới 5 tuổi uống vắc xin phòng bại liệt trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại Lai Châu

Dương Ngọc

Nguy cơ xâm nhập là hiện hữu

Theo chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia (Bộ Y tế), tại VN đã xảy ra các dịch bại liệt lớn vào năm 1957 - 1959. Tỷ lệ bại liệt năm 1959 là 126,4/100.000 dân. Từ năm 1962 khi VN tự chế tạo thành công vắc xin bại liệt sống giảm độc lực của Sabin (OPV: Oral Polio Vaccine) thì tỷ lệ mắc và tử vong đã giảm đáng kể và không có các vụ dịch xảy ra.

Sau hàng chục năm kiên trì và mở rộng chương trình TCMR, với gần 100% trẻ em được uống vắc xin bại liệt, đến năm 2000 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố VN đã thành công trong khống chế bệnh bại liệt trên toàn quốc. Nghĩa là VN đã không còn một bệnh nhân bại liệt nào do vi rút bại liệt hoang dại gây nên.

Theo chương trình TCMR, tại VN bệnh bại liệt đã được thanh toán từ năm 2000. Tuy nhiên, trong bối cảnh vi rút bại liệt hoang dại vẫn còn lưu hành tại một số quốc gia trên thế giới cùng với việc mở rộng giao lưu quốc tế, nguy cơ lây truyền bệnh bại liệt là hiện hữu. Việc duy trì miễn dịch bảo vệ phòng bệnh bại liệt là rất cần thiết cho đến khi bệnh bại liệt được thanh toán hoàn toàn.

Theo Cục Y tế dự phòng, vi rút bại liệt hoang dại là vi rút sống trong tự nhiên, phân biệt với các vi rút lưu hành có nguồn gốc từ vắc xin, tồn trong phân trẻ em.

Trước thực tế tỷ lệ trẻ được sử dụng đầy đủ vắc xin phòng bại liệt trong TCMR giảm thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chuyên gia TCMR khuyến cáo các địa phương có giải pháp tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng bại liệt cho trẻ trong độ tuổi TCMR. Các gia đình cần cho con đi tiêm, uống vắc xin đầy đủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Thấp ở mức cảnh báo

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ các vắc xin trong chương trình TCMR hiện giảm thấp nhất trong các năm gần đây, trong đó 2 nhóm vắc xin OPV uống phòng bại liệt và vắc xin DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván) đang thấp ở mức cảnh báo.

Trong các năm qua, với việc triển khai cho trẻ uống 3 liều vắc xin bại liệt trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 2, 3 và 4 tháng, các chiến dịch uống vắc xin bại liệt bổ sung đã được triển khai tại các vùng nguy cơ cao, VN đang duy trì thành quả này trong khi vi rút bại liệt tiếp tục lưu hành trên thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.