Làm gì để xây dựng được mô hình bác sĩ gia đình?

08/01/2024 06:00 GMT+7

TP.HCM được đánh giá là có đủ điều kiện để xây dựng thành công mô hình bác sĩ gia đình nếu quyết tâm thực hiện.

Cuối tuần qua, Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội thảo tìm hiểu mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) của Cuba. Đây là sự kiện kết thúc chương trình làm việc tại TP về vấn đề phát triển BSGĐ, y tế cơ sở, y tế cộng đồng của 2 GS-BS từ Cuba, là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế cộng đồng, từng chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều quốc gia. Hội thảo còn quy tụ các BS, chuyên gia y tế công cộng, lãnh đạo một số sở y tế phía nam, lãnh đạo 2 trường ĐH y lớn nhất TP.HCM là Trường ĐH Y Dược và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Đất nước có 84,9 bác sĩ/10.000 dân

Tại hội thảo, GS-BS José Armando Aronte Villamarín giới thiệu về thành công của hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Cuba. Theo đó, mô hình BSGĐ do lãnh tụ Fidel Castro khởi xướng từ năm 1984. Đến năm 2022, Cuba có 94.066 BS, đạt tỷ lệ 84,9 BS/10.000 dân, phủ 100% khu vực nông thôn - tỷ lệ này được xem là nằm trong tốp đầu thế giới. Đặc biệt trên 50% BS là BSGĐ. Với một hệ thống y tế hoàn toàn miễn phí và đội ngũ nhân lực y tế đông đảo, tuổi thọ trung bình của người dân Cuba là 77,7 tuổi. Nước này có thể tự sản xuất thuốc và vắc xin, đã cử 23.000 BS đến 55 quốc gia trên thế giới để hỗ trợ chăm sóc y tế… Cuba cũng là nước đầu tiên có giấy chứng nhận loại trừ lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con và giang mai bẩm sinh.

Về tổ chức hệ thống y tế ở Cuba, mỗi địa phương có một phòng khám đa khoa gồm các BS dịch tễ học, BS chuyên khoa, BS đa khoa, điều dưỡng, cộng tác viên… Dưới mỗi phòng khám đa khoa sẽ có khoảng 20 - 30 văn phòng BSGĐ. Mỗi văn phòng BSGĐ được phân phụ trách quản lý sức khỏe cho khoảng 1.000 người.

Làm gì để xây dựng được mô hình bác sĩ gia đình?- Ảnh 1.

Chăm sóc người bệnh theo mô hình y học gia đình tại phòng khám Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

T.H

Tại hội thảo, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đặt câu hỏi giải pháp thu hút lực lượng BS tham gia vào đội ngũ BSGĐ và làm sao để đảm bảo chất lượng BSGĐ? GS-BS Sonia María González Vega cho biết trước đây tại Cuba, các BS cũng chỉ được đào tạo chuyên ngành, sau đó mới bắt đầu thay đổi hệ thống đào tạo BSGĐ. Để mô hình BSGĐ phát triển nhanh và thành công thì yếu tố quan trọng nhất là đào tạo. Hiện Cuba đang có 13 ĐH khoa học y tế, 25 khoa khoa học y tế, cùng 24 khoa, ngành hóa học y tế. Các BS sau khi tốt nghiệp sẽ được phân về phòng khám và vừa học vừa làm trong 3 năm chuyên ngành BS đa khoa toàn diện - BSGĐ (luân chuyển tại các khoa như khoa nhi, sản phụ khoa, nội khoa và ICU). Cùng với đó là chính sách thu hút nhân lực; cụ thể, các BS chế độ tiền lương như nhau, không phân biệt BSGĐ, đa khoa, chuyên khoa, chỉ khác nhau ở học hàm, học vị. BS làm việc tại phòng khám gia đình được cấp nhà và sống tại khu dân cư. BS sẽ sống với gia đình ở tầng trên, còn tầng dưới sẽ tổ chức khám chữa bệnh.

Giải pháp thu hút bệnh nhân

Theo GS-BS Aronte Villamarín, bước đầu tiên để TP.HCM nói riêng và VN nói chung xây dựng mô hình BSGĐ là chọn nơi thí điểm, sau đó mới nhân rộng. Ông nhận định thêm có 2 yếu tố quyết định thành công. Đầu tiên là quyết tâm chính trị từ lãnh đạo cao nhất của đất nước đến lãnh đạo của Bộ Y tế và địa phương. Tiếp theo là làm sao để những BS, chuyên gia đầu ngành tham gia hệ thống BSGĐ, từ đó có thể tạo đà thu hút các BS trẻ.

Một câu hỏi khác quan trọng không kém là làm sao để thu hút bệnh nhân khám chữa bệnh trong hệ thống BSGĐ thay vì đổ xô đến bệnh viện lớn, bệnh viện tuyến trên. Trả lời câu hỏi này, GS-BS González Vega chia sẻ: "Thay vì nói làm sao thu hút người bệnh thì chúng tôi đặt ra câu hỏi làm thế nào để người bệnh tin tưởng phòng khám BSGĐ hay trạm y tế như ở VN. Việc để người dân tin tưởng là điều không dễ dàng. Chúng ta phải nâng cao chất lượng BS, phải chủ động tìm tới bệnh nhân, phải làm sao cho bệnh nhân hiểu rằng với những bệnh này, họ không cần phải đi lên tuyến trên".

"Ở VN, BS tại các trạm y tế phường, xã cũng có khả năng thăm khám, chữa bệnh cho bệnh nhân tại khu vực của mình. Đối với trường hợp nào ngoài khả năng xử lý của trạm y tế thì phải có chuyên gia hội chẩn. Cuba có nhóm chuyên gia BS ở bệnh viện tương tự như BS ở bệnh viện quận của VN. Các trạm y tế phường xã sẽ đề xuất các bệnh viện tuyến trên cử các BS quận xuống các trạm y tế để hỗ trợ khám chữa bệnh cho người dân", bà cho biết thêm.

Cũng theo GS-BS González Vega, về vấn đề chuyển viện, BS hay nhân viên y tế tại trạm phải nắm rõ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân khu vực mình quản lý. Như vậy, sẽ có cơ sở để cân nhắc có nên đưa lên tuyến trên hay giữ ở tuyến dưới. Nếu bệnh nhân muốn chuyển viện lên tuyến trên vẫn được nhưng khi đến bệnh viện tuyến trên, họ xem bệnh nhân này có cần thiết khám chữa bệnh ở bệnh viện của mình hay không? Nếu không thì bắt buộc phải đẩy trở lại xuống tuyến dưới, ở Cuba gọi đây là mô hình phân loại mức độ bệnh nhân.

"Ngoài ra, các BS, nhân viên y tế ở trạm y tế phải chủ động thăm khám cho bệnh nhân, nắm rõ hồ sơ bệnh án, điều kiện sống của bệnh nhân. Như ở Cuba, khi bệnh nhân chuyển viện lên tuyến trên thì BS phải đi theo để đưa ra chính xác mức độ bệnh của bệnh nhân, điều kiện sống... để bàn bạc với các BS tuyến trên có cho nhập viện hay không, nhập viện bao lâu...", GS-BS González Vega chia sẻ thêm.

Theo GS-BS Aronte Villamarín, mô hình phân loại bệnh nhân tại Cuba cũng giúp hệ thống BSGĐ phát triển. Trong đó, nhóm 1 là người khỏe mạnh, nhóm 2 là đối tượng nguy cơ, nhóm 3 là người mắc bệnh mãn tính và nhóm cuối cùng là người khuyết tật. Với những người bệnh nhẹ có thể đặt hẹn và BSGĐ đến tận nhà chăm sóc mà không cần phải vào bệnh viện. "BSGĐ không phải là BS có thể điều trị tất cả bệnh lý, mà họ là nhà tư vấn phòng bệnh, chăm sóc các bệnh phổ biến và kết nối ngay với các BS chuyên khoa của bệnh viện khi cần thiết", ông cho biết.

Sẽ có 2 năm thí điểm

"Sau chuyến thăm tại các bệnh viện, tôi thấy TP.HCM đã phát triển được cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên y tế, các trường ĐH y, công nghệ rất tốt. Tại Cuba ngày xưa, có được những điều kiện về cơ sở và vật chất cũng như đội ngũ y tế như TP.HCM hiện nay là một ước mơ lớn. Và nếu khi xưa có những điều kiện tương tự thì không cần phải mất đến 40 năm mà chỉ cần vài năm Cuba có thể phủ sóng hệ thống y tế BSGĐ như hiện tại. Ngoài ra, tôi cho rằng với điều kiện cơ sở vật chất và công nghệ như hiện nay, lãnh đạo chỉ cần quyết tâm làm, chọn được mô hình thí điểm chuẩn xác và chính sách phù hợp để phát triển thì có thể xây dựng mô hình BSGĐ thành công, có thể tương đồng với các nước lân cận", GS-BS Sonia María González Vega nhận định.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết sau nhiều ngày làm việc cùng các chuyên gia Cuba, các nhà chuyên môn và nhà hoạch định đã nhìn rõ những thách thức của ngành y tế TP.HCM khi muốn triển khai BSGĐ. Trong đó, thách thức lớn nhất là phải xác định được nhân viên y tế chủ chốt để triển khai BSGĐ cũng như xác định rõ mô hình này như thế nào. TP.HCM cũng không thể sao chép toàn bộ mô hình BSGĐ của Cuba mà chắc chắn sẽ có điều chỉnh phù hợp. Dự kiến, Sở Y tế sẽ chọn những phường, xã xa trung tâm TP để thí điểm mô hình này trong vòng 2 năm. Cụ thể ưu tiên các huyện: Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè hoặc Hóc Môn. Sở Y tế sẽ tham mưu cho TP để có thể nhanh chóng được triển khai mô hình BSGĐ dưới sự tư vấn của các chuyên gia Cuba…

PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng chúng ta cần có những chính sách tạo điều kiện để phát triển y tế cơ sở.

Theo đó, nguồn lực phải được đặt hàng, có chỗ làm việc, tiền lương để sống, có chỗ phát triển chuyên môn, có bệnh nhân để cung ứng dịch vụ. Mà muốn có bệnh nhân thì cần chính sách bảo hiểm chi trả cho khám chữa bệnh ban đầu ở y tế cơ sở. Có sự hỗ trợ chuyên môn của tuyến trên cho y tế cơ sở và đồng thời có sự liên thông dữ liệu giữa 2 tuyến.

Cùng với đó là cung cấp đầy đủ thuốc men, trang thiết bị y tế phù hợp với nhu cầu của người dân tại chỗ. Phải quyết tâm làm, sửa những bất cập và để làm được như Cuba, chúng ta cần có quỹ đầu tư cho y tế cơ sở, đầu tư theo hướng dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Về đào tạo, cần có mô hình thực tiễn để nhà trường đào tạo phù hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.