Năm 2008, cầm trên tay 6 triệu đồng xuất ngũ, anh Đặng Văn Toàn trở về quê nhà (xã Mỹ Phước, H.Mang Thít) với quyết tâm lập nghiệp mạnh mẽ của một thanh niên từng được đào tạo, tôi luyện trong quân đội. Toàn bàn bạc với cha mẹ cho mình cải tạo mấy công vườn tạp để chăn nuôi, trồng trọt. Do chỉ có vỏn vẹn 6 triệu đồng, nên anh quyết định mua 1 cặp bò. Chỉ 1 năm sau, anh đã có trong tay 16 triệu đồng (tiền bán 2 con bò) và thêm được 1 con bê. Anh tiếp tục mua ếch về nuôi thử nghiệm. Chỉ sau 3 tháng, anh đã thu được hàng chục triệu đồng tiền bán ếch. Có nguồn vốn kha khá trong tay, anh tận dụng hầu hết các khoảng trống của đất vườn, ao hồ để trồng trọt và nuôi thêm cá lóc, cá trê. Hễ thứ gì bán được tiền là anh làm, chẳng nề gian khó.
|
Bà con trong xóm ít khi thấy Toàn ra ngoài vui chơi, nhậu nhẹt như các bạn cùng trang lứa. Ở tuổi 28, Toàn có vẻ “cứng” hơn bởi sự dày dặn nắng gió ngoài đồng ruộng, mương vườn. Bất kể ngày đêm, lúc nào Toàn cũng chăm chỉ làm lụng để phát triển kinh tế gia đình. Với suy nghĩ: “Nhà có đông anh em, nếu mình không có gắng làm sẽ là gánh nặng cho gia đình và là nỗi lo của ba mẹ”, Toàn quyết tâm vạch ra công việc cho anh em trong gia đình. Thấy Toàn siêng năng, giỏi tính nên ai cũng ủng hộ, chia nhau mỗi người một việc, nhờ vậy mô hình kinh tế gia đình của Toàn ngàng càng phát triển. Ban đầu chỉ 1 vèo ếch, giờ đây Toàn có gần 10 vèo vừa nuôi ếch vừa nuôi cá lóc, mỗi vụ thu hoạch từ 3 - 4 tấn ếch và cá lóc, lời trên 100 triệu đồng. Đặc biệt, đến nay anh đã sở hữu được 6 con bò, với giá trị cả trăm triệu đồng.
Ông Đặng Văn Hai, cha của anh Toàn, tâm sự: “Tôi rất hãnh diện về thằng Toàn. Từ ngày đi nghĩa vụ về, nó không bao giờ chơi bời lêu lổng. Đầu tiên nó nuôi bò, rồi chuyển sang nuôi ếch, nuôi cá lóc, mần vườn và trồng dưa hấu nữa. Nó mần cái gì cũng đạt hiệu quả cao nên được cả nhà ủng hộ”.
Chân chất, thật thà, không ngại khó và mê làm giàu - đó chính là tính cách của chàng trai trẻ Đặng Văn Toàn. “Tích tiểu thành đại”, trong 4 năm qua, từ những vèo ếch Thái, cá lóc cùng với việc nuôi bò và trồng dưa hấu, Toàn đã tích lũy mua thêm 4 công đất và thuê hơn 10 công ruộng để thực hiện mô hình “2 lúa - 1 dưa”. Vậy là chuyện làm giàu hiệu quả của thanh niên chân đất này được xã Đoàn Mỹ Phước giới thiệu rộng rãi trong thanh niên tại địa phương. Hiện tại, nơi đây cũng đã có hơn 10 thanh niên chí thú lập nghiệp như Toàn. Chị Trần Thị Cẩm Lài, Phó bí thư xã Đoàn Mỹ Phước, nhận xét: “Tôi thấy mô hình của anh Đặng Văn Toàn rất hiệu quả, có thể áp dụng để các đoàn viên thanh niên học hỏi, nhân rộng ngay ở địa phương mình để tăng thu nhập chứ không phải cần đi làm ăn xa”.
Những ngày này, Đặng Văn Toàn đang chăm chút cho từng luống dưa hấu tết của mình với hy vọng sẽ mang về một mùa bội thu. Với những nỗ lực và kết quả đạt được, Đặng Văn Toàn đang được Huyện đoàn Mang Thít đề nghị T.Ư Đoàn tặng bằng khen.
Bài, ảnh: Thanh Đức
>> Nuôi le le hoang dã làm giàu
>> Thủ lĩnh giúp thanh niên làm giàu từ cây chè
>> Làm giàu trên đất quê hương
>> Giúp thanh niên tự tạo việc làm, làm giàu tại quê hương
Bình luận (0)