Trước đó, hồi tháng 9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng, chống lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT).
Thực tế thời gian qua, có nhiều bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh đã lạm dụng, thậm chí trục lợi quỹ BHYT. Việc lạm dụng không chỉ ảnh hưởng đến quỹ BHYT, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHYT...
Trong các hình thức lạm dụng có tình trạng lạm dụng về chỉ định các dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng (chụp chiếu, CT Scanner, xét nghiệm, nội soi...), kê đơn thuốc quá mức cần thiết, không đúng với bệnh, đưa bệnh nhân vào điều trị nội trú trong khi chưa cần thiết, kéo dài thời gian điều trị, áp giá kỹ thuật dịch vụ sai, áp giá tiền giường sai... nhằm tăng nguồn thu cho bệnh viện.
Chỉ riêng tại TP.HCM, theo Bảo hiểm xã hội TP.HCM, trong năm 2018, cơ quan này đã xuất toán gần 300 tỉ đồng tại các bệnh viện của TP.HCM.
Ở một góc khác, việc lạm dụng trong chẩn đoán, điều trị đối với người bệnh có BHYT còn có cơ quan bảo hiểm xã hội giám sát, kiểm tra, phát hiện (sẽ không thanh toán cho bệnh viện các khoản chi do chỉ định lạm dụng, không đúng; nhưng không phải là phát hiện được tất cả). Còn đối với người bệnh khám chữa bệnh tự chi trả (trong số này có cả những người bệnh có BHYT nhưng đi làm dịch vụ cho nhanh, tự trả tiền) thì nếu bị lạm dụng hẳn là khó biết. Phần lớn bác sĩ chỉ định những gì thì người bệnh cũng ráng theo, vì lo ngại cho sức khỏe.
Lâu nay, tại các bệnh viện, có nơi xây dựng các phác đồ chuẩn cho chẩn đoán và điều trị của các chuyên khoa; có nơi bình toa thuốc, bình bệnh án... để qua đó phát hiện việc lạm dụng kỹ thuật, thuốc men trong chỉ định của bác sĩ nhằm nhắc nhở, chấn chỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các bệnh viện công đã thực hiện tự chủ. Việc các bệnh viện công tự cân đối thu chi và để "có lãi" nuôi bộ máy, người ta càng lo hơn về việc các bệnh viện tìm cách tăng nguồn thu, nguy cơ lạm dụng trong chẩn đoán và điều trị, làm gia tăng gánh nặng chi phí khám chữa bệnh cho người bệnh.
Để ngăn chặn, Chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng, chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT vừa được Bộ Y tế ban hành mới đây, theo đó, bộ này yêu cầu giám đốc bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh có kế hoạch kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Nhưng đó cũng chỉ mới là mảng BHYT!
Người bệnh không thể chỉ trông chờ vào quản lý các bệnh viện, y đức bác sĩ - hành nghề có tâm, biết thương người bệnh, không "chủ ý" lạm dụng… mà ngành y tế cần có giải pháp để soi không chỉ tiền BHYT mà cả tiền túi của dân trong điều trị, khám chữa bệnh ở khu vực công lẫn tư.
Bình luận (0)