Lăng kính bạn đọc:

Làm gì để tránh hiểm họa cây xanh gãy đổ?

Trí Minh
(tổng hợp)
05/04/2023 05:17 GMT+7

Sau vụ cây xanh trong trường học bật gốc làm bị thương học sinh và người đi đường hôm 3.4 ở TP.HCM, bên cạnh việc truy trách nhiệm, vấn đề được đặt ra là cấm và chọn trồng những loại cây gì để đảm bảo an toàn.

Như Thanh Niên đã đưa tin, sáng 3.4, cây xanh cao khoảng 15 m trong khuôn viên Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1 (TP.HCM) ngã đổ, đè lên 1 học sinh, 1 phụ huynh học sinh và 4 người đi trên đường Nguyễn Văn Thủ. Học sinh lớp 7 bị cây xanh đè trúng khiến gãy xương đùi trái, được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Nhi đồng 2. Một nạn nhân khác là thai phụ 32 tuổi được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Ðịnh, được chẩn đoán rách thận trái độ 2, vỡ gan độ 3, gãy cánh xương cùng cụt bên phải và 1/3 trên thân xương đùi trái. Những trường hợp còn lại đã được thăm khám, sức khỏe ổn định và về nhà.

      Làm gì để tránh hiểm họa cây xanh gãy đổ? - Ảnh 1.

Hiện trường cây xanh bật gốc tại Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM)

Bích Thanh

Chiều cùng ngày, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Ðức giao Sở GD-ÐT phối hợp UBND Q.1 tổ chức thăm hỏi các em học sinh và người đi đường bị thương do cây xanh bật gốc ở Trường THCS Trần Văn Ơn. Công an TP.HCM được giao nhiệm vụ phối hợp Sở GD-ÐT và UBND Q.1 nắm bắt lại tình hình sự việc, xác định trách nhiệm, báo cáo UBND TP.HCM. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục được yêu cầu rà soát công tác phòng chống lụt bão, thiên tai, hệ thống cây xanh trong nhà trường để đảm bảo an toàn cho học sinh, phụ huynh và giáo viên.

Cần kiểm tra cây xanh thường xuyên

Vụ việc cây đổ lại dấy lên nỗi lo về chuyện cây xanh ở đô thị gặp sự cố gây tai nạn cho người dân. Bạn đọc (BÐ) Trịnh Cường bày tỏ: "Vụ việc thật không may, quá đáng tiếc. Tuy vậy, các thầy thuốc của 2 bệnh viện với điều kiện tốt đã kịp thời nỗ lực cứu chữa những người bị nạn. Qua hình ảnh trên báo, có thể thấy cây xanh bị bật gốc này đã khá lớn tuổi, bộ rễ chắc có vấn đề nhưng chưa được phát hiện kịp".

"Thành phố chuẩn bị bước vào mùa mưa, mỗi khi có việc đi ngoài đường là xuất hiện suy nghĩ trong đầu về chuyện cây xanh tét nhánh, bật gốc. Cây trồng ngoài đường hay trong trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học đều có thể trở thành thủ phạm của tai nạn đột ngột", BÐ Lê Kiệt lo ngại.

BÐ Greentree đặt vấn đề: "Ðọc báo thấy nói cây xanh trong trường này mới được kiểm tra tháng trước và không phát hiện có vấn đề gì. Vì người ta kiểm tra cho xong, không thấy cây xanh sắp mục gốc, hay từ đó đến nay cây đã suy yếu? Cần làm rõ việc này, và cần kiểm tra cây xanh ở thành phố thường xuyên hơn để người dân yên tâm".

"Tai nạn là điều không ai mong muốn, nhưng chúng ta có thể hạn chế, phòng ngừa nó", BÐ Le Binh Hoang nhìn nhận và đề nghị truy trách nhiệm: "Hy vọng nạn nhân bị cây đè thương tích được điều trị bình phục sớm. Nhưng phải có cá nhân, tập thể nào đó đứng ra chịu trách nhiệm về việc này chứ? Cây xanh trong trường học đổ ra đường thì trách nhiệm thuộc về ai, nhà trường, địa phương hay công ty cây xanh?".

Lọc danh mục cây cấm trồng và nên trồng

Về lâu dài, BÐ cho rằng cần tính đến việc chọn trồng loại cây phù hợp không gian trường học, đường phố để hạn chế rủi ro gãy cành, bục gốc. "Việc trồng hay không nên trồng những loại cây gì sao còn phải bàn cãi. Cây xanh rất cần trong không gian nhà trường. Muốn có những cây lấy bóng mát thì rất đơn giản, như cây sanh, cây si, cây xà cừ, cây bàng... vừa bền bỉ trăm năm, vừa nhanh lớn mà cành cây rất dẻo, ít bị sâu mọt", BÐ Trung Tuyen Nguyen góp ý.

BÐ Gia Huynh nêu quan sát, hiện nay nhiều trường học là cơ sở mới xây, việc tăng mảng xanh thường dùng cách thức bứng cây từ nơi khác về trồng cho nhanh, "nên bộ rễ phát triển kém, chưa kể chỗ trồng cây chỉ là cái ô vuông trên nền bê tông, rễ không vững, độ bám của cây vào đất kém thì chuyện ngã đổ là bình thường". Theo BÐ này, đừng để mỗi khi xảy ra sự cố thì lại chặt trụi cành, đốn hết cây, mà cần có giải pháp dung hòa , bền vững.

BÐ Tinh Vu Ngoc nêu góc nhìn về việc chăm sóc cây xanh: "Ở nước ngoài, cây trồng trên đường hoặc trong trường, người ta đều tổ chức thăm khám liên tục, khi phát hiện cây gặp vấn đề là tiến hành xử lý ngay. Nên chăng các trường hằng năm mời những chuyên gia về cây xanh, kiểm tra đều đặn để phát hiện cây mục ruỗng", và đề đạt: "Mong các cơ quan chức năng, chuyên môn lưu ý về vấn đề này, để các cháu đến trường được an toàn, bình yên".

"Thật khó hiểu khi một số tỉnh đã chính thức cấm trồng nhiều loại cây xanh trong trường học, nhưng thành phố lớn, đông dân như TP.HCM lại mới chỉ có dạng cấm trồng trên phạm vi đường phố. Theo tôi, trước mắt căn cứ theo danh sách mấy chục loại cây mà thành phố cấm trồng trên đường phố thì cấm trồng cả trong khuôn viên trường học luôn. Sau đó, cần đến sự tư vấn của giới chuyên môn để lọc lựa lần nữa. Không chỉ cấm những loại cây gì, mà còn cần nên trồng cây gì trong không gian trường học", BÐ Kienthiet kiến nghị.

* Trường học là môi trường nhạy cảm, nhưng việc chọn cây gì để trồng trong trường không phải quá khó. Miễn cây cho nhiều bóng mát nhưng không dễ ngã đổ, tán lá rộng nhưng nhẹ không gây nguy hiểm nếu gãy rụng.

Lan Phuong

* Không khéo rồi đây lại diễn ra cảnh các trường học thi nhau cắt trụi cành, đốn cây xanh!

Văn Sáu Lê

* Tôi thấy loại cây xanh trên đường Bình Thới, Q.11, không to cao lắm nhưng tán lá rất dày và mát, an toàn. Có thể thích hợp trồng ở trường học.

Tran Thinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.