Làm gì để bảo vệ trẻ trên môi trường mạng?

Thanh Nam
Thanh Nam
12/05/2018 18:38 GMT+7

Đã có nhiều ý kiến về vấn đề này được chia sẻ trong hội thảo định hướng truyền thông về bảo vệ trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Hoạt động này do Cục trẻ em tổ chức, hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em năm 2018, diễn ra vào sáng 12.5 tại TP.HCM.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), thế giới công nghệ ngày càng phát triển, môi trường mạng là kho thông tin khổng lồ, là thế giới tri thức không biên giới và đem lại nhiều mặt tích cực trong cuộc sống. Tuy nhiên môi trường mạng vẫn tiềm ẩn những rủi ro, tác động tiêu cực đến trẻ em.
"Đó là những thông tin không phù hợp với lứa tuổi của trẻ em như: bạo lực, tình dục... Hay khiến nhiều trẻ em mắc phải chứng nghiện mạng, nghiện game online, nghiện smartphone. Rồi việc trẻ em bị bóc lột, dọa dẫm trên môi trường mạng. Trẻ em cũng bị tiết lộ những bí mật đời sống riêng tư trên mạng. Chưa kể có trẻ còn bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục cũng từ môi trường mạng... Đó là những vấn đề rất nhức nhối", ông Nam nói.
Chính vì thế, theo ông Nam, để có thể bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cần tuân thủ tốt Quyền trẻ em, trong đó có Quyền bí mật đời sống riêng tư và Quyền được tiếp cận thông tin. Hơn hết là xây dựng hoàn chỉnh khung pháp lý và chính sách liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, thì có nhiều vấn đề nhức nhối trên mạng đối với trẻ em ẢNH: T.N
Còn theo ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, để giảm thiểu rủi ro của trẻ em trên môi trường mạng, thì người lớn, phụ huynh cần biết được những hoạt động của trẻ em trên mạng bao gồm những gì. Dựa vào kinh nghiệm thế giới, có những hoạt động chính như: giao tiếp (nhắn tin, gọi điện thoại có camera, email...), chia sẻ dữ liệu (hình ảnh, vị trí...), chơi trò chơi trực tuyến, tạo nội dung số (blog, livestream, youtube...), sử dụng mạng xã hội (Facebook, Twitter...), giao dịch trực tuyến (mua vật phẩm trò chơi, mua sắm qua trang thương mại điện tử...).
"Từ những hoạt động đó, có những giải pháp để bảo vệ trẻ em như: Cần có quy định đối với các nhà cung cấp dịch vụ. Phải có biện pháp lọc và giới hạn truy cập đối với những trang không phù hợp với trẻ em theo yêu cầu của chủ thuê bao. Với nhà cung cấp nội dung số và mạng xã hội thì phải có chức năng lọc nội dung không phù hợp với trẻ em dựa trên tài khoản đăng nhập. Nhà cung cấp ứng dụng số cần có phương án chỉ cho phép đối tượng tải ứng dụng phù hợp với độ tuổi đăng ký bởi ứng dụng... Ngoài ra, cần cung cấp kiến thức sử dụng mạng internet an toàn cho trẻ; Cung cấp hướng dẫn, công cụ giúp cha mẹ bảo đảm con truy cập internet an toàn...", đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, nói thêm.
Ông Nguyễn Hoài Nam ẢNH: T.N
Ngoài ra, ông Nam còn chia sẻ nhiều giải pháp cho phụ huynh trong gia đình như: Để các thiết bị truy cập internet ở vị trí có thể quản lý được nhằm tiện theo dõi hoạt động trên mạng của con cái. Phụ huynh cũng nên kích hoạt chức năng an toàn cho trẻ em của hệ điều hành và trình duyệt web. Bên cạnh đó có thể thiết lập chức năng tìm kiếm an toàn đối với công cụ tìm kiếm để loại bỏ những kết quả không phù hợp với trẻ em. Và quan trọng nhất, phụ huynh và nhà trường cần lắng nghe những vấn đề trẻ em gặp phải khi sử dụng mạng internet.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết thêm trong tháng hành động Vì trẻ em năm 2018 sẽ có chủ đề là: "Vì cuộc sống an toàn, lành mạng cho trẻ em trong thế giới công nghệ số". Theo đó sẽ tổ chức diễn đàn trẻ em tại nhiều địa phương, để trẻ em tham gia thảo luận, đề xuất các kiến nghị, sáng kiến xây dựng cuộc sống an toàn, lành mạnh trên môi trường mạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.