Ớn lạnh !
Giá là loại thực phẩm bổ dưỡng, tiện lợi, dễ ăn và trở thành món ăn quen thuộc của nhiều người. Nay đọc bài viết, thấy họ dùng hóa chất độc hại làm giá siêu tốc mà ớn lạnh. Từ nay chắc tôi sẽ không dám ăn giá không rõ nguồn gốc, chỉ dám ăn giá do chính gia đình mình làm mà thôi.
Ngô Phương Kiều Chinh (P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM)
Ác với đồng bào
Tôi tự hỏi vì sao ngày nay người ác lại nhiều đến thế. Đâu đâu cũng thấy thực phẩm bẩn, sử dụng hóa chất cho heo, gà, rau, củ, quả... Những kẻ sử dụng hóa chất để làm giá, để tăng trọng, tăng nạc cho heo đều là những con người bình thường, họ không có biểu hiện của bệnh tâm thần, họ biết sử dụng hóa chất như thế khi người ăn vào sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể ung thư.
Vậy sao họ nhẫn tâm, tàn ác như thế với đồng bào mình. Điều gì đã khiến đạo đức con người VN trở nên tha hóa, tàn ác như vậy?
Nguyễn Hoàng Minh (P.3, Q.6, TP.HCM)
tin liên quan
Làm giá ‘siêu tốc’ bằng hóa chất Trung Quốc: Sao chỉ phạt hành chính?Theo nhiều bạn đọc, sử dụng hóa chất Trung Quốc để làm giá đỗ “siêu tốc” sau 48 giờ là hành động "vô cùng độc ác" nhưng trước mắt chỉ bị xử phạt hành chính là quá nhẹ nhàng.
Giá là mặt hàng không thuộc diện đắt đỏ, người làm giá mà sử dụng hóa chất thì cũng không thể trở thành đại gia, nhà lầu xe hơi. Và dù chỉ thu một khoản lợi rất nhỏ nhưng người ta vẫn sẵn sàng bỏ hóa chất vào đó để làm hại nhiều người.
Đó là sự suy đồi trong đạo đức của những người như bà Mỹ Phượng nói riêng và nhiều người có hành vi tương tự. Đã đến lúc cả xã hội phải cùng nhau kêu gọi lương tâm, trách nhiệm của con người với nhau, tránh thảm họa bệnh tật cho các thế hệ mai sau.
Trương Thị Quỳnh Trâm (P.Cầu Ông Lãnh, Q.1, TP.HCM)
Liệu có tái phạm
Khi luật Hình sự chưa tới thời điểm có hiệu lực để xử lý hành vi sử dụng hóa chất độc hại trong thực phẩm thì các hành vi này thường chỉ bị xử phạt hành chính. Xử phạt xong rồi liệu có cấm họ hành nghề hay họ vẫn… chứng nào tật nấy? Theo tôi, tình trạng tái phạm của các đối tượng này là rất phổ biến. Do đó, tốt nhất, ngoài việc xử phạt cần áp dụng biện pháp cấm hành nghề này vĩnh viễn để họ không còn cơ hội đầu độc người khác bằng hóa chất.
Nguyễn Phú Phong (H.Định Quán, Đồng Nai)
Chính quyền cần sâu sát hơn
Những cơ sở sản xuất giá, bánh mì, bún, hủ tiếu… cần được chính quyền cơ sở, tổ dân phố, khu phố, cảnh sát khu vực và người dân quan tâm đặc biệt. Dù là cơ sở nhỏ, lẻ nhưng lượng người dùng sản phẩm từ các cơ sở này là rất lớn. Chỉ cần một cơ sở sử dụng hóa chất thì hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người bị đầu độc. Do đó, những cơ sở này phải được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt bởi nhiều ban, ngành. Cần tổ chức để các hộ này cam kết không sử dụng hóa chất độc hại đồng thời phổ biến, tuyên truyền, kêu gọi, đánh thức lương tâm của các hộ này để họ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trương Minh Hưng (P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
Huỳnh Minh Đạt (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Trần Hữu Thủy (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
|
Bình luận (0)