Làm thế nào để trẻ đam mê đọc sách?

20/04/2018 15:43 GMT+7

Nhiều phụ huynh nêu thực trạng con trẻ bây giờ mê iPad, mê game hơn đọc sách. Từ đó họ băn khoăn là làm thế nào để đưa trẻ đến với những trang sách, hình thành thói quen đọc sách ở trẻ.

“Thích mạng xã hội hơn đọc sách”

Mới đây, Trần Trinh Tường, thầy giáo trẻ dạy tiếng Anh tại TP.HCM đã chia sẻ trên Facebook của mình những cách thức để giúp con nhỏ thích đọc sách hơn. Những chia sẻ này của thầy Tường đã nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh.

Mở đầu dòng trạng thái này, thầy Tường viết: “Bữa trước khi Tường ra đường sách giao lưu với độc giả. Có rất nhiều anh chị phụ huynh đã đặt câu hỏi: “Thầy Tường ơi, con mình nó lười đọc sách quá, chỉ ham mê game. Bây giờ mình phải làm sao cho con chịu đọc sách đây? Khỏi phải nói, chắc ai cũng hiểu được tầm quan trọng của việc đọc sách. Nó giúp ta gia tăng trí tuệ, mở mang đầu óc, tăng trí tưởng tượng, thư giãn và có khả năng giao tiếp tốt hơn, giỏi ngôn ngữ hơn… Và mình luôn tin, các con ngay từ khi còn nhỏ nếu được cha mẹ hướng dẫn đúng cách ham mê đọc sách, ham mê học, thì chắc chắn lớn lên sẽ thành nhân, thành tài”.

Câu chuyện mà thầy Tường kể ra là câu chuyện chung, cũng là nỗi băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh.

Chị Đặng Thị Minh Hương (chủ quán bún tại Q.3, TP.HCM) thở dài than vãn: “Ngày xưa mình học không giỏi nhưng cũng rất thích đọc sách, nhưng giờ thấy con mình chẳng còn ham đọc sách nữa. Mình bán như thế này nhưng cuối tuần cũng nghỉ để dẫn con đi chơi, nhưng con rất hiếm khi mở miệng ra gợi ý là dẫn đi nhà sách”.

Đọc sách là một thói quen, và thói quen được hình thành dần dần. Chúng ta không thể yêu cầu trẻ đọc sách nếu bản thân chúng ta không có thói quen đó và chỉ thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử. Bố mẹ hãy cùng con cái đọc sách. Và chúng ta nên bắt đầu với những nhân vật, câu chuyện và thể loại sách thu hút trẻ nếu muốn trẻ đam mê

Chuyên viên tham vấn tâm lý Chế Dạ Thảo (giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)

Còn chị Hoàng Như Nguyệt (nhà tại chung cư Bắc Rạch Chiếc, Q.9, TP.HCM) thì bày tỏ: “Mình có 2 đứa con, đứa nhỏ mới 6 tuổi thì mình không nói rồi, còn đứa lớn 14 tuổi mà có thấy nó thích đọc sách đâu. Mua mấy quyển sách hay về cho nó đọc nhưng đọc được vài trang rồi cũng thôi. Nói chung là mình thấy trẻ nhỏ bây giờ thích mạng xã hội hơn là ngồi đọc sách”.

Cha mẹ cần làm gương

Thầy Tường chia sẻ: “Ta thường khuyên con đọc sách, tập thể dục,… nhưng đi làm về mệt mỏi mà cha cầm iPhone để lướt, mẹ giải trí bằng iPad thì không thể nào con đọc sách được. Cha và mẹ luôn là hai người thầy đầu tiên trong đời bé. Mình dạy con cái gì, mình phải làm được và duy trì cái đó, có thế con mới tôn trọng và có thói quen. Vì thế, cha mẹ hãy làm gương và hãy dành thời gian đọc sách cùng con. Không những thế, mỗi tuần, cả nhà có thể cùng nhau đi hội sách, mua truyện, mua sách, đó cũng là cách tạo lập cho trẻ gắn liền tuổi thơ với sách”.

Nữ doanh nhân Tuệ Nghi, tác giả của rất nhiều cuốn sách truyền cảm hứng cho người trẻ, thì cho rằng trẻ con bây giờ bị thu hút bởi iPad, trò chơi điện tử trên máy tính, điện thoại nhiều hơn là đọc những trang sách khô khan, hình vẽ thiếu sống động. Đọc sách là điều không thể gò ép được, nó phải đến từ nhu cầu tự nhiên, giống như trẻ thích ăn món này mà bố mẹ cứ ép ăn món khác thì lâu dần sẽ tạo cảm giác ức chế chứ không mang lại hiệu quả.

Chị Tuệ Nghi khuyên: “Muốn trẻ ham đọc sách thì ba mẹ phải tạo được cảm giác hiếu kỳ, tò mò cho trẻ. Chọn thể loại sách cũng là yếu tố quan trọng, phải biết rõ con mình đam mê và quan tâm đến lĩnh vực gì. Ví dụ trẻ thích khám phá thế giới xung quanh, khoa học thường thức thì nên chọn những loại sách có chủ đề đó để cùng đọc và trao đổi với trẻ, như vậy sẽ tạo được thói quen tìm hiểu thông tin qua sách ngay khi còn nhỏ. Ngoài ra có thể tạo các phần thưởng khi trẻ đọc hết và tóm tắt được nội dung sách một cách súc tích nhất”.

Còn chị Nguyễn Thị Huệ (nhân viên bán hàng tại thế giới di động Q.3, TP.HCM) thì chia sẻ: “Mình chưa có gia đình, nhưng mình hay tạo sở thích cho cháu đọc sách bằng cách tạo sự tò mò trong sách, tức mình thường là người PR sao cho cuốn sách trở nên hấp dẫn nhất. Chẳng hạn mỗi lúc bé hỏi mình cái này, hay thắc mắc điều gì đó, mình thường dẫn dắt bé vào những cuốn sách, mình nói 'trong này sẽ giải đáp hết những thắc mắc mà con đang hỏi', thế là bé tò mò và từ đó tạo thói quen thích đọc sách và tìm hiểu kiến thức từ sách”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.