Làm gì để giữ các công trình thời Pháp còn sót lại?

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
10/04/2023 07:21 GMT+7

Ngày 9.4, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao VN - Pháp (12.4.1973 - 12.4.2023), Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình talkshow Dấu ấn kiến trúc Pháp tại Đà Nẵng.

Tại chương trình, TS-KTS Lê Minh Sơn (Trưởng bộ môn Kiến trúc, Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng) cho biết hiện TP.Đà Nẵng còn lại khoảng 10 công trình giá trị thuộc 3 lối kiến trúc Pháp, tiêu biểu như Trường Ecole Franco - Annamite de Tourane (1890, nay là Trường Tiểu học Phù Đổng), Bảo tàng Điêu khắc Chăm (1919), Tòa Đốc lý (tại số 44 Bạch Đằng, 1906), Hội Liên hiệp Phụ nữ TP (1920)… Ông Sơn cho rằng "số phận" những công trình thời Pháp phụ thuộc vào sự giao thoa của 3 yếu tố, gồm chính quyền, dân sự và bất động sản; cân bằng 3 yếu tố này thì công trình mới tồn tại được.

Làm gì để giữ các công trình thời Pháp còn sót lại? - Ảnh 1.

Tòa Đốc lý cũ - cụm công trình kiến trúc Pháp có giá trị nhất tại TP.Đà Nẵng đang được cải tạo để làm bảo tàng

HOÀNG SƠN

TS-KTS Đinh Nam Đức (giảng viên Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng) cho rằng các công trình kiến trúc Pháp tại TP.Đà Nẵng có tình huống "éo le" hơn rất nhiều so với các công trình ở Huế, Hà Nội và TP.HCM... Đó là những địa phương còn có những khu phố với các cụm công trình Pháp, tạo hình ảnh, hệ thống kiến trúc rất rõ ràng, có giá trị cao. Trong khi đó, nghiên cứu của ông Đức cho thấy từ năm 2000 trở đi, các công trình Pháp tại TP.Đà Nẵng đã nhanh chóng bị thay thế bởi các công trình hiện đại. Những công trình còn lại nằm rải rác, giảm giá trị do chỉ đứng đơn lẻ. "Công bằng mà nói, các quy định về mặt quản lý công trình kiến trúc di sản chưa đủ nghiêm. Có những công trình thuộc sở hữu của tư nhân nên nhà nước chỉ có thể động viên, tuyên truyền… mà không thể can thiệp. Một công trình cổ muốn tồn tại thì người sở hữu phải đồng hành cùng sự bảo vệ của cơ quan chức năng", ông Đức nói.

Về chất lượng công trình thời Pháp, dẫn việc thi công Tòa Đốc lý, TS-KTS Lê Minh Sơn cho biết cách đây 20 năm, tòa nhà này được cải tạo do sau 100 năm xây dựng đã xuống cấp. Khi cải tạo mới nhận ra sàn tòa nhà được làm bằng cốt tre. Theo ông Sơn, tại thời điểm xây dựng, cơ sở vật chất, công nghệ lạc hậu nhưng vẫn cho ra một công trình chất lượng, nên bài học lớn nhất được rút ra là: xây đủ, xây đúng và có trách nhiệm. "Vấn đề bảo tồn công trình kiến trúc Pháp khi sử dụng người thợ trực tiếp (lao động tay chân) cũng phải được đào tạo cơ bản về bảo tồn, về lịch sử và khảo cổ học chứ không thể đưa những người thợ xây dựng vào làm việc đó…", ông Sơn nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.