Việc mời mọc, nài ép uống đến mức say xỉn đã khiến văn hóa bia rượu đang trở nên xấu xí, lệch lạc, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng.
Vụ việc mới đây liên quan đến bia rượu gây hậu quả nặng nề là một nữ tài xế say xỉn lái ô tô gây tai nạn liên hoàn làm 1 người chết, 6 người bị thương khuya 21.10 ở ngã tư Hàng Xanh, TP.HCM. Bà này sau đó đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
Cảm giác cực mạnh nhưng phản văn hóa
PGS-TS Trần Xuân Bình, ĐH Huế, vẫn nhớ như in lời của một chuyên gia xã hội học Canada nói với ông khi tới VN. “Ông ấy bảo tôi, khi sang VN, không thấy có môn thể thao cảm giác mạnh như leo núi, dù lượn... Nhưng ông ấy luôn thấy môn thể thao cảm giác mạnh là tham gia giao thông, và có môn thể thao cảm giác cực mạnh là tham gia giao thông cùng người uống rượu bia”, ông Bình nhớ lại. Cũng theo ông Bình, các nghiên cứu chung giữa ĐH Huế, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH San Jose (Mỹ) hồi 2005 - 2006 đã cho thấy chúng ta lạm dụng rượu bia là có thật. Thậm chí việc lạm dụng rượu bia không chừa lứa tuổi, địa vị, giới tính nào.
|
TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học), cho biết những con số thống kê toàn cầu cho thấy: “VN nằm trong top 3 châu Á và 64 thế giới những nước tiêu thụ rượu bia nhiều nhất. Đây không phải là điều đáng tự hào mà đang trở thành vấn đề báo động. Người Việt nhậu quá dễ dãi. Bất cứ lý do gì cũng có thể dẫn tới bàn nhậu: vui uống, buồn cũng uống, uống giải xui, uống chia sẻ, xả stress, uống khi gặp hên... Thứ văn hóa xấu xí đó xuất hiện ở bất cứ đâu, bất kể thời gian nào. Điều đáng quan ngại là những người sử dụng nhiều rượu bia lại là cán bộ, công chức...”.
tin liên quan
Nữ tài xế lái BMW tông chết người khai nhậu, uống rượu, bia trước khi gây tai nạnMột nghiên cứu của TS Trương Xuân Trường, Viện Xã hội học, đã nêu lên hiện trạng lạm dụng rượu bia trong nước. Đây là hiện tượng uống rượu bia quá nhiều, quá mức, không đúng lúc, đúng nơi khiến người uống rượu bia thường không làm chủ được ý thức và hành vi, dễ gây ra những hậu quả tiêu cực với người uống rượu bia, gia đình và xã hội. Theo ông, đây cũng là một trong ba nguyên nhân chính gây nên tai nạn giao thông, nguyên nhân cơ bản của nạn bạo lực gia đình, ly hôn và gây mất an ninh trật tự trong các cộng đồng xã hội.
“Người Việt uống từ bắc đến nam, nhậu từ sáng đến đêm, từ già đến trẻ... Họ mời nhau uống, ép nhau uống, tệ hại hơn còn kèm theo những lời “thóa mạ”: không uống không phải đàn ông; đàn ông gì mà kém bản lĩnh... Tục lệ uống rượu của người Việt có từ lâu đời. Trong văn hóa ẩm thực, uống rượu trong bữa ăn mang ý nghĩa tương sinh hài hòa, thuận theo nguyên lý "âm dương phối triển". Đáng tiếc thay hiện nay chúng ta đang vận hành thứ văn hóa rượu bia tiêu cực”, TS Trịnh Hòa Bình bày tỏ.
Cố ép cố mời
TS Trường cũng chia sẻ một khảo sát “Lạm dụng rượu bia hiện nay ở nước ta từ góc nhìn xã hội học” từ địa bàn nghiên cứu một xã tại Hải Phòng. Nó bước đầu cho thấy diện mạo căn nguyên của tình trạng lạm dụng rượu bia. Kết quả khảo sát với đối tượng nam giới trong độ tuổi 15 - 45 về những tình trạng lạm dụng rượu bia cho thấy nguyên do khá đa dạng. Nếu sắp xếp tỷ lệ nhận định của người dân được khảo sát, có 7 nguyên nhân hàng đầu nổi lên (xem biểu đồ).
|
Cũng theo TS Trường, tuy không nổi bật như 7 nguyên nhân nêu trên nhưng các yếu tố nhận thức có nguồn gốc văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào nếp nghĩ cũng kéo theo lạm dụng bia rượu. Đó là các quan điểm: uống rượu bia nhiều vì sĩ diện, uống rượu bia nhiều là khẳng định đặc tính nam giới, uống rượu bia nhiều là thể hiện sự thân quen và uống rượu bia nhiều để tìm cảm giác thoát ly cuộc sống thực tại. “Những nhận thức có nguồn gốc truyền thống này đang được phát huy trong các cộng đồng dân cư nông thôn và góp phần gia tăng tình trạng lạm dụng rượu bia nghiêm trọng hiện nay”, ông Trường đánh giá.
Nhiều mẫu phỏng vấn xã hội học cũng cho thấy hiện tượng ép rượu. Một nam 44 tuổi, văn hóa 9/12, kinh tế trung bình, cho biết: “Ở làng này có cuộc ăn uống tiệc tùng nào mà không có ép uống, người ta khích bác nhau uống rượu, mời mọc nhau uống rượu. Vui cũng ép, buồn cũng ép. Cuộc nào chả có người say...”. Hoặc một đại diện lãnh đạo mặt trận xã (59 tuổi, văn hóa 10/10) chia sẻ: “Không những ở gia đình, họ hàng có công có việc tổ chức mâm cỗ mời mọc, ép bia ép rượu mà bây giờ việc làng như lễ hội hay việc xã họp hành tổng kết cũng đã có hiện tượng ép rượu nhau, uống lu bù say sưa. Kể cả lên huyện họp hay có đoàn công tác nào của cấp trên về xã cũng vậy, ép mời ép uống, người ta nghĩ thế mới vui, mới hết mình đón tiếp”.
Theo TS Trường, mời rượu là một khuôn mẫu ứng xử của người Việt truyền thống thể hiện sự tôn trọng, quý mến đối với người được mời. Ngoài ra còn có tục thưởng rượu và phạt rượu. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã bị biến tướng thành “cố ép rượu, cố mời rượu” - một hiện tượng khá phổ biến. Tại địa bàn khảo sát từ các đám hiếu hỉ, việc nhà, việc làng, từ tiệc tùng đến đối ngoại đều diễn ra hiện tượng “ép mời, ép uống”. Vì vậy, hầu hết cuộc rượu đó đều có hiện tượng lạm dụng rượu bia và có người say rượu.
Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của 30 loại bệnh, chấn thương
Theo báo cáo về dự án luật Phòng, chống tác hại của rượu bia của Bộ Y tế tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 9 vừa qua, sử dụng rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Tại VN, tình hình sử dụng rượu bia đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh qua các năm. Rượu bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu.
Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy năm 2012 có 8,3% số trường hợp tử vong liên quan đến sử dụng rượu bia, 71,7% trường hợp tử vong do xơ gan ở nam và 36,2% trường hợp tử vong do tai nạn giao thông ở nam là do sử dụng rượu bia; 15% số giường bệnh tại các bệnh viện tâm thần là dành cho điều trị người bệnh loạn thần do rượu bia. Bên cạnh đó, tổn hại sức khỏe do ngộ độc rượu bia trong đó có rượu bia không bảo đảm chất lượng, không kiểm soát được nguồn gốc, rượu pha từ cồn công nghiệp cũng là vấn đề đáng lưu tâm.
|
Thiệt hại do uống rượu bia khoảng 65.000 tỉ đồng/năm
Theo nghiên cứu công bố trong năm 2018 của WHO phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trên 14.990 nạn nhân tai nạn giao thông nhập viện tại 6 tỉnh thì 28% người đi xe máy có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép (50 mg/dl), 63,4% người lái xe ô tô có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép (0 mg/dl). Tại VN, rượu bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15 - 49. Thống kê hằng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực có liên quan đến sử dụng rượu bia; khoảng gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu bia; tỷ lệ trẻ em VN chịu tác hại từ việc sử dụng rượu bia của người khác thuộc nhóm 2 nước cao nhất.
Nếu phí tổn kinh tế do rượu bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65.000 tỉ đồng. Chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia của VN năm 2017 là gần 4 tỉ USD. Ước tính chưa đầy đủ cho thấy tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là 25.789 tỉ đồng, chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017. Chi phí y tế trực tiếp cho người bệnh mắc các rối loạn tâm thần do rượu từ 500.000 - 1 triệu đồng/ngày. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 5.000 tỉ đồng theo GDP năm 2017)
|
Bình luận (0)