Làm gì để Việt Nam không bị thiếu hụt VĐV tài năng?

21/07/2015 13:48 GMT+7

Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, thể thao VN liên tiếp ghi dấu ấn với những thành tích ấn tượng của Ánh Viên , Hoàng Nam, Nguyễn Thị Huyền... Tuy nhiên, đằng sau những tài năng đặc biệt ấy gần như là không ai cả...

Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, thể thao VN liên tiếp ghi dấu ấn với những thành tích ấn tượng của Ánh Viên, Hoàng Nam, Nguyễn Thị Huyền... Tuy nhiên, đằng sau những tài năng đặc biệt ấy gần như là không ai cả...
Muốn thể thao VN ngày càng nhiều tài năng như Ánh Viên, Hoàng Nam cần phải đầu tư quyết liệt từ lớp trẻ - Ảnh: Khả Hòa
Cơ chế đãi ngộ phải phù hợp
Nhà báo Vũ Công Lập, một người không hoạt động trong lĩnh vực thể thao nhưng sự am tường về thể thao của ông luôn được xã hội đánh giá rất cao, nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ vấn đề mà Báo Thanh Niên đưa ra vào lúc này. Đây cũng chính là thời điểm vô cùng thích hợp để ngành thể thao cần đặt ra một cách nghiêm túc hơn, khẩn trương hơn, có biện pháp thực hiện thiết thực hơn về việc làm sao có thêm nhiều nhân tài hơn nữa. Trước đây, chúng ta còn cảm thấy mơ hồ, e dè, lo ngại và hoang mang tự hỏi, không biết mình có làm được không? Nhưng rõ ràng, một loạt thành tích của Ánh Viên, Hoàng Nam, Tiến Minh, Nguyễn Thị Huyền hay trước đó của Thạch Kim Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn... đã đem đến cho VN một niềm tin là thực ra mình làm được, nếu có quyết tâm và chiến lược đúng đắn”.
Theo ông Lập, VN rõ ràng không thiếu VĐV tài năng nhưng cần phải hành động ngay hai việc sau đây: Tìm được người tài và đưa lên đỉnh cao. “Nhiều trường hợp VĐV giỏi gần như được phát hiện ngẫu nhiên hoặc nhờ may mắn chứ không phải kết quả của một hệ thống hoạt động có chiến lược. Phải có cơ chế đãi ngộ phù hợp cho những chuyên gia, HLV khi họ bỏ công sức đi tìm nhân tài ở những giải thể thao phong trào, thể thao học đường, “lê la” ở các sân bãi, bể bơi. Nước nào cũng có lực lượng đi tìm kiếm nhân tài nhưng VN thì chưa”, ông Lập nói.
Theo ông Lập, VN cũng cần phải làm lại công tác đầu tư cho VĐV bởi hiện tại công nghệ huấn luyện, khoa học huấn luyện của chúng ta còn rất thiếu và yếu (trường hợp Nguyễn Thị Huyền gần như là ngoại lệ khi được đào tạo trong nước nhưng thành tích tiệm cận châu Á). Cũng do trình độ còn thấp nên không nắm bắt được, không đánh giá được chính xác các điều kiện chăm sóc VĐV ở các trung tâm huấn luyện tại nước ngoài. Không nắm bắt được chuyên gia đó là tốt hay không tốt, địa điểm tập luyện đó ra sao, có nên theo không. Và thế là không ít lần dẫn đến cãi nhau ỏm tỏi mà báo chí phải lên tiếng.
Thể thao VN đã đến lúc phải toàn cầu hóa, quốc tế hóa thì mới hiểu được đang ở đâu so với thế giới, phải làm gì, tự thu thập hệ thống thông tin ra sao để không bị lạc hậu. Ông nói tiếp: “Và tôi xin cảnh báo một tình trạng có thể xảy ra là có thể khi phát hiện ra VĐV trẻ tài năng nhưng các thầy lại lao vào “tranh cướp” và hậu quả là dễ mất nhân tài đó hoặc VĐV đó bị thui chột”.
Chấp nhận “tốn kém”
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT, phân tích: “4 yếu tố, 4 quy luật tất yếu của thể thao đỉnh cao là: tìm kiếm được tài năng; công tác đào tạo nghiêm ngặt, khoa học, chặt chẽ; cơ sở vật chất tốt, biết ứng dụng khoa học công nghệ, y học thể thao và đặc biệt phải đầu tư tiền bạc lớn. Ánh Viên nhờ sự “chia lửa” của nhà nước với Bộ Quốc phòng. Hoàng Nam có sự hỗ trợ cực lớn từ Becamex Bình Dương, Tiến Minh được hậu thuẫn vững chắc từ gia đình”.
Ông Minh nhấn mạnh nhiều lần đến chữ “tốn kém”, bởi theo ông không có nhiều tiền thì một VĐV giỏi không thể phát triển được. “Những trường hợp thành công như Viên hay Hoàng Nam đã chứng minh sống động cho quy luật đó. Viên có tố chất nhưng Viên tỏa sáng rực rỡ còn nhờ vào chuyến tập huấn ở Mỹ và được chăm sóc tốt tất cả mọi mặt. Lịch sử của thể thao VN không phải không có những em nhỏ giỏi nhưng đã không thể vươn tới đỉnh cao được vì chỉ được chăm sóc với những điều kiện chưa được tốt trong nước”, ông Minh phát biểu.
Theo ông Minh, ở các nước, việc đầu tư tiền của cho VĐV gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các liên đoàn thể thao, các tập đoàn kinh tế nhưng ở VN lại rất khác, hầu như chỉ trông chờ vào nhà nước. Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn khó khăn thì đôi khi tập trung cao độ cho một VĐV giỏi này thì lại phải hy sinh VĐV giỏi khác. Đây là điều rất đáng tiếc. Vì phụ thuộc lớn vào nhà nước nên thể thao VN làm gì cũng khó khăn, tổ chức ASIAD hay SEA Games cũng khó khăn.
Theo ông Minh, xu thế tất yếu của thể thao thế giới là phải tận dụng được nguồn lực của xã hội. Từ năm 1990, chúng ta đã từng có Nghị định của Chính phủ về xã hội hóa y tế, giáo dục và thể thao nhưng việc thực hiện nó quá chậm trễ.
Không thể mãi dựa vào ngân sách
Đây là lúc cần phải xác định rõ, tận dụng xã hội hóa là đường đi của thể thao VN, không thể dựa mãi vào “bầu sữa” ngân sách. Mà muốn các doanh nghiệp đổ tiền của đầu tư cho thể thao thì phải có chính sách ưu đãi nhất định cho họ. Tôi lấy ví dụ, anh Đoàn Nguyên Đức bỏ ra nhiều triệu USD giúp Lào xây dựng trung tâm huấn luyện thể thao cấp cao thì đổi lại, chính phủ Lào cho phép anh trồng và khai thác cây cao su ở Lào”, ông Nguyễn Hồng Minh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.