Thôn Kiều Trung vốn là một làng hoa có tiếng ở thành phố Hải Phòng. Từ nhiều đời nay, người dân nơi đây đã có cuộc sống ổn định nhờ ươm trồng đào, quất, hải đường, hoa đồng tiền, hoa mẫu đơn, hoa sứ, hoa giấy. Đặc biệt, một số hộ trồng hoa hồng leo giống cổ có thu nhập khá cao. Nổi bật trong số đó là chàng thanh niên Phạm Viết Toản.
[VIDEO] Kiếm tiền tỉ từ bán giống hồng cổ
|
Đưa chúng tôi ra vườn hoa hồng leo xanh tốt cao đến hơn 2 m, anh Toản chia sẻ: “Cách đây 2 năm, toàn bộ chỗ này tôi trồng đào cảnh. Thu nhập mỗi năm khoảng 80 triệu đồng. Đến cuối năm 2016, một người chú trong làng khuyên tôi chuyển qua trồng hoa hồng leo giống cổ. Tôi về mày mò tìm hiểu thị trường thấy hoa hồng cổ đang được ưa chuộng nên quyết tâm làm”.
Để gia đình chấp nhận bỏ đi 2 sào đào cảnh, anh Toản đã mất nhiều công sức thuyết phục. Cuối cùng anh được vợ “cấp” cho 25 triệu đồng để khởi nghiệp trồng hoa hồng từ đầu năm 2017.
Giống hồng leo cổ Hải Phòng vốn có sẵn trong thôn, anh Toản đến những người trồng hồng lâu năm mua giống, đồng thời học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh. Sau 6 tháng, từ những cây hồng mong manh chỉ cao hơn 20 cm, anh đã gây dựng thành công vườn hồng hơn 1.000 cây.
“Thông thường, người trồng sau khi chiết cây ra chậu sẽ chăm sóc tiếp khoảng 4 - 5 tháng cho cây lớn rồi bán với giá khoảng 300.000 đồng/chậu. Mình thì không làm như vậy mà sẽ trồng thật nhiều cây bố mẹ, sau đó chiết cành để bán cây giống. Mỗi cành hồng chiết mình bán giá thấp nhất là 25.000 đồng. Một tháng mình bán được ít nhất là 2.000 cành”, anh Toản vừa chia sẻ, vừa không ngừng các động tác thuần thục để chiết cành hồng.
Bằng một lưỡi dao nhỏ, anh tách vỏ của từng cành hồng. Bốn ngày nữa, anh sẽ dùng một loại hỗn hợp từ rễ bèo và bùn quấn vào chỗ cành đã tách vỏ rồi bọc kín bằng ni lông. Khoảng nửa tháng sau, cành chiết sẽ mọc rễ và có thể cắt khỏi cây mẹ, mang bán.
Để tiếp cận với thị trường, các trang mạng xã hội như facebook và zalo được anh Toản sử dụng rất hiệu quả. “Mình lập ra trang một trang dành cho những người yêu thích giống hồng leo cổ Hải Phòng, đến nay đã có hơn 3.000 thành viên và đang tăng thêm. Nhờ mạng xã hội, thị trường của mình mở rộng ra khắp mọi miền đất nước”, anh Toản cho biết.
Hằng ngày, anh Toản vừa chăm sóc vườn hồng vừa chụp ảnh, quay video đăng lên mạng xã hội để quảng cáo. “Mình đã lắp thêm hệ thống camera theo dõi trực tuyến. Ngoài chức năng giám sát an ninh và tình trạng của vườn, camera còn giúp mình trong việc tiếp thị. Cụ thể là khi đi gặp đối tác, mình sẽ mở điện thoại cho khách hàng tham quan vườn hồng qua camera trực tiếp. Nhờ công nghệ này mà mình đã ký được một số hợp đồng lớn”, anh Toản tự hào kể.
Ngoài mặt hàng chính là cành chiết, anh Toản còn đang ươm một loạt cây hồng leo thân to, tạo dáng thẳng. Anh Toản cho biết: “Số hồng này không để khai thác cành chiết mà dành bán thẳng cho các biệt thự, nhà vườn với giá khoảng 3 triệu/cây”.
Sau hơn một năm trồng hồng cổ, anh Toản đã có doanh thu khoảng 60 triệu đồng/tháng và có lẽ sẽ trở thành tỉ phú một ngày không xa. “Doanh thu của vườn hồng nhất định sẽ tăng cao hơn vì tôi vừa ký được thêm một số hợp đồng mới”, anh Toản vui mừng thông báo và cho biết khi đã ổn định xong vườn hồng bằng giống cổ Hải Phòng, anh sẽ trồng thêm các giống hồng cổ Sa Pa, Đà Lạt và mở rộng diện tích, số lượng cây.
Thành công của anh Toản được dân làng đánh giá rất cao. Trao đổi với chúng tôi, anh Đỗ Khắc Tiến, Bí thư Huyện đoàn An Dương, xác nhận: “Mô hình làm kinh tế của anh Toản là điển hình để đoàn viên, thanh niên trong huyện học tập”.
Còn ông Bùi Đức Chữ, Chủ tịch Hội nông dân xã Hồng Thái (huyện An Dương) thì cho biết: “Là người đi sau trong nghề trồng hồng, nhưng Toản không những bắt kịp mà còn về trước, nhờ phương pháp hiện đại trong việc tiếp cận thị trường. Cách làm của Toản đã mở ra một hướng mới cho nhiều người làm nghề nông tại xã chúng tôi đi theo”.
Bình luận (0)