Làm giàu từ nuôi chim bồ câu

25/03/2013 10:15 GMT+7

Với nghề nuôi chim bồ câu lấy thịt, nhiều người dân ở Bình Dương đang làm giàu một cách chính đáng, thu lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Vợ chồng anh Trần Minh Dũng và chị Trương Thị Hải (khu phố Phú Hội, phường Vĩnh Phú, TX. Thuận An, Bình Dương) là một ví dụ điển hình. Trò chuyện với chúng tôi, anh Dũng cho biết nhờ nuôi chim bồ câu, mỗi năm gia đình anh đã thu lời trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, trang trại nhà anh Dũng còn là nơi học tập kinh nghiệm của nhiều người dân ở trong và ngoài tỉnh.

Trước đây, gia đình anh Dũng chỉ nuôi heo sữa, gà để cung cấp cho các nhà hàng trong khu vực. Cuối năm 2000, tình cờ nghe về nhu cầu thịt chim bồ câu tại các nhà hàng, anh Dũng đã quyết định đầu tư toàn bộ số tiền vay ngân hàng vào việc nuôi chim bồ câu. Được một người quen giới thiệu giống nuôi thành công, anh Dũng chia sẻ: “Từ 1.000 trứng chim bồ câu giống Pháp lai mua từ Thái Lan, mang đi ấp nhân tạo chỉ được 250 cặp chim bồ câu giống. Do còn yếu về kinh nghiệm chăm sóc nên chất lượng thịt của lứa bồ câu đầu tay không đạt yêu cầu”. Không nản lòng, vợ chồng anh Dũng tiếp tục học hỏi thêm kinh nghiệm, kể cả sang Thái Lan học tập mô hình và kỹ thuật. Sau hơn 10 năm chuyên tâm với nghề, đến nay vợ chồng anh Dũng đã có 3 trang trại với 3.800 cặp. Hai giống chim bồ câu thịt chính mà anh chị đang nuôi là chim bồ câu Pháp lai và Tytan. Ngoài ra anh Dũng còn nuôi thêm giống chim bồ câu gà Mỹ để bán cho những người có thú vui chơi chim cảnh.

Làm giàu từ nuôi chim bồ câu
Chị Hải bên chuồng chim bồ câu của gia đình - Ảnh: Huy Anh

Nắm rõ kỹ thuật là được

Đưa chúng tôi đi thăm quan trang trại của gia đình, anh Dũng cho biết khi nuôi lứa chim bồ câu đầu tiên, do không có kinh nghiệm về chọn giống, kỹ thuật nuôi nên khi bán ra thị trường bị khách hàng…. chê. Chất lượng thịt không đạt yêu cầu, từ đó anh mới quyết tâm khắc phục. Anh Dũng chia sẻ: “Nuôi chim bồ câu thịt không khó, không tốn nhiều công chăm sóc cũng như thức ăn, vốn thu hồi nhanh, thế nhưng cần phải nắm rõ kỹ thuật”. Thành phần thức ăn chính của chim là bắp, gạo, đậu xanh và 20% cám. Tính chi phí thức ăn cho 100 cặp chim hết khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Chuồng trại nuôi chim bồ câu thịt cần thông thoáng, đủ ánh sáng, có mái che, có ổ cho chim mái đẻ trứng. Một cách làm giúp giảm công thu dọn chuồng trại mà đảm bảo vệ sinh là: “Lót một tấm lưới dưới đáy lồng để thấm nước uống hay nước trong chất thải của chim trước khi rơi vãi xuống sàn. Như vậy, trong lồng luôn đảm bảo khô thoáng, không có mùi hôi”- chị Hải cho biết.

Theo anh Dũng, khó khăn lớn nhất để nuôi chim bồ câu thịt đối với một hộ gia đình đó là tiền vốn. Giống cho một cặp chim bồ câu giống là 250.000 đồng/cặp. Chuồng trại nuôi khoảng 100 cặp chim bồ câu, cần diện tích khoảng 10m2. Nếu tính cả chi phí đầu tư chuồng trại, giống, chi phí thức ăn thì cần khoảng 40 triệu đồng ban đầu. Tuy nhiên, chim bồ câu thịt từ khi ấp đến khi bán chỉ mất 35 ngày với giá bán từ 110.000 -140.000 đồng/cặp. Như vậy, tiền vốn được thu về nhanh, ít bị rủi ro.

Sau khi nuôi thành công giống bồ câu Pháp lai, vợ chồng anh Dũng không ngần ngại hỗ trợ người dân trong vùng về kỹ thuật, con giống. Hiện nay, gia đình anh Dũng đã hỗ trợ bà con trong vùng nuôi được 5.200 cặp bồ câu giống và thịt. Nhiều người dân ở các tỉnh khác cũng đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi loại bồ câu đang có giá trị kinh tế cao này.

Huy Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.