Lâm Đồng sẽ trở thành 'Thiên đường xanh' vào năm 2030

31/10/2023 08:00 GMT+7

HĐND tỉnh Lâm Đồng mới đây đã thông qua nghị quyết về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước.

Lâm Đồng sẽ trở thành 'Thiên đường xanh' vào năm 2030 - Ảnh 1.

Theo quy hoạch, Lâm Đồng sẽ trở thành “Thiên đường xanh” vào năm 2030

Lâm Đồng là tỉnh miền núi phía Nam Tây nguyên, giữa 3 vùng kinh tế lớn: Tây nguyên, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam bộ. Đồng thời, Lâm Đồng có nhiều tiềm năng và lợi thế để trở thành khu vực kinh tế động lực của vùng Tây nguyên. Để khẳng định vị thế, vai trò của tỉnh Lâm Đồng đối với vùng và cả nước nhằm phát triển toàn diện và bền vững, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch này có mục tiêu tổng quát là nhằm phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước. Tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, xanh, thông minh, có bản sắc và đáng sống vào năm 2045. Tầm nhìn đến năm 2050, Lâm Đồng sẽ trở thành thủ phủ xanh của Việt Nam với 4 yếu tố phát triển chính: kinh tế xanh, thành phố xanh, môi trường xanh, năng lượng và công nghiệp xanh.

Lâm Đồng sẽ trở thành 'Thiên đường xanh' vào năm 2030 - Ảnh 2.

Các đại biểu xem bản đồ quy hoạch trước khi biểu quyết thông qua

Phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh mới đây, ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng, khẳng định: "Đây là quy hoạch rất quan trọng, là "xương sống" cho sự phát triển bền vững của tỉnh, là công cụ quan trọng để đánh thức tiềm năng, lợi thế, mở ra các tầm nhìn mới để hoạch định các định hướng phát triển không gian kinh tế xã hội, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Các vấn đề trọng tâm của quy hoạch tỉnh Lâm Đồng được nêu cụ thể là: tăng cường liên kết vùng; đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng diện rộng; khẳng định vị thế và vai trò của tỉnh Lâm Đồng đối với vùng Tây nguyên và cả nước. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng năng suất, đổi mới, sáng tạo hướng tới tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Phát triển văn hóa - xã hội và nguồn nhân lực; nâng cao đời sống vật chất tinh thần nhân dân. Sắp xếp, tái cấu trúc không gian lãnh thổ của tỉnh Lâm Đồng hướng tới trở thành thành phố trực thuộc T.Ư. Khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và sử dụng hiệu quả quỹ đất. Đồng thời xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ các giá trị cốt lõi về thiên nhiên và lịch sử văn hóa, lập lại trật tự trong quản lý đô thị và nông thôn. Phấn đấu xây dựng tỉnh Lâm Đồng trở thành điểm đáng đến và đáng sống.

Lâm Đồng sẽ trở thành 'Thiên đường xanh' vào năm 2030 - Ảnh 3.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Cảng hàng không Liên Khương sẽ đạt tiêu chuẩn 4E

Theo quy hoạch được thông qua, phương hướng phát triển các ngành quan trọng là: công nghiệp với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11-11,5%/năm, chiếm khoảng 26,5 - 27%; nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng bình quân (giữ ổn định) đạt 4 - 5%/năm, chiếm khoảng 28,5 - 30% trong cơ cấu kinh tế.

Ngành dịch vụ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9-9,5%/năm, chiếm khoảng 42,5 - 44% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Xây dựng ngành du lịch Lâm Đồng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chất lượng cao và bền vững. Đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành "Thiên đường xanh" với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, chăm sóc sức khỏe, thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung đầu tư 6 nhóm sản phẩm du lịch chính: du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, thể thao cao cấp (golf, đua ngựa,…); du lịch sinh thái mạo hiểm; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch đô thị; du lịch sáng tạo. Đồng thời sẽ xây dựng đồng bộ mạng lưới thương mại, bao gồm: trung tâm thương mại siêu thị, mạng lưới chợ, trung tâm hội chợ triển lãm, mạng lưới kinh doanh xăng dầu, trung tâm dịch vụ logistics và cửa hàng thương mại, xây dựng mô hình phát triển kinh tế đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn ở các địa phương.

Lâm Đồng sẽ trở thành 'Thiên đường xanh' vào năm 2030 - Ảnh 4.

Du lịch Lâm Đồng sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chất lượng cao và bền vững

Quy hoạch cũng nêu rõ, không gian các hoạt động kinh tế xã hội sẽ tổ chức thành 3 tiểu vùng kinh tế liên huyện, 5 hành lang kinh tế và 3 cực tăng trưởng (TP.Đà Lạt và vùng phụ cận; TP.Bảo Lộc và vùng phụ cận; đô thị Đức trọng và vùng phụ cận). Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt 59,3%; diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 32 m²/người. Đến năm 2025, toàn tỉnh có 17 đô thị; đến năm 2030, đầu tư nâng cao chất lượng đô thị và phân loại đô thị; tầm nhìn đến 2050, Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc T.Ư, khu vực nội thành gồm 3 quận, 3 thị xã và 3 huyện. Các phương án về quy hoạch hệ thống nông thôn; phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã; phương án quy hoạch xây dựng các vùng liên huyện và vùng huyện; phương án phát triển các khu chức năng chính (các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch) cũng được nêu cụ thể. Bên cạnh đó là các phương án phát triển mạng lưới giao thông: đường bộ, đường sắt, bến xe, cảng hàng không, cảng cạn kết hợp trung tâm logistics…

Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, đa dạng hóa các nguồn vốn để xây dựng tỉnh Lâm Đồng trở thành một trung tâm phục vụ đa ngành, đa chức năng của vùng Tây nguyên ở khu vực phía Nam, nhằm phát huy vị thế và vai trò cầu nối trung chuyển giữa vùng Tây nguyên với vùng Đông Nam bộ và khu vực Duyên hải Nam Trung bộ.

Lâm Đồng sẽ trở thành 'Thiên đường xanh' vào năm 2030 - Ảnh 5.

Phát triển hạ tầng giao thông rất quan trọng với Lâm Đồng

Đến năm 2030, diện tích của Lâm Đồng là 978.120 ha; trong đó: đất nông nghiệp là 907.154 ha, đất phi nông nghiệp là 70.478 ha. Các chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ đến các khu chức năng và 12 đơn vị hành chính cấp huyện trên cơ sở Quyết định số 326 ngày 9.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn lực và các giải pháp thực hiện quy hoạch cũng được xác định, gồm: giải pháp về huy động vốn đầu tư; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về tăng cường bảo vệ môi trường, khoa học và công nghệ; giải pháp về cơ chế, chính sách, liên kết phát triển; giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch; giải pháp về bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Lâm Đồng sẽ trở thành 'Thiên đường xanh' vào năm 2030 - Ảnh 6.

Ngành nông nghiệp chiếm khoảng 28,5 - 30% trong cơ cấu kinh tế

Theo ông Tôn Thiện San, Giám đốc Sở KH-ĐT Lâm Đồng, hồ sơ quy hoạch tỉnh này cũng lấy ý kiến 22 Bộ, ngành T.Ư; 5 tỉnh lân cận; 4 tỉnh trong vùng Tây nguyên; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng và 18 sở, ban ngành, 12 huyện, thành phố trong tỉnh; các hiệp hội, trường đại học, cộng đồng dân cư. Đồng thời, tỉnh cũng tổ chức hội thảo khoa học để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các Bộ, ngành, các Sở, ngành địa phương, sau đó chỉnh, sửa hoàn thiện. Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được lập theo đúng trình tự và các quy định của pháp luật.

Quan điểm, mục tiêu và nội dung của quy hoạch tỉnh Lâm Đồng đã phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và nhiệm vụ quy hoạch vùng Tây nguyên; có tính khả thi, đảm bảo phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.