Làm giàu không khó

14/02/2014 09:56 GMT+7

Học hành không tới đâu, phải bám ruộng đồng mưu sinh, nhưng anh Danh Sa Rây (ngụ ấp 12, xã Vĩnh Viễn, H.Long Mỹ, Hậu Giang) đã tạo dựng được một cơ ngơi đồ sộ.

 Làm giàu không khó

Anh Sa Rây đang kiểm tra máy gặt đập liên hợp - Ảnh: Quỳnh Lam)

Ngày đêm bám ruộng

Đang lau chùi chiếc máy gặt đập liên hợp trước sân, anh Sa Rây tâm sự: “Làm nông dân bây giờ khó lắm, phải nhanh nhạy nắm bắt cái mới, nhất là phải làm theo khoa học thì mới mong làm giàu”. Nhìn cơ ngơi hiện tại, ít ai biết được anh đã một thời phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để vượt qua cái khó, cái khổ vươn lên trong cuộc sống.

Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, anh Sa Rây nói: “Tôi có phần may mắn hơn những nông dân khác là được cha mẹ cho một ít đất khi ra riêng. Nhưng đồng đất nơi đây những năm trước chưa được cải tạo hoàn chỉnh, làm lúa còn bấp bênh lắm, vụ trúng, vụ thất. Muốn đủ ăn hoặc khá lên thì phải làm cật lực, bám ruộng, bám đồng, có dư tích lũy mua thêm đất, sắm phương tiện để cơ giới hóa đồng ruộng hoặc làm thêm dịch vụ nông nghiệp…”.

Chính ý chí làm giàu đã thôi thúc vợ chồng anh Sa Rây hăng say lao động. Hằng ngày, ngoài làm ruộng của gia đình, anh chị còn cắt lúa, làm cỏ mướn. Sau thời gian cật lực trên đồng, anh chị về chăm sóc đàn heo. Anh cho biết: “Cách đây khoảng 7 năm, lúc nào trong chuồng của tôi cũng có 5 - 7 con heo, có lúc hơn chục con. Nuôi heo không lời lắm nhưng mình xem đó là vốn tích lũy, để khi bán đàn heo có một số vốn kha khá làm việc khác, đặc biệt là mua thêm đất. Nông dân mà có ít đất đâu làm được gì”.

Để sản xuất thêm hiệu quả, anh Sa Rây còn tích cực tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật nông nghiệp, hội thảo đầu bờ do Phòng NN-PTNT H.Long Mỹ tổ chức. Nhờ những kiến thức đã được học, như: 3 giảm ba tăng, 1 phải 5 giảm, bón phân đúng cách… anh đã ứng dụng xuống đồng ruộng giúp năng suất lúa không ngừng tăng lên. Cứ thế, mỗi năm làm có dư anh tích lũy dần mua đất và tăng diện tích lên 25 công như hiện nay.

Nhanh nhẹn nắm bắt cơ hội

Cách đây 2 năm, căn nhà tường trị giá hơn 300 triệu đồng được anh Sa Rây cất hoàn thành đánh dấu sự thành công trên bước đường lập nghiệp. Anh cũng trở thành triệu phú nông dân trẻ nhất trong vùng. Nhưng với anh Sa Rây như thế vẫn chưa đủ và tiếp tục tìm hướng đi mới để nâng cao cuộc sống. “Theo tôi làm giàu không khó, nhưng vấn đề là phải có ý chí vươn lên, nhanh nhạy nắm bắt thời cơ. Bây giờ, đất thì không thể nở ra được, trong khi đồng tiền tích lũy cứ để trong nhà sẽ không sinh lời. Do đó, tôi quyết định chuyển qua làm dịch vụ nông nghiệp”, anh Sa Rây tâm sự.

Cách đây 2 năm, cùng với số vốn tích lũy được, anh Sa Rây vay thêm 210 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp trị giá hơn 520 triệu đồng. Sau khi có máy, anh thuê thêm 4 nhân công cùng anh vận hành máy và đi thu hoạch lúa cho bà con. Anh Thái Vĩnh Tân, cán bộ giảm nghèo và bảo trợ xã hội xã Vĩnh Viễn, cho biết: “Việc anh Sa Rây quyết định mua máy làm nhiều người bất ngờ cho là mạo hiểm, nhưng kết quả kinh doanh cho thấy quyết định đó đúng. Có máy, đồng đất nơi đây đến mùa thu hoạch bà con không phải lo chuyện thuê mướn nhân công, thất thoát lúa, còn anh thì có thêm thu nhập, nâng cao cuộc sống”.

Ở tuổi 36, với tài sản là căn nhà tường khang trang, 25 công ruộng, máy gặt đập liên hợp như anh Sa Rây quả là đáng mơ ước của nhiều nông dân. Nhưng anh vẫn còn nhiều dự định để tiếp tục vươn lên. Anh Sa Rây cho biết: “Hiện tôi có thu nhập mỗi năm khoảng 300 triệu đồng từ lúa, máy gặt đập liên hợp. Như vậy, chỉ sau 1 năm nữa tôi sẽ trả hết vốn vay và cái máy này là của mình. Ngoài ra, ruộng của tôi sẽ tham gia vào cánh đồng mẫu lớn để nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, phải quyết tâm lo cho 2 con ăn học đến nơi đến chốn để sau này không phải vất vả như cha mẹ chúng”.

Quỳnh Lam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.