Học chưa hết cấp 1, nhưng nhờ biết đổi mới phương tiện đánh bắt nên ngư dân trẻ Huỳnh Tấn Anh ở thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, H.Đông Hòa (Phú Yên) đã làm giàu ngay trên vùng biển Tổ quốc.
|
Đánh bắt truyền thống không mang lại hiệu quả mấy, cần phải thay đổi cách đánh bắt sao cho phù hợp? Câu hỏi đó cứ lởn vởn trong đầu anh Huỳnh Tấn Anh. Và thông tin cái máy dò ngang Sonar sẽ giúp việc tìm luồng cá thuận lợi hơn càng khiến anh tò mò. Những lúc rảnh, anh thường đến các tiệm internet nhờ bọn trẻ lên mạng tìm hiểu giá, chất lượng và công ty uy tín cung cấp loại máy này. Anh Anh lo lắng: “Chữ nghĩa thì ít, máy loại này thì hiện đại, liệu mình sử dụng được không?”. Nhưng rồi anh cũng tự trấn an mình: “Họ làm ra máy thì chắc họ cũng nghĩ ra cách để hướng cho dẫn ngư dân dễ sử dụng”.
Thế rồi, cách đây 5 năm, anh đã quyết tâm mua cho bằng được nên đã “cầm” sổ đỏ cho ngân hàng để vay tiền, mượn thêm người thân rồi mua về chiếc máy dò ngang Sonar với giá 260 triệu đồng. Có máy, anh cứ mò mẫm dần, nhưng cũng phải mất hơn 3 tháng mới tìm ra cách vận hành máy thành thạo. Và từ đó, mỗi chuyến biển đem về cho gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng.
“Qua màn hình, nhìn thấy con số và hình ảnh hiển thị ở trên đó thì tui đã đoán được trữ lượng và hướng đi của đàn cá. Từ đó, tui quyết định có nên thả lưới hay không. Nhờ vậy, chi phí chuyến biển cũng giảm bớt, không tốn công sức dò ngư trường như lâu nay. Nói thật, hiệu quả đánh bắt từ máy Sonar rất đáng kể”, anh Anh quả quyết.
Thấy hiệu quả, anh Anh không giữ bí quyết làm giàu cho riêng mình mà trao đổi kinh nghiệm cho hơn 15 chủ tàu cá khác để cùng đầu tư loại máy này. “Từ ngày có máy Sonar, tàu cá nào cũng có thu nhập từ 1-4 tỉ đồng mỗi năm. Anh em bây giờ khấm khá lắm”, anh Anh khoe.
Nhưng nhóm 15 tàu cá này không đánh bắt riêng rẽ mà phân công nhau và bầu anh Anh làm tổ trưởng. 10 chiếc hành nghề lưới rút, chiếc làm hậu cần. Mỗi khi xuất bến, từng tàu cá tỏa ra nhiều hướng, tìm thấy luồng cá sẽ lên điện đàm gọi nhau đến cùng đánh bắt. Tàu hậu cần thu gom cá, lập tức chạy thẳng vào bờ nên rất tiết kiệm nhiên liệu và cá cá tươi ngon nên bán được giá cao. Anh Anh nhận định: “Bây giờ mà làm ăn riêng lẻ thì chỉ có chết, nhưng nếu hợp lực lại, phân công hợp lý, hỗ trợ nhau trên biển thì làm ăn rất thành công và bền vững”.
Làm ăn ngày càng khấm khá, cơ ngơi khang trang nhưng anh Anh vẫn đầu tư đóng mới chiếc tàu công suất 700 CV với thiết kế nội thất tiện nghi và trang bị cả máy tính xách tay nối mạng để phục vụ chuyện làm ăn và nắm bắt thời sự. Chiếc tàu mới này cũng đã ngốn anh hết 5 tỉ đồng.
Đức Huy
>> Giúp ngư dân bị nạn
>> Ứng cứu nhiều ngư dân và tàu cá bị nạn
>> Đừng để 'gói hỗ trợ' ngư dân bám biển bị lợi dụng
Bình luận (0)