Làm gì để doanh nghiệp lữ hành Việt Nam có ngay hàng tỉ USD?

10/03/2023 11:16 GMT+7

Chia sẻ tại Hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" do Báo Thanh Niên tổ chức hôm nay (10.3), tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã đề xuất một mô hình liên kết đột phá nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam tiêu tiền, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành và hàng không nhanh chóng phục hồi.

Mua hàng hiệu ở Việt Nam rẻ như Mỹ

Bàn về cách để "móc hầu bao" du khách, ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định tất cả các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay trên thế giới như Mỹ, các nước châu Âu... đều sử dụng mô hình factory outlet (trung tâm thương mại bán hàng giảm giá qua mùa ) để thu hút du khách, tăng chi tiêu và doanh thu du lịch.

Làm gì để doanh nghiệp lữ hành Việt Nam có ngay hàng tỉ USD? - Ảnh 1.

Vua hàng hiệu chỉ ra "chìa khóa" hút khách quốc tế đến tiêu tiền tại Việt Nam

ĐỘC LẬP

Đặc điểm thu hút của các khu outlet là hàng hóa phong phú và được giảm giá rất mạnh (từ 50 - 90%) so với nguyên giá. Một trong những yếu tố chính là giá cạnh tranh so với khu vực. Nhưng để có thể cạnh tranh được, cần có các chính sách hỗ trợ cho du khách quốc tế, cả du khách trong nước được mua hàng factory outlet trong khu phi thuế quan. 

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn

Nếu chúng ta có đầy đủ các loại hình du lịch mua sắm chất lượng, chúng ta sẽ giữ được ngoại tệ trong nước. Du khách quốc tế đem tiền vào sẽ có nhiều thứ để tiêu xài thoải mái, không như hiện nay họ đang "đem tiền đến rồi lại mang về".

Hiện nay, Chính phủ đang xem xét việc xây dựng cơ chế chính sách Khu phi thuế quan trong lĩnh vực thương mại - du lịch. Nếu quyết tâm triển khai, Việt Nam sẽ có các Factory Outlet trong khu miễn thuế đầu tiên của cả khu vực, giá bán lẻ tại các factory outlet này sẽ rẻ như ở Mỹ hoặc Milan, Ý. Du khách từ các nước lân cận sẽ đổ về Việt Nam mua sắm, kéo theo các dịch vụ khác tăng cộng hưởng theo và ngành du lịch Việt Nam sẽ có bước nhảy vượt bậc.

"Việc khai trương cửa hàng miễn thuế dưới phố trong thời gian tới là cơ hội lớn cho Việt Nam để tăng cường nguồn thu từ ngành du lịch. Các cửa hàng này không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm đặc thù hàng hiệu - new arrival của du khách quốc tế mà còn làm tăng lưu lượng khách du lịch đến Việt Nam. Những sản phẩm cao cấp và hợp thời trang được bày bán tại các cửa hàng không chỉ thu hút du khách quốc tế mà còn tạo ra các cơ hội cho các nhà sản xuất và thương hiệu Việt Nam để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng là nguồn thu hút mới cho các nhà đầu tư nước ngoài và tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam với các nước lân cận và trên thế giới" - ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.

Cửa hàng miễn thuế sẽ chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp du lịch, hàng không

Nhìn ra thế giới, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương nhận định, đang có cuộc cạnh tranh rất khốc liệt giữa các điểm đến. Thái Lan giảm giá tour xuống chỉ còn 500 USD/người. Đây cũng là đất nước nổi tiếng với cách làm du lịch, cách liên kết chặt chẽ từ cơ quan xây dựng chính sách tới các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn... Nhờ vậy, Thái Lan có nhiều nét tương đồng nhưng tỷ lệ hút khách tới và mức chi tiêu của du khách bỏ rất xa Việt Nam.

Khẳng định để hút khách quốc tế đến Việt Nam, để chúng ta đủ sức cạnh tranh với các quốc gia khác thì chỉ 1 đơn vị hàng không, một đơn vị lữ hành, du lịch, khách sạn không thể làm được,  ông Hạnh đề xuất mô hình liên kết giữa các cửa hàng miễn thuế và các doanh nghiệp phục vụ ngành du lịch như lữ hành và hàng không. Theo đó, các hãng hàng không sẽ "bắt tay" với lữ hành để giảm giá vé, đưa khách tới các trung tâm mua sắm miễn thuế. Với mỗi đoàn khách, đơn vị kinh doanh cửa hàng miễn thuế sẽ bù trừ lại 10% cho doanh nghiệp lữ hành. 

"Cửa hàng miễn thuế dưới phố sẽ đem lại nhiều thuận tiện cho du khách quốc tế như du khách có nhiều thời gian hơn để mua sắm, tiếp cận được nhiều hàng hóa hơn vì mặt bằng dưới phố lớn hơn nhiều so với ở sân bay. Doanh thu vì thế đảm bảo rất tốt. Mô hình này đã được chúng tôi thực hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản. Riêng tại trung tâm mua sắm Lotte ở Seoul - Hàn Quốc, doanh thu đến từ mua sắm đạt 10 tỉ USD, nếu chia 10% cho các công ty lữ hành thì họ sẽ được nguồn hỗ trợ tài chính tới 1 tỉ USD. Đây là nguồn lực rất lớn cho các hãng lữ hành nhanh chóng vực dậy. Khách quốc tế sẽ đổ về Việt Nam, các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng cũng sẽ lập tức hồi phục" - ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh. 

Từ những phân tích trên, "vua hàng hiệu" kiến nghị Chính phủ và các ban ngành quan tâm ban hành sớm các cơ chế chính sách hoạt động thuận lợi cho nhà đầu tư, sớm đưa các dự án trên vào hoạt động để giúp ngành du lịch đột phá, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.