Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) đang gây áp lực để gia hạn việc thực hiện với lý do thị trường sẽ rơi vào bế tắc.
Bế tắc theo các DN, họ đang tồn hàng triệu sản phẩm nữ trang cũ không đúng trọng lượng, chất lượng chưa biết giải quyết thế nào. Nếu thực hiện Thông tư 22 chỉ có cách đem phân kim rồi gia công lại cho đúng, đủ theo quy định. Làm như vậy, họ sẽ lỗ, thậm chí phá sản. Nhưng cứ để nguyên như cũ mà bán thì sẽ bị phạt. Vì thế họ không dám sản xuất mới, cũng không biết "ứng xử" thế nào với hàng cũ.
Áp lực này đúng là... nực cười. Bởi nếu "chiều" theo ý các DN này cũng có nghĩa là chúng ta tiếp tục đồng thuận với hành vi gian lận, tiếp tục để họ "móc túi" người tiêu dùng qua việc ăn gian tuổi, ăn gian trọng lượng vàng nữ trang. Hơn nữa, Thông tư 22 trên thực tế cũng chỉ là chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh sản xuất của thị trường vàng nữ trang.
Một nguyên tắc cơ bản trong kinh doanh ở bất cứ lĩnh vực nào cũng phải tuân thủ đúng với chất lượng, trọng lượng công bố. Anh bán 24.000 đồng một lít xăng thì phải bơm đúng một lít. Nếu người bán bơm thiếu cũng có thể "qua mặt" được một vài lần nhưng khi phát hiện, nhẹ thì bị xử phạt hành chính, nặng sẽ bị rút phép kinh doanh, bị khách hàng tẩy chay. Với mặt hàng có giá trị cao như vàng nữ trang, quy định về trọng lượng, chất lượng càng phải được thực hiện nghiêm túc hơn. Thế nhưng lâu nay, thị trường này gần như công khai gian lận tuổi vàng. Hầu hết người mua nữ trang đều tâm niệm "ăn chơi nghiến răng", chấp nhận lỗ nặng khi bán lại. Đặc biệt, luật bất thành văn đối với mặt hàng này là "mua đâu bán đó" chứ mua chỗ này, bán chỗ khác thì giá rẻ như cho, thậm chí nhiều cửa hàng không thu lại. Nói như thế để thấy, bao năm qua người tiêu dùng đã thiệt hại rất lớn từ sự lộn xộn, gian lận đối với vàng nữ trang. Việc áp dụng nghiêm, áp dụng sớm các quy định về trọng lượng, chất lượng là hết sức cần thiết, không thể trì hoãn hay gia hạn.
Câu chuyện của thị trường vàng nữ trang cũng giống như câu chuyện siết xe quá tải vẫn đang hết sức nóng hiện nay. Ai cũng biết chở quá tải là sai, sẽ gây hư hỏng đường sá, cầu cống; gây mất an toàn giao thông... Thế nhưng "siết" cái sai về cái đúng cũng gặp rất nhiều trở ngại. Nhà sản xuất thì kêu chi phí vận tải tăng, công ty vận tải thì kêu không đủ xe để chuyển hàng, tài xế cố tình chống đối... Tuy nhiên thực tế đã chứng minh, nếu chúng ta kiên quyết làm, trật tự mới sẽ được thiết lập.
Tận gốc của vấn đề vẫn là lỗi ở cơ quan có thẩm quyền trong việc buông lỏng quản lý trong các lĩnh vực nói trên; dẫn đến những cái sai, cái vi phạm tồn tại công khai, lâu dài và thường gây áp lực khi bị điều chỉnh. Tuy nhiên, nếu gia hạn thực hiện Thông tư 22 có thể cứu được vài công ty sản xuất kinh doanh vàng nữ trang nhưng sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho hàng triệu người tiêu dùng trong nước. Nhẹ tay với xe chở quá tải có lợi cho một số DN nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi của hàng triệu người dân.
Làm đúng, không có lý do gì phải chờ đợi.
Nguyên Hằng
Bình luận (0)