Làm gì để du lịch phát triển? - Kỳ 3: Cần ưu tiên cho xe du lịch

15/09/2011 23:11 GMT+7

“Cơ quan quản lý du lịch nên tìm phương án ưu tiên cho xe có biển hiệu chở du khách. Nếu không, tâm lý của khách bị ảnh hưởng và có ấn tượng không tốt về du lịch VN”. Ông Trần Vĩnh Lộc, Giám đốc Công ty Lạc Hồng Voyages đã chia sẻ với Thanh Niên như vậy.

>>  Kỳ 2: Tới Việt Nam và... ngủ

Theo ông Đặng Dũng, Giám đốc Công ty du lịch Mêkông, nếu chọn du lịch đường bộ, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu cuộc sống người dân sinh sống ở ven đường.

Tuy nhiên, thời gian qua, khách quốc tế về ĐBSCL không thích chọn đường bộ mà thay bằng đường thủy. “Khách không hài lòng khi đi xe, vì thường xuyên kẹt đường và kẹt phà. Quãng đường từ TP.HCM đến Châu Đốc (An Giang) nếu đi bằng ca-nô mất 6 giờ, không tính thời gian dừng lại tham quan, còn đi xe mất chừng 8 giờ, nếu không kẹt phà, và mệt mỏi hơn nhiều. Do đó khách chọn đường thủy, dù chi phí cao hơn”, ông Dũng kể.

 
Du khách vội vã lên xe để di chuyển sớm sau khi tham quan một điểm du lịch ở TP.HCM - Ảnh: Đ.N.Thạch

Ông Nguyễn Văn Minh, tài xế của một hãng lữ hành lớn ở TP.HCM, than: Muốn tránh kẹt xe ở cửa ngõ phía đông TP bắt buộc phải khởi hành ở trung tâm từ lúc 5 - 6 giờ sáng; còn đi lúc 7 - 8 giờ thì “thua”.

Cánh tài xế du lịch sợ nhất đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã ba Vũng Tàu, có thể mất 2 giờ xe chạy; tiếp tục vất vả mất hơn 1 giờ nữa để tới Dầu Giây. Thoát khỏi cung đường này cũng chưa xong, đoạn đường sau đó phải chạy rất chậm nên từ TP.HCM đến Mũi Né chỉ 250 km nhưng mất 7 - 8 giờ, trong khi trước đây chỉ chừng 3 - 4 giờ là tới nơi. Còn đường từ TP.HCM đi Củ Chi, Tây Ninh vì thường kẹt ở An Sương, đoạn KCN Tân Bình và vòng xoay.

Khách mệt mỏi với di chuyển. Còn các hãng lữ hành phải tìm cách xoay xở như né các chuyến bay giờ cao điểm; tìm những điểm đến ít bị kẹt xe để đưa khách tới; cho khách đi vespa, xích lô thay cho xe lớn trong nội thành; đưa khách ra sân bay sớm hơn dự kiến...

Bà Đoàn Thị Thanh Trà, đại diện Saigontourist

Chị Nguyễn Ngọc Giàu, hướng dẫn viên của Công ty du lịch Lửa Việt, chia sẻ: “Nếu khởi hành sớm quá để tránh kẹt xe khách không đồng ý, vì 4 giờ sáng đã lên xe. Nhưng không đi sớm, có khi vượt qua 70 km từ TP.HCM đến Dầu Giây ăn sáng đã 9 - 10 giờ trưa; tới Nha Trang đã 8 giờ tối. Khách có người thông cảm, nhưng nhiều người phàn nàn, nên không khí trên xe rất nặng nề. Đó là chưa kể vì xe chạy chậm quá khiến một số điểm tham quan bị cắt, giờ giấc đảo lộn, ăn uống vội vàng… Nói chung, hướng dẫn viên sợ nhất giao thông”.

Không có chỗ đậu xe

Nhiều tài xế du lịch cho biết, các điểm tham quan ở TP.HCM không có bãi đậu xe, cho nên sau khi đổ khách xuống nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, chùa Bà Thiên Hậu (Q.5),… tài xế phải chạy lòng vòng cả tiếng đồng hồ, chờ khách tham quan xong, hướng dẫn viên “nhá” máy thì quay xe lại đón. “Những bữa đưa khách đi ăn tối ở nhà hàng trong trung tâm TP, chúng tôi không biết chạy xe đi đâu để ăn tối đành đậu liều ở chỗ cấm rồi ăn cơm ngay trên xe. Vì xe 45 chỗ rất khó tìm được bãi. Ăn xong thì chạy ngay lập tức. Thỉnh thoảng cũng bị CSGT bắt”, tài xế Nguyễn Văn Minh kể.

Tình hình giao thông từ trung tâm TP.HCM đến sân bay Tân Sơn Nhất đã được cải thiện, nhưng vẫn có thể khiến khách lỡ chuyến bay. Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty du lịch Việt, cho biết có lần công ty đưa một đoàn khách VN đi tour nước ngoài. Do kẹt xe quá lâu ở đoạn Pasteur - Võ Thị Sáu, một số khách phải đón xe ôm đến sân bay, còn nhiều khách khác không vượt qua được đoạn kẹt xe đành bỏ chuyến.

Theo ông Long, thời gian ngồi trên xe trong một chương trình tour đường bộ ở VN chiếm tỷ lệ rất cao, khoảng 70%. Những tour ít ngồi xe chỉ có thể là tour nghỉ dưỡng hoặc sử dụng đường hàng không. Tuy nhiên, vào những dịp cao điểm, vé máy bay khan hiếm nên đường bộ vẫn đóng vai trò chủ đạo. “Việc rút ngắn thời gian đi lại hiện nay rất khó, vì còn phụ thuộc vào quy hoạch đường sá. Đường bộ ở khu vực phía Nam ngày càng tệ, chỉ mới cải thiện được đường từ TP.HCM đi Mỹ Tho, nhưng từ Mỹ Tho đi các tỉnh còn lại vẫn rất vất vả”, ông Long phân tích. “Để đối phó với nạn kẹt xe, xe chạy với tốc độ chậm, chúng tôi xử lý bằng cách đào tạo hướng dẫn viên thật sự chuyên nghiệp, để họ có thể xử lý tình huống và thuyết minh một cách hấp dẫn nhằm giúp khách vơi đi cảm giác bực dọc do phải ngồi quá lâu trên xe”, ông Long nói thêm.

“Đường vắng nhưng xe phải chạy như bò”

Bà Đoàn Thị Thanh Trà, đại diện Saigontourist, cho biết các hãng lữ hành thường tốn rất nhiều thời gian để thuyết phục đối tác nước ngoài đưa khách vào VN; ngành du lịch cũng tốn kém nhiều ngân sách để quảng bá hình ảnh VN ra nước ngoài, nhưng những tồn tại, đặc biệt là giao thông, đã khiến bao công sức tan biến. Khách MICE (hội nghị kết hợp du lịch) là khách doanh nhân giàu có, nên thời gian đối với họ là tiền bạc. Cho nên, nếu ở VN mất quá nhiều thời gian để di chuyển họ sẽ không quay lại. Các đối tác cũng phàn nàn liên tục về giao thông ở VN. Trong các lần tiếp xúc với đối tác, vấn đề mà các hãng lữ hành phải thường xuyên giải thích là tại sao với quãng đường 100 km lại đi mất 2 - 3 giờ hoặc tại sao đường thì vắng nhưng xe lại phải chạy như bò 40 km/giờ?...

“Khách mệt mỏi với di chuyển. Còn các hãng lữ hành phải tìm cách xoay xở như né các chuyến bay giờ cao điểm; tìm những điểm đến ít bị kẹt xe để đưa khách tới; cho khách đi vespa, xích lô thay cho xe lớn trong nội thành; đưa khách ra sân bay sớm hơn dự kiến…”, bà Trà bức xúc.

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.