“Đi được bao nhiêu nơi. Giúp được bao nhiêu người. Làm được điều gì tốt. Học được điều gì mới”, là ý nghĩa của cuộc sống và cũng là những biểu hiện của “Người giàu thực sự”.
TS Nguyễn Đức Hưởng trao học bổng cho sinh viên |
Đó là ý kiến của TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
“Người nghèo chỉ đi tìm tiền còn người giàu thì tiền tìm đến”
Đây là quan niệm mà TS Nguyễn Đức Hưởng chia sẻ trong cuộc tọa đàm “Doanh nhân: Người lính thời bình” do Đài phát thanh truyền hình tỉnh Phú Thọ tổ chức thực hiện tại TP.Việt Trì cuối tháng 11 vừa qua. Tham gia cuộc tọa đàm còn có các diễn giả: ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Phú Thọ và nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Báo Lao Động.
Xuất phát từ định hướng “Giữ nước là người lính, xây nước là doanh nhân”, cuộc tọa đàm xoáy vào một loạt vấn đề như quan niệm thế nào là người giàu ngày nay, quan niệm về việc làm giàu - người giàu ngày xưa, các phẩm chất của người giàu, con đường làm giàu chân chính. Các vấn đề này đã thu hút sự chú ý rất lớn của các khán giả tọa đàm là sinh viên ngành kinh tế của Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ. Sinh viên cũng đã đặt câu hỏi trực tiếp cho các diễn giả tại cuộc tọa đàm.
“Ở VN chỉ có chuẩn nghèo mà chưa có chuẩn giàu là gì”, TS Nguyễn Đức Hưởng nói và chia sẻ: “Theo tôi, người giàu đơn giản là người giúp được người khác, đúng như quan niệm của người VN từ xưa tới nay là lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Nếu thấy người khác gặp nguy nan mà không giúp, là ác. Và người giàu có hành động tốt thì làm nhiều người khác tốt theo”.
Bàn về thu nhập, theo TS Nguyễn Đức Hưởng, người giàu là người có nguồn thu nhập từ một hay các khoản đầu tư. Còn thu nhập chỉ từ lương chưa phải là người giàu. “Tôi cũng muốn các bạn sinh viên chú ý một chút. Khi tìm hiểu ai, đừng chỉ nhìn vào anh ấy/cô ấy mặc gì, dùng điện thoại gì, đi xe ô tô gì. Hãy để ý xem anh ấy/cô ấy có bao nhiêu tiền trong tài khoản, hay có bao nhiêu tài sản khi dùng tổng tài sản trừ đi nợ ngân hàng/nợ khó đòi... Nếu kết quả là dương thì đó mới là người thực sự có tài sản”, TS Hưởng chia sẻ.
“Ở nước ngoài, người ta chỉ phân ra thành 2 giai cấp: làm chủ và làm thuê. Tôi rất mong muốn các bạn sinh viên phát triển ý thức làm chủ của bản thân, làm chủ chính bạn, rồi làm chủ việc kinh doanh nho nhỏ của bạn, tiến tới làm chủ nhiều người. Rồi một ngày các bạn sẽ thấy: “Người nghèo chỉ đi tìm tiền còn người giàu thì tiền tìm đến”.
Phấn đấu làm người bình thường
Sau nhiều năm gắn bó với con tàu Liên Việt và thành công trên thương trường, điều người ngoài ít biết được là những nền tảng văn hóa kinh doanh mà TS Nguyễn Đức Hưởng gây dựng, không chỉ về triết lý làm giàu. Hồi mới về LienVietPostBank, đích thân ông đã soạn "Đại cương văn hóa LienViet Bank". Trong đó quy định rõ chi tiết từ tầm nhìn, triết lý kinh doanh đến cách thức sinh hoạt hằng ngày, như nghiêm cấm uống rượu trong giờ làm việc; nghiêm cấm phong bao, quà cáp cho lãnh đạo; quy định quà sinh nhật là hoa và sách hay; nghiêm cấm nhân viên đến nhà sếp dịp lễ tết...
Một tố chất khác của TS Nguyễn Đức Hưởng là khát vọng sống, khát vọng doanh nhân khiến ông luôn trăn trở, tự buộc mình làm việc không mệt mỏi. Dù bận rộn nhưng mỗi ngày ông đều dành 30 phút để “ngẫm về… cái ngu của chính mình”. “Ngẫm để rồi liên tục sửa. Có cái sửa được ngay, có cái phải mất cả tuần, cả tháng, thậm chí phải mất cả năm mới sửa được, mà vẫn thấy còn ngu vì trên đời không cái ngu nào giống cái ngu nào”, TS Hưởng từng mở lòng chia sẻ.
Biết đủ, biết dừng cũng là một bí quyết sống và thoát, ông tuyên bố: “Giờ mình đang phấn đấu trở thành người... bình thường!”. Theo tiến sĩ, trở thành người bình thường là để thấu hiểu được giá trị của những điều bình thường, là bí quyết sống đồng cảm với mọi người. Chỉ khi làm được những việc bình thường mới làm được những việc vĩ đại. Bởi tất cả các vĩ nhân làm chuyện lớn đều bắt đầu từ việc xử lý, xử sự những chuyện nhỏ thành công.
Bình luận (0)