Làm giàu ở làng lươn xứ Nghệ

Khánh Hoan
Khánh Hoan
27/05/2024 08:10 GMT+7

Nghề chế biến lươn ở xã Long Thành (H.Yên Thành, Nghệ An) làm tăng giá trị của con lươn, khiến lươn trở thành món ngon của xứ Nghệ. Nghề này đã giúp nhiều gia đình trở nên khá giả.

Làm giàu từ lươn

Long Thành nổi tiếng về nghề bắt lươn từ hàng chục năm qua. Rất nhiều người dân nơi đây có biệt tài bắt lươn bằng tay không. Dù là ngày đông tháng giá, hay ngày hè nắng lửa, các thợ săn lươn chỉ cần lội ruộng, ao hồ, dùng tay không bắt lươn dễ như lấy cái kẹo trong túi áo.

Làm giàu ở làng lươn xứ Nghệ- Ảnh 1.

Chế biến lươn ở Long Thành

K.HOAN

53 tuổi, nhưng ông Nguyễn Văn Sứ (ngụ xóm Phan Thanh, xã Long Thành) có hơn 40 năm gắn bó với con lươn đồng. Ban đầu là đi bắt lươn, sau đó chuyển sang thu mua lươn.

"Mỗi tuần 2 lần, tôi đón xe khách vượt gần 50 km mang lươn vào TP.Vinh bán lại cho các quán ăn. Hồi đó, đường sá đi lại còn khó khăn nên mỗi chuyến đi bán lươn phải từ sáng sớm đến tối mới về đến nhà", ông Sứ kể.

Trong khi ở vùng quê này, nhiều người bươn chải sang châu Âu kiếm việc làm, ông Sứ vẫn níu lấy con lươn. Năm 2010, thay vì bán lươn nguyên con, ông Sứ chuyển sang mở xưởng chế biến lươn. Mỗi ngày vợ chồng ông nhập từ 2 - 3 tạ lươn rồi gọi người trong xóm đến mổ lươn, sơ chế, chế biến thành phẩm các món: lươn nấu cháo, lươn cuộn, lươn phi lê, lươn sấy khô… Sau khi chế biến, lươn được cấp đông để chuyển đến nhiều địa phương trong nước theo đơn đặt hàng của các chủ nhà hàng, quán ăn. Xưởng của ông Sứ tạo việc làm cho 7 - 10 lao động nữ.

Cạnh nhà ông Sứ là xưởng chế biến lươn của vợ chồng chị Nguyễn Thị Tin (32 tuổi). 11 giờ trưa, trong xưởng, một nhóm phụ nữ và trẻ em vây quanh chiếc bàn đầy lươn khéo léo tách xương và ruột lươn sau khi đã được luộc qua. "Tiền công làm mỗi kg lươn thành phẩm là 5.000 đồng, mấy đứa trẻ ni đi học về tranh thủ sang làm lươn, mỗi bữa cũng kiếm được cả trăm ngàn đó", chị Tin cười, nói.

Vợ chồng chị Tin từng đi làm thuê, cuộc sống vẫn chật vật nên cả hai quyết định về quê. 5 năm trước, hai vợ chồng mở xưởng chế biến lươn, mỗi ngày nhập về 2 - 2,5 tạ, thuê người chế biến rồi chuyển đi bán cho các quán ăn, nhà hàng ở TP.Vinh. Từ đó, cuộc sống vợ chồng chị khấm khá dần.

Ở xóm Phan Thanh hiện có 54 hộ dân mở xưởng chế biến lươn. Ngay cạnh Phan Thanh là xóm Rú Đất cũng có gần 50 hộ mở xưởng chế biến. Ông Nguyễn Văn Sứ cho hay, lươn được nhập về từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, gồm cả lươn nuôi nhưng chủ yếu vẫn là lươn đồng. Theo ông Sứ, lươn đồng ngon nhất vẫn là lươn được đánh bắt ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Loại này nhỏ con nhưng săn chắc, dai thịt.

Người tiên phong mở xưởng chế biến lươn ở làng này là ông Nguyễn Văn Khẩn (51 tuổi). Căn nhà 3 tầng tọa lạc trong vùng đất rất rộng, khang trang, là cơ ngơi được dựng nên từ nghề buôn và chế biến lươn của gia đình ông.

Hơn 10 năm trước, ông mở xưởng chế biến lươn khi nhận thấy đây là nhu cầu của hầu hết các chủ quán ăn, nhà hàng. Ban đầu, xưởng của ông chế biến chừng nào bán hết chừng đó nên nhiều gia đình trong xóm sau đó cũng mở xưởng. Hiện mỗi ngày, ông Khẩn nhập về rồi xuất đi các địa phương trong cả nước khoảng 3 - 4 tấn lươn thịt.

Tạo hương vị cho lươn

Nghệ An nổi tiếng về các món ăn từ lươn (cháo lươn, miến lươn, lươn xào cà, lươn xào củ chuối…). Cái nôi của nghề bắt và buôn lươn là ở xã Long Thành. Ông Nguyễn Văn Sơn, xóm trưởng xóm Phan Thanh, cho hay mỗi năm 2 vụ cày cấy, người dân mang giỏ ra đồng bắt lươn bằng tay không. Thợ bắt lươn chuyên nghiệp mỗi ngày bắt được 5 - 7 kg lươn, kiếm được tiền triệu.

Khi lúa đã lên xanh, lươn được bắt bằng cách đánh trúm, lưới bát quái và câu. Bây giờ, có thêm nghề chế biến lươn, đã giúp người dân ở đây trở nên khấm khá, nhiều gia đình giàu có. Các xưởng chế biến lươn đã tạo việc làm cho hàng trăm phụ nữ, thu nhập mỗi người 5 - 7 triệu đồng/tháng. Phụ phẩm từ lươn dùng để chăn nuôi. Năm 2022, tỉnh Nghệ An đã ra quyết định công nhận Phan Thanh là Làng nghề chế biến lươn.

Làm giàu ở làng lươn xứ Nghệ- Ảnh 2.

Lươn cuộn sau khi sơ chế

K.HOAN

Không chỉ giữ cho món lươn tươi hơn khi được cấp đông, theo ông Sơn, việc chế biến lươn đã giúp cho hương vị món lươn được ngon hơn. Các gia vị như nghệ, hành nén được sử dụng để tẩm ướp đã giúp cho lươn sau sơ chế có màu sắc đẹp và hương vị thơm ngon. Mỗi ngày, hàng chục tấn lươn được nhập về từ nhiều tỉnh, thành trong nước, nhưng khi qua bàn tay chế biến của các chủ xưởng ở đây, lươn đều mang hương vị xứ Nghệ.

Chủ tịch UBND xã Long Thành, ông Phan Văn Đề, cho biết không dừng lại ở khâu sơ chế, sắp tới làng nghề chế biến lươn sẽ cho ra các sản phẩm cháo lươn, miến lươn, súp lươn khô ăn liền được thực hiện trên dây chuyền công nghệ hiện đại.

Nhân giống lươn

Sau nhiều năm chạy xe máy đi bắt lươn ở khắp nơi, năm 2017, anh Hoàng Lượng (38 tuổi, ngụ xóm Rú Đất, xã Long Thành) quyết định lập trang trại nuôi lươn. Anh Lượng vay mượn rồi đầu tư nhiều tỉ đồng để "quyết định làm lớn" khi thấy nhu cầu tiêu thụ lươn ngày càng nhiều.

Trên vùng đất rộng gần 1 ha ở mé xóm, anh Lượng dành một khu để xây 10 bể nuôi lươn sinh sản, 7 bể nuôi lươn thương phẩm. Lươn giống được anh mua từ miền Nam. Nhưng lứa đầu tiên trắng tay vì lươn chết sạch do nhiệt độ nước không thích hợp. Qua nhiều lần thất bại, hơn 1 năm sau, anh Lượng mới thành công trong nuôi lươn thương phẩm.

Việc nuôi lươn sinh sản càng khó hơn. Lứa đầu tiên, hàng trăm ngàn quả trứng lươn được đưa vào ấp nhưng chỉ nở được chừng 5.000 con. Sau nhiều đêm trằn trọc, anh Lượng mày mò sáng tạo ra hệ thống ấp nhiều buồng, sử dụng áp dụng lực đẩy của nước để các quả trứng không dính vào nhau mà luôn di chuyển. Sau khi lươn con nở, máy lọc sẽ tách chúng ra, qua khe hở đi sang buồng khác, những quả trứng chưa nở vẫn giữ lại để ấp tiếp.

Sau nhiều lần thử nghiệm, hệ thống này đã thành công khi cho tỷ lệ ấp nở đạt 80%. Một con lươn giống được bán với giá 4.000 đồng. Sau khi lươn nở phải nuôi 3 tháng qua 3 bể khác nhau mới xuất bán. Lươn giống nuôi khoảng 6 tháng sẽ cho sinh sản.

"Hoàn thành nghĩa vụ", lươn mẹ sẽ biến thành lươn đực nên phải thay thế con giống khác. Mỗi năm, trại của anh Lượng xuất 200.000 - 300.000 con lươn giống, 1 tấn lươn thương phẩm, thu lãi 500 - 600 triệu đồng. Anh còn bán bản quyền máy ấp trứng lươn với giá mỗi máy 80 triệu đồng.

Đặc tính của lươn là thích bóng tối, tĩnh lặng, rất dễ bị kích động và sợ hãi khi có tiếng động mạnh. Khi bị kích động, lươn sẽ bị tháo nhớt và rất dễ chết. Để tạo không gian yên tĩnh, anh Lượng dùng loa phát nhạc không lời hàng ngày để lươn quen với tiếng động, ít bị giật mình. Thành công của trại giống này đã tạo nguồn giống cho nhiều trang trại nuôi lươn ở Nghệ An và các tỉnh lân cận, không phải mua giống ở các tỉnh phía nam khó nuôi vì vận chuyển quá xa và dễ bị sốc nhiệt do môi trường thay đổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.