Làm giàu ở vùng quê nghèo

26/07/2016 11:03 GMT+7

Sau 4 năm thực hiện, dự án 'Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh' không chỉ cấp điện cho khoảng 34.934 hộ dân mà còn làm thay đổi diện mạo của vùng quê nghèo.

Nuôi tôm phát triển nhờ điện
Trở lại xã Long Toàn, TX.Duyên Hải (trước đây là H.Duyên Hải, Trà Vinh), sự “thay da đổi thịt” của mảnh đất này hiện lên rất rõ. Không còn những con đường lầy lội, thay vào đó là đường bê tông, ô tô có thể đi vào tận các ấp. Hai bên đường, những ngôi nhà cao tầng khang trang bên cạnh ao nuôi thủy sản được xây dựng quy mô. Đi sâu vào từng ấp, nhiều ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, nền lót gạch bông sáng bóng… Trò chuyện cùng người dân, chúng tôi biết rằng sự thay đổi lớn ở xã Long Toàn đến từ giá trị kinh tế của những vuông tôm và rất nhiều hộ nuôi tôm ở đây đã trở thành tỉ phú.

Điện về nông thôn không chỉ thắp sáng mà còn là động lực rất lớn để các địa phương phát triển thủy sản, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp một cách hiệu quả hơn. Qua đó giúp người dân làm giàu trên chính quê hương mình

Ông Đặng Văn Dình, Phó giám đốc Công ty Điện lực Trà Vinh


Ông Nguyễn Văn Trung (46 tuổi, ngụ ấp Giồng Giếng, xã Long Toàn) cho biết hơn 4 năm nay, từ khi có điện lưới quốc gia, ông đầu tư máy móc chuyển sang nuôi tôm công nghiệp. “Với 3 đầm tôm, vụ nuôi năm 2015 gia đình tôi lãi gần 800 triệu đồng”, ông Trung phấn khởi nói.
Theo ông Ngũ Minh Việt, Phó bí thư Đảng ủy xã Long Toàn, từ khi được cấp điện, phần đông hộ dân đã chuyển sang nuôi tôm thẻ công nghiệp, hiệu quả cao, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Năm 2015 toàn xã có 2.281 hộ nuôi tôm, trong đó có đến 1.737 hộ lãi, chiếm tỷ lệ trên 76%.
Làng nghề công nghiệp hóa
Những năm gần đây, hàng trăm người thợ dân tộc Khmer ở làng nghề đóng giường tre thuộc xã Hàm Giang (H.Trà Cú) đã vượt qua cảnh nghèo túng, có được cuộc sống khá sung túc. Ông Thạch Trì Cảnh, Tổ kinh tế hợp tác đóng giường tre Trì Cảnh (ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang) cho biết: “Khi có điện về, tôi đã vay ngân hàng 40 triệu đồng mua sắm máy cưa, máy bào, máy khoan… Nhờ đó mà làm ra những sản phẩm đẹp hơn như salon tre, bàn ghế tre, được nhiều người đặt mua”.
Từ một hộ sản xuất nhỏ lẻ, đến nay ông Cảnh đã làm chủ cơ sở Trì Cảnh với quy mô sản xuất mỗi năm 1.500 sản phẩm salon, bộ bàn ghế, tiêu thụ khắp các tỉnh thành ĐBSCL, TP.HCM, Vũng Tàu… Ngoài ra, cơ sở của ông còn giải quyết việc làm cho 30 người thợ, với mức lương 3 triệu đồng/tháng, giúp nhiều thợ nghèo ở làng nghề có việc làm, cuộc sống ổn định. Ông Thạch Ngọc Điệp, Trưởng ấp Trà Tro B, cho biết cuộc sống người dân ở đây được thay đổi, trở nên khấm khá là nhờ có điện. Điện đã giúp làng nghề thay đổi phương thức sản xuất từ thủ công sang công nghiệp.
Theo ông Đặng Văn Dình, Phó giám đốc Công ty Điện lực Trà Vinh, đến nay Dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer của Tổng công ty Điện lực miền Nam đã đưa số hộ dân có điện sử dụng trong toàn tỉnh đạt 98,63%, trong đó số hộ vùng nông thôn đạt 98,45%. Ngoài ra, công ty còn triển khai Dự án thành phần cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp tỉnh Trà Vinh (DPL3), với tổng vốn đầu tư 103 tỉ đồng, cấp điện cho 5.779 hộ nuôi trồng thủy sản.
“Điện về nông thôn không chỉ thắp sáng mà còn là động lực rất lớn để các địa phương phát triển thủy sản, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp một cách hiệu quả hơn. Qua đó giúp người dân làm giàu trên chính quê hương mình”, ông Dình nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.