Núi Dài (Ngọa Long Sơn) là ngọn núi có hình dáng như con rồng nằm dài trên 8.000 m, chạy qua địa phận 3 xã Châu Lăng, Lương Phi, Lê Trì và TT.Ba Chúc (H.Tri Tôn). Xưa kia, núi Dài rất hoang sơ, huyền bí, nhiều thú dữ và chim muông nên ít người lui tới. Các lão làng kể lại trước đây bà con lên núi làm rẫy thường xuyên bị heo rừng, khỉ kéo đến phá hoại. Còn người đi rừng ngại nhất là gặp rắn rết, đỉa vắt, muỗi mòng... “Đã qua rồi cái thời gian khổ đó, diện mạo của núi Dài cũng như đời sống bà con hôm nay đã thay đổi rất nhiều”, ông Vĩnh nói.
Năm 1996, được sự hỗ trợ của ngành kiểm lâm, bà con trên núi hưởng ứng chương trình trồng rừng phòng hộ phủ xanh đồi trọc với các loại cây như keo, sao, trầm tóc (trầm hương)… xen lẫn cây ăn trái. Không bao lâu đất rừng đã biến thành vườn tược, cây cối sinh sôi, người lên núi ngày càng đông, chòi rẫy bắt đầu mọc lên.
Gia đình ông Vĩnh có 3 đời sinh sống ở vùng núi Dài này. Ông cũng là một trong những người đầu tiên ở đây có sáng kiến trồng cây trên 3 tầng sinh thái. Với 5 ha đất rừng, ông cho dây tiêu bò lên các loại cây to như sao, xoài; còn dưới tán rừng ông trồng thêm thảo dược như nghệ xà cừ, ngãi xanh, thiềng liềng đen, ngãi ma vương… Đây là những loại củ có giá trị kinh tế cao, mỗi năm mang về cho ông nguồn thu nhập trên 80 triệu đồng. Ở tầng giữa ông trồng su hào, đậu rồng, rau các loại, thu về mỗi vụ gần 100 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định quanh năm.
“Tuy là vùng đất núi khô cằn nhưng nhờ ở độ cao trên 500 m nên khí hậu mát mẻ, về đêm nhiều sương, thổ nhưỡng ở đây thích nghi với hầu hết các loài cây ăn trái như mít, xoài, vú sữa, bưởi, sầu riêng, mãng cầu… Mặc dù nguồn nước tưới và sử dụng phân thuốc không nhiều như ở đồng bằng nhưng cây vẫn phát triển tốt”, ông Vĩnh cho biết.
|
Ngoài ra, ông Vĩnh còn nuôi trên 500 con gà đủ cỡ, chủ yếu là gà ta, gà nòi… Gà thả vườn không cần chuồng trại, chỉ cho ăn một lần vào buổi sáng, xong chúng tự vô rừng kiếm ăn, tối về ngủ trên đọt cây, trừ gà con mới nở là nhốt chuồng nên tốn rất ít chi phí.
Mới đây, ông bán được 500 cây trầm tóc loại trên 20 năm tuổi cho một công ty khai thác trầm với giá 430.000 đồng/cây. Theo tính toán của ông, tổng thu nhập hằng năm từ cây ăn trái, hoa màu và chăn nuôi lên đến 600 triệu đồng, chưa kể số cây rừng phòng hộ do ông nhận chăm sóc, bảo tồn.
Tương tự ông Vĩnh, nhiều hộ dân sống trên núi Dài cũng ăn nên làm ra nhờ trồng rừng xen với vườn cây ăn trái và làm rẫy. Với tinh thần lao động cần cù và sáng tạo, người dân núi Dài đã biến vùng đất sỏi đá này thành “vàng”.
Hiện đa số bà con ở Ô Sìn, Ô Vàng, Ô Tà Sóc… đều phấn khởi vì nơi nào cũng có đường lên núi. Trước đây, bà con gánh hàng xuống núi phải mất 2 - 3 tiếng rất vất vả. Nay đã có con đường bê tông dài hơn 3.500 m lên tới đỉnh, xe hai bánh có thể thồ hàng xuống núi chỉ mất khoảng 20 phút. “Hàng hóa lưu thông dễ dàng nên chi phí vận chuyển thấp, nhờ đó thu nhập của bà con tăng cao hơn so với trước”, ông Vĩnh nói.
tin liên quan
Sống khỏe với nghề vợt châu chấuBình quân mỗi đêm, người làm nghề vợt châu chấu kiếm được từ 500.000 đến 700.000 đồng.
Bình luận (0)