Không một chữ bẻ đôi, lại có đến 6 người con, nhưng ông Dương Tấn Sự từ một ngư dân đi làm thuê trên các tàu đánh cá ở cửa biển Lạch Bạng (TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa) đã trở thành ông chủ của 5 chiếc tàu giá trị hàng chục tỉ đồng, chuyên đi thu mua hải sản xa bờ.
Tôi chưa kịp mở lời hỏi về câu chuyện làm giàu từ biển thì ngư dân Dương Tấn Sự (53 tuổi, ngụ KP.Nam Hải, P.Hải Bình, TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa) đã vội xua tay: “Nhà báo hả. Tui nói trước nếu viết bài xong mà phải đi đâu là tui không đi mô. Tui cũng không ký cái chi đâu nhé. Đừng bắt tui ký”.
Thấy tôi ngạc nhiên trước câu nói của ông Sự, người anh trai ngồi cạnh ông Sự liền giải đáp: “Chú ấy ít đi ra ngoài lắm, nên nếu phải đi đâu là rất ngại. Chú ấy cũng không biết chữ, nên bảo ký gì là chú ấy đề phòng, vì không đọc được chữ, không biết nội dung gì, sợ người ta lừa đảo ấy mà, không có gì đâu”. Hóa ra, nhân vật của chúng tôi - tỉ phú ở cửa biển Lạch Bạng này, lại là người nửa chữ cũng không biết. Vậy, ông làm như thế nào để từ đôi bàn tay trắng nay đã là chủ của 5 chiếc tàu thu mua hải sản xa bờ, giá trị hàng chục tỉ đồng ?
Ông Dương Tấn Sự (trái) cùng bạn nghề chuẩn bị đồ nghề cho chuyến đi biển thu mua hải sản |
MINH HẢI |
Từ tay trắng đến gia sản hàng chục tỉ
Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng thứ “đặc sản” quen thuộc ở vùng ven biển xứ Thanh, đó là chuyện đẻ nhiều con. Sinh ra trong gia đình có 7 anh em, cả nhà 9 miệng ăn (bố mẹ và 7 người con) nhưng chỉ trông chờ vào việc đi biển thuê của bố, nên cậu bé Dương Tấn Sự không có điều kiện đến trường như bao người.
“14 tuổi tui đã đi biển rồi. Khi đó, ngày qua ngày tui lênh đênh trên các con tàu để làm thuê kiếm sống. Năm 1992, khi 23 tuổi, tui lấy vợ. Bà ấy là người cùng xã, cũng quen nghề biển rồi. Tui nhớ là cứ 2 năm đẻ một đứa, vợ chồng tui đã có 6 người con. Lúc đó vất vả lắm, chả có nghề gì ngoài đi bò bọ (đi làm thuê trên các tàu đánh cá - PV), kênh (chuyến đi biển - PV) được kênh không, chỉ mong sao đủ ăn, đủ tiền nuôi mấy đứa con ăn học thôi chứ không dám nghĩ tới chuyện làm giàu”, ông Sự kể.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nghề đi biển của ngư dân cửa biển Lạch Bạng phát triển nhanh chóng, nhiều tàu lớn được đóng mới, ngư dân ngày càng vươn khơi bám biển, đời sống người dân cũng ngày càng nâng cao. Chỉ có những gia đình đông con như vợ chồng ông Sự phải chật vật để làm sao kiếm đủ ăn, đủ học cho các con.
Dù đã là ông chủ của khối tài sản hơn 20 tỉ đồng, nhưng hằng ngày ông Sự vẫn cần mẫn làm việc trên các con tàu |
Cũng vào đầu những năm 1990, nhiều tàu giã của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi “lấn sân”, đánh bắt ở các vùng biển phía bắc, nên thường xuyên cập cảng Lạch Bạng để bán hải sản rồi lại ra khơi. Nhận thấy nhu cầu mua bán hải sản trực tiếp trên biển ngày càng lớn, vợ chồng ông Sự đã quyết định làm liều, vay mượn tiền bạc của anh em, họ hàng để sắm tàu dịch vụ hậu cần.
“Năm 2005, vợ chồng tui cùng với gia đình anh trai quyết định vay mượn đóng một con tàu để ra biển mua cá rồi chở vào bờ bán cho đại lý. Lúc đó nghề này còn mới lắm, chưa mấy ai làm. Mình chở dầu, lương thực, thức ăn ra bán cho các tàu trên biển, rồi lại mua các loại hải sản đem vào bờ bán. Làm ăn lúc đó cũng được lắm, nên cứ vài năm sau lại sắm thêm tàu mới”, ông Sự nhớ lại.
Với biển, với nghề đi biển, giờ tui ít ra khơi, chủ yếu là thuê người làm, nhưng mỗi ngày tui không ra cảng được 2 lần là không chịu được. Những hôm tàu không vào, không có việc gì tui cũng ra cảng, là thói quen rồi.
Ngư dân Dương Tấn Sự
Làm ăn phát đạt, từ năm 2005 - 2017, vợ chồng ông Sự liên tục đóng và mua mới tổng cộng 7 tàu chuyên dịch vụ hậu cần, công suất tàu trung bình từ hơn 300 đến hơn 400 CV. Đến nay, sau 17 năm lăn lộn với nghề biển, ông Sự đã có gia sản trị giá hơn 20 tỉ đồng, trong đó có 5 chiếc tàu. Đội tàu của ông Sự cũng đang giải quyết việc làm cho hơn 80 lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 7 - 12 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi tháng vợ chồng ông Sự bỏ túi hơn 300 triệu đồng.
Ông Dương Tấn Sự, tỉ phú ở cửa biển Lạch Bạng |
Hào hiệp với bạn nghề
Ngoài chuyện làm giàu, không ít lần ông Sự có hành động nghĩa hiệp với bạn nghề. Để hỗ trợ các tàu đánh bắt, ông chủ thu mua như ông Sự thường bỏ ra từ 30 - 50 triệu đồng cho các tàu đánh bắt mua dầu, sau đó mua lại hải sản để trừ nợ. Việc đầu tư cho nhau không có giấy tờ, chứng nhận mà hoàn toàn dựa vào uy tín, lòng tin lẫn nhau. Cũng chính vì thế, nhiều tàu cá khi làm ăn thua lỗ, hoặc chuyển vùng đánh bắt khiến ông chủ Sự không ít lần mất tiền đầu tư, hoặc không đòi nợ nữa vì người nợ quá khó khăn. “Có lần vợ chồng tui vào tận Quảng Ngãi để đòi tiền mua dầu của một chủ tàu. Vào thì thấy gia đình người ta làm ăn thua lỗ, hoàn cảnh lại rất khó khăn, trông thương lắm. Thấy thế, vợ chồng tui còn động viên họ rồi quay về, không đòi tiền họ nữa”, ông Sự kể.
Bà Nguyễn Thị Yến (vợ ông Sự) cho biết năm 2018, một gia đình ở P.Hải Bình (TX.Nghi Sơn) làm ăn thua lỗ, phải thanh lý một con tàu để trả nợ ngân hàng, nếu không sẽ mất đất, mất nhà. Vào thời khắc khó khăn nhất, chính vợ chồng bà Yến đã quyết định nhận lại nợ ngân hàng và mua lại con tàu của gia đình kia để họ không rơi vào bi kịch làm ăn thua lỗ, mất đất, mất nhà.
Ông Dương Tấn Sự (trái) trò chuyện cùng các ngư dân |
Nói về tình yêu với nghề biển, có lẽ ít ai so được với ông Sự. “Giờ hỏi tui số hiệu các tàu thì tui nhớ liền, chứ bảo nhớ năm sinh của 6 đứa con thì tui chịu. Chỉ nhớ là cứ 2 năm lại đẻ một đứa thôi. Còn với biển, với nghề đi biển, giờ tui ít ra khơi, chủ yếu là thuê người làm, nhưng mỗi ngày tui không ra cảng được 2 lần là không chịu được. Những hôm tàu không vào, không có việc gì tui cũng ra cảng, là thói quen rồi”, ông Sự cho hay.
Ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND P.Hải Bình, đánh giá ông Sự là tấm gương sáng nhất ở vùng cửa biển Lạch Bạng trong phát triển kinh tế biển. “Khu vực Lạch Bạng gồm bà con làm nghề biển của P.Hải Bình và P.Hải Thanh, trong đó ông Sự là điển hình trong làm nghề biển. Hai năm qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới nghề biển, tàu nằm bờ nhiều, nhiều gia đình làm nghề thu mua vỡ nợ, nhưng ông Sự vẫn đứng vững, vẫn rất uy tín với các tàu đánh bắt hải sản và là điểm tựa cho các tàu cá khi gặp khó khăn”, ông Sơn chia sẻ.
(còn tiếp)
Làm giàu từ biển
Bình luận (0)