Làm giàu từ kiểng lá

05/11/2013 13:06 GMT+7

Nhờ trồng kiểng lá, gia đình anh Đặng Văn Thanh (36 tuổi, ngụ xã Long Thới, H.Chợ Lách, Bến Tre) trở nên giàu có, đồng thời giúp cho hàng trăm hộ nông dân trong xã có được việc làm ổn định.

Làm giàu từ kiểng lá
Anh Thanh đang chăm sóc kiểng lá - Ảnh: Giao Hòa

Nông dân thời @

Trong căn nhà nhỏ hai vợ chồng đang ở và cũng là nơi sơ chế, đóng gói các loại lá, anh Thanh trang bị đầy đủ máy tính nối mạng, máy in, máy chụp hình… để có thể xử lý nhanh các đơn hàng. Có ngày anh nhận đến 500 cuộc gọi của khách hàng, do vậy đi đâu anh cũng nhờ người em chở để rảnh tay nghe điện thoại.

Anh Thanh nói rằng nhờ lớn lên ở xứ sở hoa kiểng, người dân du nhập nhiều giống cây lạ, trong đó có các loại cây lấy lá để cắm hoa (kiểng lá)nên anh mới may mắn chọn được nghề này. Hiện nay, anh đang trồng và mua bán cả trăm loại lá khác nhau, như: cọ, nguyệt quế Thái, đinh lăng, cau vàng, trúc bách hợp, trúc đốm… Theo anh, tiêu chí hàng đầu để lựa chọn là lá phải mỏng manh, lả lướt, mềm mại, có hoa văn đẹp, nhiều màu sắc khác nhau, giữ tươi từ 10 ngày trở lên. Các loại lá của anh trồng được bán khắp nơi trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài thông qua một số đối tác.

Cũng theo lời anh Thanh, nhờ truyền thống trồng hoa kiểng lâu đời nên người dân Cái Mơn rất thành thạo kỹ thuật, từ khâu chăm sóc cho tới thu hoạch lá. Hơn nữa, đất nơi đây trồng được nhiều loại cây ăn trái với nguồn nước ngọt quanh năm, rất phù hợp để trồng xen kiểng lá dưới tán cây. Hầu hết các loại kiểng lá đều xanh tốt quanh năm, nên nông dân không cần phải đốn bỏ hay chuyển đổi cây trồng.

Làm chơi ăn thiệt

Từng trải qua nhiều nghề, từ nhân viên giới thiệu việc làm đến bán trái cây, rốt cuộc anh Thanh “đậu” lại với nghề kiểng lá. Anh tâm sự ban đầu anh khởi nghiệp chỉ với 5 triệu đồng, ai biết cũng lắc đầu ngao ngán. Mẹ anh không tin anh sẽ thành công bằng cái nghề “làm chơi” này vì anh đã từng thất bại nhiều lần trước đó. Khi anh chia sẻ ý tưởng làm ăn, nhiều anh em trong xã thì thầm với nhau “Thằng này chắc không… bình thường”. Dù không được mọi người ủng hộ, anh vẫn quyết tâm đeo đuổi ý định của mình.

Những ngày đầu mới bắt tay vào làm, anh đã trải qua không ít gian nan. Anh kể lần đầu tiên đi chào hàng ở một shop hoa lớn tại Q.10 (TP.HCM), vừa bước chân vào shop đã thấy choáng ngợp vì có quá nhiều loại hoa, nhưng lá để cắm chung thì chỉ có 3 loại. Khi anh giới thiệu quê mình có nhiều loại lá đẹp và muốn gửi lên bán thử, chị chủ shop tỏ vẻ nghi ngờ, nhưng cuối cùng cũng đồng ý. “Lúc gửi hàng đi, tôi ngồi nhà hồi hộp vì không biết kết quả thế nào. Tới khi khách hàng chịu lá, tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, anh Thanh tâm sự.

Mỗi ngày anh mua vào, bán ra thị trường hàng tấn lá cắm hoa các loại. Loại đắt tiền nhất là lá vĩ cầm từ 5.000 - 7.000 đồng/lá, trang Thái 3.000 - 4.000 đồng/lá, còn lại mỗi lá giá chỉ khoảng vài trăm đồng. Anh vừa thuê 2 ha đất tại xã Phước Thạnh (H.Châu Thành) để nhân rộng mô hình trồng kiểng lá. Anh khoe nghề này cả người trẻ lẫn người già đều có thể làm được. Cô Tư Cầu, một nông dân ngụ cùng ấp, cho biết lúc làm thuê cho anh Thanh, anh có gợi ý đem một số loại cây về trồng, nhưng cô không làm vì chưa hình dung được lợi nhuận từ kiểng lá. “Sau một thời gian, tui mới thấy kiểng lá mang lại hiệu quả cao. Giờ tui đang trồng khoảng 10.000 chậu trên 2 công đất, thu nhập mỗi tháng hơn 5 triệu đồng”, cô Tư Cầu nói.

Nhờ mô hình sản xuất và kinh doanh kiểng lá hiệu quả, anh Đặng Văn Thanh đã vinh dự là 1 trong 62 nông dân tiêu biểu của cả nước được Ban Tuyên giáo T.Ư và T.Ư Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013.

Khoa Chiến - Giao Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.