Bị khai thác tới cạn kiệt và tưởng như đã biến mất, thì giờ đây loại gỗ gù hương đặc biệt quý hiếm - được gọi là 'báu vật' của rừng xanh, đang dần hồi sinh trên mảnh đất Yên Bái.
Suốt một thời gian dài, tưởng như những cây gù hương đã biến mất do bàn tay con người, nhưng hiện trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái) vẫn còn sót lại vài cây gù hương cả trăm tuổi đã ra hoa và giúp loài gỗ đặc biệt quý hiếm này có cơ hội hồi sinh...
Gù hương được liệt vào nhóm cao cấp loại một và người trong nghề gọi chúng với cái tên rất đắt, là báu vật của rừng. Gỗ gù hương có hoa văn lạ, độc đáo, đẹp mắt và cho tinh dầu mang mùi thơm đặc biệt có thể xua đuổi muỗi gián, hay nhiều loài côn trùng khác. Không những thế, nhựa gỗ gù hương cung cấp các dưỡng chất làm lành vết thương, lâu ngày tích tụ lại hình thành một mặt phẳng đa dạng hoa văn mà không một loại cây gỗ nào có được.
Còn nhớ cách đây hơn một năm, khi chúng tôi lang thang qua những cánh rừng ở Yên Bái đi tìm dấu vết gù hương. Có lúc, nỗ lực mục kích loài cây này gần như tuyệt vọng. Khi tìm được thì cây đã bị lâm tặc chặt phá. Lúc đó, một cán bộ ngành kiểm lâm tỉnh Yên Bái chẹp miệng mà rằng: “Gỗ gù hương giờ... rất hiếm”.
Tuy vậy, nỗ lực truy lùng dấu vết gù hương vẫn được tiến hành. Kết quả là chúng tôi đã tìm ra những cây gù hương quý giá, ẩn khuất trong vườn của một số hộ gia đình huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.
Nấu tinh dầu gù hương bán cho Trung Quốc
Theo nhiều người dân Yên Bái, cách đây nhiều năm, phong trào nấu tinh dầu gù hương tại chốn non cao vẫn còn vượng phát. Mạnh nhất là các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên... Gù hương được nấu để lấy tinh dầu bán ra nước ngoài làm thuốc chữa bệnh. Hồi đó, ven đường đầy những lò nấu tinh dầu thơm phức. Nhà nhà, người người nấu tinh dầu gù hương. Phong trào phát triển mạnh hơn cả nghề nấu tinh dầu quế hiện nay.
Thị trường tiêu thụ tinh dầu gù hương mạnh nhất là Trung Quốc. Nhiều người đồn thổi rằng, người phương Bắc thu mua tinh dầu gù hương về làm thuốc chữa bệnh. Có người lại nói họ lấy về để làm hương liệu... Nhưng chung quy lại thì họ mua thì dân mình bán, kiếm tiền mưu sinh.
Anh Nông Văn Bắc, người dân huyện Trấn Yên (Yên Bái) nhớ lại: nghề nấu tinh dầu gù hương xuất hiện từ khi nào không ai rõ. Chỉ biết rằng, trong quá khứ, nghề này đã phát triển rất thịnh vượng, đem lại sự giàu sang, phú quý cho nhiều gia đình. Ở đất Yên Bái có 2 loại gỗ mà người dân cùng gọi tên là gù hương. Loại thứ nhất gỗ màu đỏ, thơm. Loại thứ hai gỗ hơi vàng. Chỉ có loại gù hương gỗ đỏ thì mới nấu được tinh dầu. Tinh dầu gù hương thường được dùng để chữa đau xương khớp, chữa cảm cúm...
Vì nghề nấu tinh dầu gù hương phát triển quá nóng dẫn đến loài gỗ này bị khai thác đến mức tàn kiệt. Đến khoảng những năm 1995, loài cây này gần như vắng bóng trên nhiều “thánh địa” gù hương. Nhưng nghề vẫn tồn tại. Ban đầu, người ta chặt cây ở những cánh rừng ven khu dân cư, rồi dần dần họ rủ nhau vào tận rừng sâu, đốn hạ những cây gù hương có đường kính lên đến 2 m.
Một cây gù hương cả trăm năm tuổi - Ảnh: Nam Anh
Chỉ cần đốn hạ được một cây như vậy thì một gia đình nấu nửa năm chưa hết. Cứ như thế, người dân phải vào rừng nhiều ngày liền để săn gù hương. Giữa chốn rừng thiêng nước độc, nhiều người đã phải bỏ mạng vì sốt rét rừng, bị gỗ đè chết... “Hết nạc vạc đến xương”, người dân quay sang bới đất đào gốc những cây gù hương đã chặt trước đó. Một thời gian sau, gốc cũng hết và nghề nấu tinh dầu gù hương cũng biến mất. Đến nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái không còn gia đình nào nấu loại tinh dầu thứ thiệt này.
Vẫn còn gù hương trăm tuổi
Thật may là loại gỗ gù hương quý hiếm này vẫn chưa biến mất hoàn toàn. Trên địa bàn các huyện Lục Yên, Trấn Yên vẫn còn lác đác non chục cây gỗ gù hương. Đặc biệt, ngoài những cây gù hương khoảng 40 năm tuổi thì trên địa bàn huyện Lục Yên vẫn còn một cây khác có đường kính bằng 2 người ôm và theo lời dân bản địa thì cây gù hương đại thụ này đã trăm năm tuổi.
Cây gù hương đại thụ thuộc một gia đình người dân tộc Tày. Gia đình này từ chối tiết lộ thông tin cũng như hình ảnh nhằm bảo vệ tài sản quý giá mà cha ông để lại. Chỉ biết rằng, cây gù hương có đường kính bằng 2 người ôm. Mỗi năm cây ra hoa một lần và có thể nhân giống được. Cây được ông cha để lại cho con cháu làm kỷ niệm và cũng là thuốc chữa bệnh. Cây gù hương hiện được bảo vệ rất nghiêm ngặt và gia đình không có ý định bán.
Lần theo chỉ dẫn của cánh lâm tặc tại xã Ngọc Chiến, H.Mường La, tỉnh Sơn La, trong vai người mua gỗ chúng tôi tiếp cận ông chủ buôn gỗ mới nổi tên Thành (trú tại TX.Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái).
Ngoài cây gù hương trăm tuổi vừa kể trên, gia đình ông Lục Văn Trường, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên hiện vẫn còn 4 gây gù hương. Trong đó, 1 cây có kích cỡ bằng vòng tay 1 người ôm, cao bằng ngôi nhà 4 tầng, 3 cây còn lại nhỏ hơn. Những cây này có độ tuổi trên 30 - 40 năm và được gia chủ bảo vệ nghiêm ngặt.
Ngoài gia đình ông Trường ra, tại Lục Yên còn có gia đình khác là ông Nông Văn Thu cũng tại xã Tân Lĩnh còn giữ được 2 cây gù hương có kích cỡ 1 người ôm.
Ông Nông Văn Thu cho kể lại: Sở dĩ những cây gù hương này còn giữ được đến ngày nay là do truyền thống dùng thuốc lá Nam của người dân bản địa. Trong số các bài thuốc của bà con dân tộc nơi đây, vỏ rễ cây gù hương là vị thuốc đặc biệt, có tác dụng chữa bệnh gan. Hồi những năm 1990 - 1995, cây gù hương này mặc dù còn nhỏ nhưng dân buôn vẫn đòi mua với giá cao. Suy nghĩ mãi, ông Thu quyết định giữ lại để làm thuốc, phòng khi trái gió trở trời. Nhưng vì độ hiếm của loại gỗ này nên cây gù hương của gia đình ông trở thành mục tiêu của người trộm cắp.
Để minh chứng cho việc này, ông Thu dẫn chúng tôi đến tận gốc cây và chỉ vào chỗ đất bị kẻ gian đào bới nham nhở: “Hễ khi nào gia đình tôi đi vắng là mấy người dân tộc Dao liền mò vào đào trộm rễ về làm thuốc. Nhiều lần mình thương người ta thì cho họ bóc vỏ có giới hạn để không làm chết cây. Nhưng như thế họ không “đã”. Có hôm biết gia đình tôi đi công việc, họ đến định đào đổ cây gù hương để cưa luôn gốc. Khoảng cách đào đến gốc cây gù hương chỉ còn chưa đầy 60 cm. May là tôi về kịp và đuổi mấy đứa ăn trộm đó đi”.
Cây gù hương của gia đình ông Lục Văn Trường cũng chịu cảnh tương tự. Tại vị trí gốc cây, dấu vết của những phi vụ kẻ gian đào bới lấy vỏ rễ vẫn còn. May mắn là thời gian gần đây, cây được gia đình ông Trường bảo vệ nghiêm nên không bị xâm phạm nữa.
Có thể phục hồi loài gỗ đặc biệt quý hiếm
Mặc dù gỗ gù hương rất hiếm, nhưng tương lai về việc phục hồi loài cây này là hoàn toàn có thể, thậm chí có thể nhân giống một cách rộng rãi từ vài cây gỗ còn sót lại.
Ông Lục Văn Trường cho biết, cây gỗ gù hương của gia đình ông bắt đầu ra hoa và quả cách đây hai năm. Mỗi năm, loài cây này ra hoa một lần, sau đó quả già thì rơi xuống gốc và mọc cây mới. Đầu năm 2016, ông Trường thử lấy hạt về ươm nhưng không không được. Sau đó, ông để hạt mọc nảy mầm tự nhiên dưới gốc cây, hễ cây non nào mới lên là ông bứng cả gốc ươm bầu. Khi cây cao tầm 15 cm ông đem ra vườn trồng.
Một điều lạ là trong số ít cây gù hương hiện còn tại huyện Lục Yên, chỉ có cây gù hương của gia đình ông Nông Văn Trường ra hoa, cây khác có kích cỡ tương tự của gia đình ông Nông Văn Thu chưa bao giờ ra hoa.
Ông Trường cho biết, ông dự định ươm hạt gù hương để nhân giống ra diện tích đất rừng gần nhà. Loại gỗ này từ trước đến nay vẫn được ưa chuộng, không chỉ dùng để nấu tinh dầu mà làm đồ nội thất, làm nhà cũng rất tốt. Gỗ có tinh dầu nên bám mùi thơm rất lâu. Theo truyền thống trước đây, nếu làm nhà sàn thì mùi thơm trong gỗ có thể kéo dài được đến 30 năm. Độ bền ngang ngửa với gỗ pơ mu. Ông hy vọng, khoảng 30 năm nữa gia đình ông sẽ có một khu rừng gù hương độc nhất vô nhị trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Theo các chuyên gia thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), gỗ gù hương hay còn gọi là xá xị thuộc nhóm 2 và nằm trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Gỗ gù hương thích ứng được với mọi loại môi trường mà không hề bị nứt hay mối mọt. Mùi hương từ gỗ tiết ra vô cùng dễ chịu, mang lại cảm giác thư thái cho người sử dụng. Gù hương được xếp là một trong số ít những loại gỗ thơm nhất. Gỗ được người dân chưng cất lấy tinh dầu từ vỏ, thân cây dùng pha nước uống và làm thuốc bổ chữa bệnh cho con người. Một số nơi, người ta dùng tinh dầu gù hương để xoa bóp chữa thấp khớp, đau nhức. Vì vậy, hiện nay gỗ và tinh dầu gù hương có giá trị cao vì nó thuộc loại quý hiếm, chuyên dùng để làm tượng hoặc đồ mỹ nghệ, trang trí nội thất cao cấp, có nơi giá lên đến vài chục triệu đồng/m3. Gù hương ngày càng trở nên quý hiếm là do cây gù hương tái sinh tự nhiên rất kém và bị chặt phá nhiều, nên hiện nay các cá thể còn lại rất ít và rải rác. Hiện nay, cây gỗ gù hương có nguy cơ bị tận diệt do người dân đổ xô vào rừng đốn hạ và đào bật gốc một cách không thương tiếc.
Bình luận (0)