Làm gì với những cuốn sách khuyến khích tiêu diệt động vật hoang dã ? - Kỳ 1 : Một câu hỏi khó trả lời

29/09/2015 18:51 GMT+7

(TNO) Người Việt Nam chúng ta có nhiều thứ đáng tự hào, nhưng có không ít thứ càng nghĩ càng thấy xấu hổ, trong đó đáng xấu hổ nhất là việc tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã được xếp hàng đầu thế giới.

(TNO) Người Việt Nam chúng ta có nhiều thứ đáng tự hào, nhưng có không ít thứ càng nghĩ càng thấy xấu hổ, trong đó đáng xấu hổ nhất là việc tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã được xếp hàng đầu thế giới.

Đâu đâu người ta cũng nói Việt Nam là thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất hành tinh. Nghĩ mà ê cả người.
Không chỉ có vậy, suốt mấy chục năm qua đâu đâu ở trong nước cũng thấy rượu cao hổ cốt, rượu rắn, cao khỉ, mật gấu và không biết cơ man nào là ngà, là sừng, là nanh, là da, là thịt thú hoang. Chúng được chế tác, phơi sấy, ngâm tẩm, xào nấu, đóng chai đóng gói, rồi đem biếu xén, cho tặng, đãi đằng và bày bán khắp mọi nơi, từ chốn đức cao vọng trọng cho tới các ngõ ngách bình dân. Bây giờ thì không còn thấy ngà voi, sừng bò tót hay da hổ được trang trí ở các ngôi nhà của quan chức cấp cao nữa, nhưng khoảng bảy tám năm về trước thì nhiều vô kể.
Tôi đã từng chứng kiến, trực tiếp có, gián tiếp có, các quan chức tặng nhau cao hổ cốt hay mật gấu rừng, quan chức nhỏ tặng cho quan chức lớn, quan chức lớn dùng không hết đem chia sẻ với đàn em. Tôi cũng từng chứng kiến một quan chức rất nổi danh nhưng trong túi bao giờ cũng có vài thỏi cao hổ cốt để tặng cho những nhà báo thân tình. Những chuyện như vậy vô chứng vô bằng, nhưng các nhà báo hay những anh chị am tường thế sự chắc biết rõ. 
Sừng tê giác được bày bán ở Việt Nam - Ảnh của Robert Patterson, đăng tải trên trang của Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF)
 Vì sao nước Việt chúng ta lại tồn tại những chuyện kỳ quái thảm hại như vậy ? Cách đây mấy năm tôi đã từng đề cập trên Thanh Niên một trong những thủ phạm gây ra thảm họa sinh thái ở xứ này. Đó là những sách vở tài liệu về Đông y mà tôi cho là không rõ nguồn gốc, trong đó có cuốn sách không ít các thầy thuốc rất tôn kính, đó là cuốn Hải Thượng y tông tâm lĩnh được cho là của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Xin được trở lại kỹ hơn vấn đề này.
Tôi đã đọc cả hai tập dày của cuốn sách đó và thấy rất nhiều những bài thuốc đáng ngờ, chẳng hạn các bài thuốc dùng chì hoặc thủy ngân. Chì và thủy ngân có độc hại hay không, có thể uống vào người hay không, chắc mọi người đều rõ. Tôi không biết y thuật, nên không đủ khả năng phân tích, các nhà chuyên môn có thể khảo sát lại để thẩm định.
Nhưng điều tôi muốn nói là ở chỗ khác. Tôi đã đếm trong sách này có tới 36 loài thú rừng (chưa kể các loài chim) dùng làm thuốc, hầu hết đều là động vật hoang dã nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, trong đó có sừng tê giác, cao hổ cốt và nhiều bộ phận của thú rừng phải giết chết con vật đi mới lấy được.
Cuốn sách này được lưu hành một cách chính thống, được đem ra dạy ở các khoa Đông y, được phổ cập một cách rộng rãi trong dân chúng thông qua truyền miệng.
Bên cạnh cuốn Hải Thượng y tông tâm lĩnh còn một cuốn sách quan trọng nữa, đó là cuốn Nam dược thần hiệu được cho là của thiền sư Tuệ Tĩnh, cũng đang được lưu hành chính thống. Cuốn sách này cũng đầy dẫy những bài thuốc sử dụng các bộ phận của động vật hoang dã.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một danh y được người Việt chúng ta tôn kính. Chúng ta có thể không nghi ngờ gì về y thuật của ông, nhưng cuốn sách trên có phải của ông hay không là chuyện đáng phải bàn. Ông sống vào thế kỷ 18 (1720 - 1791), thời kỳ này không có ngoại xâm nên không có chuyện sách vở bị kẻ thù lấy hay tiêu hủy. Nếu như ông có sách, tại sao ông không truyền lại cho con cháu hoặc học trò mà phải đến 100 năm sau người ta mới tìm thấy, cho là của ông rồi đem ra in ấn ?
Còn thiền sư Tuệ Tĩnh được chúng ta biết là nhân vật sống vào thời nhà Trần. Chúng ta cũng biết sách vở từ thời nhà Trần trở về trước đã bị quân Minh lấy hết, số thì đem về nước số thì mang ra tiêu hủy, chỉ vẻn vẹn 3 tác phẩm còn truyền bản là Thiền Uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quáiViệt điện u linh tập, cộng thêm 3 tác phẩm khác sau này chúng tìm thấy lưu giữ ở Trung Quốc là Đại Việt sử lược (khuyết danh), An Nam chí lược của Lê Tắc và Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng. Ngoài những cuốn sách đó ra không còn tác phẩm nào khác. Sách Nam dược thần hiệu được phát hiện vào thế kỷ 18, trong sách có các kiến thức về y dược Trung Hoa của thế kỷ 15, 16. Nếu Tuệ Tĩnh sống vào thời nhà Trần thì có lý gì sách này là của ông ?
Thiền sư Lê Mạnh Thát nói với tôi cả hai cuốn sách đều được phát hiện trong các ngôi chùa. Tôi hỏi thầy Thát sao chùa chiền lại đi lưu hành những cuốn sách khuyến khích sát sanh, khuyến khích hủy diệt các sinh linh trong rừng sâu núi cao như vậy, ông phá lên cười. Ông bảo ông cũng ngạc nhiên khi đọc những phần dùng động vật làm thuốc trong Nam dược thần hiệu của thiền sư Tuệ Tĩnh.
Ảnh đăng tải trên trang web của Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên WWF trong một hoạt động diễn ra tại Việt Nam, ngày 22.9.2015 - Ngày bảo vệ tê giác thế giới , với thông điệp gửi gắm "hợp chất trong sừng tê giác cũng giống hệt móng tay  người"
 Vấn đề là, hiện nay Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ và nhiều phương tiện truyền thông khác, bằng những công bố khoa học, đều khẳng định rằng các hợp chất trong sừng tê giác giống hệt như móng tay móng chân người hay sừng trâu sừng bò, chẳng có một giá trị chữa bệnh nào cả. Nếu người người dân đặt vấn đề báo chí nói như vậy nhưng tại sao các cuốn sách y dược của dân tộc được Nhà nước cho lưu hành chính thức lại khẳng định sừng tê giác có giá trị như một thần dược ? Chúng ta sẽ phải trả lời như thế nào câu hỏi nói trên ? (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.