|
Từ năm 2012, chính quyền TP.Đà Nẵng đã quyết định giữ lại cây cầu Nguyễn Văn Trỗi và có phương án biến cầu Nguyễn Văn Trỗi thành cầu đi bộ đặc sắc, một điểm đến hấp dẫn. Vấn đề đặt ra là các phương án thiết kế không được “phá vỡ cảnh quan”, phải giữ cho được “nguyên hình nguyên trạng” cây cầu, chứng tích lịch sử. Từ hiện trạng của cây cầu, kỹ sư Phan Đình Phương đã xây dựng một loạt các ý tưởng trình UBND TP.Đà Nẵng và nhận được nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ.
Trước tiên là ý tưởng tạo vòm cầu với các loại dây leo, hình thành một công viên đi bộ đầy màu xanh làm nơi thư giãn cho người dân thành phố và du khách. Dọc theo chiều dài của cầu hơn 500m, ngang hơn 10m sẽ bố trí một bên là ghế đá để khách nghỉ chân, một bên là băng chuyền trợ lực cho những người có thể trạng yếu, người già, người tàn tật, trẻ em... Chính giữa con đường đi bộ sẽ là không gian trưng bày, triển lãm chuyên đề trong từng khoảng thời gian nhất định. Theo định kỳ hàng tháng, có thể trưng bày triển lãm sản vật từng vùng miền, triển lãm công nghệ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tranh tượng, ẩm thực... đáp ứng mọi nhu cầu quảng bá du lịch, dịch vụ của các đơn vị doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Đặc biệt, để không gian thư giãn, thưởng lãm của người dân và du khách trên cầu đi bộ trở nên sinh động, hấp dẫn hơn, ông Phương đề xuất ý tưởng biến 13 mố cầu cũ nhô ra dọc thành cầu (phía cầu Rồng) thành 13 điểm dừng nghỉ lý tưởng. Mỗi mố cầu sẽ được thiết kế nâng sàn theo hình tròn để phù hợp với kiến trúc nguyên bản của cây cầu. Tại các vị ví này bố trí không gian 3 tầng chồng lên nhau, công năng sẽ được khai thác phù hợp với nhu cầu giải trí, kinh doanh dịch vụ, du lịch như quán bar, cà phê, tầng sát mặt sông có thể phục vụ du lịch mạo hiểm sông nước, điểm đáp, đón khách của du thuyền…
“Khu vực sàn nâng hình tròn bố trí các điểm dịch vụ có thể sẽ được thiết kế thêm phần khung sắt hình vòm có lợp kính tạo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng, bất chấp các yếu tố thời tiết… Các khối hình cầu này cũng tạo thành một thể thống nhất với cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi, đặc biệt không ảnh hưởng đến mỹ quan chung của cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng vì chiều cao của các khối vòm vừa phải”, kỹ sư Phương cho biết thêm.
Bên cạnh bản thiết kế phù hợp với công năng, cảnh quan của một cây cầu đi bộ độc đáo, kỹ sư Phương cũng mạnh dạn đề xuất nhiều ý tưởng về dịch vụ, du lịch thuyết phục các nhà đầu tư như khai thác điểm đến ẩm thực, không gian café sách, không gian sinh hoạt cho các câu lạc bộ, nhóm bạn trẻ… tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa theo chuyên đề, để nơi đây trở thành con đường thư giãn giải trí mang đậm yếu tố văn hóa.
Cũng theo ông Phan Đình Phương, khi khái niệm “phá vỡ cảnh quan” không bị lạm dụng, thì những ý tưởng được hình thành trên cơ sở cái đã có sẽ khiến cho cầu Nguyễn Văn Trỗi có cơ hội trở thành một điểm đến hấp dẫn và độc đáo. Phần tổng thể của cây cầu sẽ được giữ lại nguyên bản từ kết cấu đến màu vàng đặc trưng, như một sự trân trọng quá khứ. Để du khách trong nước và quốc tế đến đây không chỉ có cơ hội tìm hiểu về cây cầu mang sứ mệnh lịch sử, mà từ đây còn có thể ngắm toàn cảnh Đà Nẵng, tận mắt nhìn thấy được sự phát triển của một thành phố năng động, đáng sống.
An Dy
>> Kẹt xe nghiêm trọng trên cầu Nguyễn Văn Trỗi
Bình luận (0)