Làm giàu từ… ngựa

08/02/2014 09:48 GMT+7

Mới 33 tuổi, nhưng Chau Oanh Na đã từng là “nài” ngựa tranh giải ở trường đua Thú Thọ - Sài Gòn; từng sở hữu 5 con bạch mã quý, giá mỗi con lên đến hơn 50 triệu đồng... Còn bây giờ, anh làm tất cả các dịch vụ có liên quan đến ngựa: mua bán ngựa kéo xe, đóng móng ngựa, mua ngựa già, ngựa chết bán thịt và nấu cao xương ngựa.

Xe ngựa hiện tập trung nhiều nhất ở vùng Bảy Núi - An Giang - Thất Sơn

 

Chau Oanh Na - lái ngựa 33 tuổi khét tiếng vùng Bảy Núi - Thất Sơn

Ra nước ngoài… tu nghiệp

Không chỉ là thợ đóng móng ngựa duy nhất ở Bảy Núi, Chau Oanh Na (ngụ ấp Vĩnh Lập, xã Vĩnh Trung, H.Tịnh Biên, An Giang) còn là một lái ngựa nổi tiếng khắp vùng đồng bằng Nam bộ. Biết khách lạ đến nhà vì chuyện có liên quan đến... ngựa, Oanh Na nở nụ cười thật tươi và sau cái bắt tay rất chặt, chúng tôi được coi như...  người nhà. Đêm đó, anh bày tiệc rượu, mời những người đánh xe ngựa trong phum sóc đến chung vui cùng chúng tôi. Không khí sôi nổi chẳng kém gì đêm “He” (lễ dâng y) huyền diệu đang diễn ra ở chùa Vat - Tư và chùa Prrech - Phech, ngay bên cạnh.

Chau Oanh Na nói rằng từ nhỏ, anh đã có một tình yêu kỳ lạ với loài móng guốc tinh khôn này. Để được gần... ngựa, anh lên miền Đông Nam bộ xin làm “tài xế” đánh xe ngựa cho các khu du lịch. Nhưng mộng của anh là được làm một “kỵ sĩ” ngồi trên lưng tuấn mã phi nước đại cho thỏa chí. Thế nên Oanh Na quyết định trở về quê, sau đó sang Campuchia tập làm “nài ngựa” thực thụ. Sau nhiều nỗ lực tập luyện, Oanh Na đã trở về Việt nam, chễm chệ ngồi trên lưng con bạch mã thi tài tại trường đua Phú Thọ. Những tấm ảnh chụp lúc đứng trên bục vinh quang nhận giải thưởng, với Oanh Na vẫn còn y nguyên vẻ thiêng liêng và hạnh phúc, cho tới bây giờ.

Nhưng những phút vinh quang rồi cũng mau chóng trôi qua. Anh trở lại quê nhà, tiếp tục cuộc mưu sinh cùng với những con “tuấn mã” đồng hành. Bao nhiêu tiền bạc tích cóp được trong những năm lăn lộn giữa chợ đời, anh dùng làm vốn đi “săn” ngựa về nuôi, đóng thêm chiếc xe đi kéo hàng mướn. Một thời xe ngựa thồ vùng Bảy Núi còn sung túc, trong chuồng ngựa nhà Oanh Na luôn có 4, 5 con. “Mà toàn ngựa đẹp, ngựa khoẻ, kéo xe là số dzách. Hết thảy ngựa kéo xe ở Bảy Núi đều do Oanh Na cung cấp” - anh Chau Gia, một người đánh xe ngựa chở hàng ở xã Vĩnh Trung, góp chuyện.

Rồi Oanh Na kể: “Khi có người đặt hàng tìm ngựa kéo xe, mình phải sang Campuchia về tận các vùng quê như Kompong Cham để “săn” ngựa. Hồi trước, ngựa bên đó nhiều như nuôi bò ở bên mình. Đi nửa ngày, mua được cả xe tải. Đem về mình phải nuôi cho ngựa mập, khoẻ mạnh mới bán cho bà con. Mần ăn thì phải có lời, nhưng ngựa nào kéo xe được mình mới bán, con nào không được mình nói không được. Để mình nuôi thôi. Cái nhà này cất hồi năm 1999, nhiều tiền lắm. Hồi trước ba mình bệnh, nằm bệnh viện tốn hơn trăm triệu, cũng từ tiền mua bán ngựa đó thôi”.

Sở hữu nhiều ngựa “độc”

Tuy trẻ tuổi nhưng kinh nghiệm, tiếng tăm trong nghề nuôi và mua bán ngựa của Chau Oanh Na được người dân trong vùng nể lắm. Anh không ngại tốn kém và nhọc nhằn, đi khắp nơi trên đất nước Chùa Tháp “săn” cho bằng được những con ngựa “độc”. Trong hơn chục năm làm nghề lái ngựa, Chau Oanh Na đã sở hữu đến 5 con “bạch mã” đẹp đến mê đắm những người từng diện kiến nó. “Nó trắng từ đầu tới móng chân, mi, mắt, miệng, mũi, bờm, đuôi và cả… “chim” cũng trắng. Bạch mã là ngựa rất quý hiếm; hàng trăm, hàng ngàn con mới có một con hoàn mỹ. Còn ngựa trắng thì nhiều vô kể, chỉ cần có một bộ phận nhỏ trên cơ thể không được trắng thì không được coi là bạch mã, vì bị lai”, Oanh Na nói.

Anh còn cho biết muốn “săn” được những con ngựa “độc” phải tốn nhiều công sức, thời gian và tiền bạc. Nhất là “đài” (ăng-ten) phải nhiều. Họ đi tới đâu, thấy có ngựa đẹp, a lô là anh tức tốc lên đường. Gặp là mua liền, cho dù đó là ngựa còn nhỏ, ngựa gầy, mà giá lại cao. Theo Oanh Na, mỗi con bạch mã anh mua từ xứ Chùa Tháp có giá đến hơn 20 triệu đồng. Đem về phải nuôi cho mập, cho khoẻ, lông mướt, ít nhất mất cả năm mới có thể bán được. Con bạch mã thứ năm mà Oanh Na vừa bán cách đây chừng 2 tháng có giá lên đến hơn 50 triệu đồng. Trong khi ngựa kéo xe trong vùng chỉ có giá trung bình 15 triệu đồng/con.

Không chỉ từng có những con bạch mã đẹp đến từng centimet, mà Chau Oanh Na còn sở hữu nhiều con ngựa vàng, ngựa ô (đen) độc đáo. Hiện anh đang nuôi con ngựa ô có vóc dáng đẹp nhất trong vùng. Dân kéo xe ngựa ở vùng Bảy Núi đều trầm trồ mỗi khi thấy con ngựa ô của Oanh Na… phi nước đại trên đường phố. “Con ngựa này khoẻ lắm. Cứ ra đường là nó ngẩng cao đầu chạy, không rề rà như những con ngựa kéo xe khác” - Chau Sôm Rôm, một “tài xế” xe ngựa, không tiếc lời khen ngợi.

Tâm huyết giữ ngựa

Những bậc cao niên ở Bảy Núi kể rằng những ngày đầu sau giải phóng, đường vào phum sóc sỏi đá lô nhô nên chiếc xe ngựa là phương tiện di chuyển tiện lợi nhất. Xe ngựa chở trái cây, gạo thóc, chở cây làm nhà, chở củi và chở hàng hoá từ chợ huyện ngược về phum sóc. Xe ngựa còn chở cả người đi chợ, từ sáng tới chiều nườm nượp, dập dìu. Rồi khi những con đường giao thông ở Bảy Núi được mở thông thương từ Tri Tôn  qua Tịnh Biên ra tận Châu Đốc, nhiều loại xe cộ khác cũng có mặt ở Bảy Núi, nhất là xe ba gác máy. Chính loại xe này đã “suýt” giết chết hết ngựa trong vùng. “Nhiều người ồ ạt bán ngựa vì không còn chở mướn được nữa. Rẻ, mắc gì cũng bán. Mình khuyên sao cũng không được. Bán thì mình mua, trong chuồng ngựa nhà mình khi đó lên đến cả chục con.  Cái chính là mình muốn giữ ngựa, lời lỗ không phải là điều quyết định nữa rồi”,  Oanh Na bộc bạch.

Rồi cách đây khoảng 6-7 năm, xe ngựa bắt đầu... hồi sinh, khi xe ba gác bị cấm lưu thông triệt để. Người Khmer Bảy Núi bắt đầu quay lại với con ngựa, với cỗ xe “độc mã” kéo hàng mướn trong vùng. Oanh Na một lần nữa thắng lớn. Nhưng điều đó không làm anh sung sướng bằng sự hiện diện đông đúc của những con ngựa trên cung đường phố núi mỗi ngày.

Bây giờ, tình yêu say đắm đến lạ kỳ với ngựa vẫn tươi nguyên như thuở trước, trong anh. Cũng để “níu kéo” con ngựa ở lại cùng xứ núi, Oanh Na “buộc” mình phải trở thành anh thợ đóng móng ngựa thạo nghề. Rồi khi có người muốn bán, hay đổi ngựa già, lấy ngựa trẻ để kéo xe cũng tìm đến anh. Cả ngựa già, ngựa chết anh cũng mua, để giải quyết cái khó của khổ chủ, đem về xẻ thịt bán, xương dùng để nấu cao. “Mình sống bằng ngựa như một cái duyên, cái nghiệp. Còn ngựa kéo xe là dân mình sống khoẻ, có gạo ăn no cái bụng. Mỗi ngày, đánh xe ngựa chở hàng mướn kiếm ít nhất cũng cả trăm ngàn đồng/người, có khi trúng mánh cao gấp 3-4 lần. Bảy Núi sẽ còn reo vang tiếng vó ngựa trên đường, về sau này”, Oanh Na tự tin nói vậy.

Thất Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.