Làm giàu từ thanh trà ngọt

Nam Long
Nam Long
20/02/2022 08:19 GMT+7

Sau gần 5 năm nghiên cứu, sưu tầm để tuyển giống thanh trà ngọt có thể phát triển tốt trên đất cằn cỗi ở địa phương, ông Năm Cập đã nhân giống, giúp người dân phát triển giống cây đặc hữu này.

Ra đời giống thanh trà ngọt

Để không lẫn lộn với giống thanh trà ngọt khác, ông Huỳnh Văn Cập (57 tuổi), Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX thanh trà ngọt Đông Thành, TX.Bình Minh, Vĩnh Long) đặt tên cho cây giống này là thanh trà ngọt Năm Cập.

Ông Năm Cập bên cây thanh trà ngọt 10 năm tuổi đang cho trái của mình

XUÂN PHÚC

Ông Cập chỉ cho PV Thanh Niên những trái chín sắp được thu hoạch

XUÂN PHÚC

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Cập cho biết, ông xuất thân từ nhân viên kế toán. Gần 15 năm trước, ông vừa đi làm vừa canh tác hơn 17 công vườn nhà, chủ yếu trồng bưởi và thanh trà…và nhận thấy tiềm năng của cây thanh trà, đặc biệt là thanh trà ngọt nên quyết tâm ‘lên rừng, xuống núi’ sưu tầm thanh trà ngọt ở khắp nơi về trồng thử nghiệm. Với đam mê và quyết tâm tìm một giống cây đặc hữu mang lại kinh tế cao của quê hương nên ông nghỉ hẳn ở nhà nghiên cứu về cây thanh trà ngọt.

“Cây thanh trà ở đây người ta trồng lâu lắm rồi, nhưng thanh trà ngọt thì ít, chỉ chiếm khoảng 10%, bởi năng suất không đạt hay bỏ mùa (một năm cây không ra quả - PV) có khi bỏ đến 2 - 3 mùa. Ở đây chủ yếu là trồng thanh trà chua, nhưng thanh trà chua thì thị trường không ưa chuộng lắm. Thời điểm đó, vườn bưởi nhà cũng già cỗi nên tôi đi sưu tầm thanh trà ngọt về trồng xen, lấy ngắn nuôi dài”, ông Cập kể lại.

Ông Cập cho biết, cây thanh trà ngọt nhiều loại lắm, trồng khoảng 3 năm mới cho trái nên mất rất nhiều thời gian để chọn được giống thanh trà ngọt như ngày nay. Tìm được giống tốt ông bắt đầu chiết cành nhân giống trồng hết 40 công vườn nhà. “Tôi mất nhiều năm đi khắp nơi tìm mua về nghiên cứu trồng thử nghiệm rất nhiều giống. Đến khoảng năm 2012 phát hiện giống thanh trà ngọt này phát triển rất tốt, kể cả đất cây cằn cỗi. Đặc biệt là cây rất ít sâu bệnh, hầu như trong giai đoạn đậu trái đến chín không cần sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Chỉ xịt sơ lúc trổ bông để tránh sâu ăn bông rồi lúc trái ửng vàng là treo bẫy dính ruồi vàng thôi’, ông Cập cho biết thêm.

Để có được giống thanh trà ngọt trĩu quả này, ông Cập đã bỏ rất nhiều năm đi sưu tầm cây giống khắp nơi.

XUÂN PHÚC

Quả thanh trà ngọt của ông Cập to hơn các loại thanh trà ngọt khác

XUÂN PHÚC

Giống thanh trà ngọt do ông Năm Cập sản xuất có nguồn gốc trên vùng núi Hà Tiên, được người dân ở đây gọi là ‘xoài rừng’. Giống này sau 3 năm bắt đầu cho khoảng 5 kg trái chiến, mỗi năm sau sản lượng tăng dần và đến khoảng 9 năm là có thể mỗi cây cho từ 50 - 70 kg trái. Đặc biệt, mỗi năm cho một vụ đều đặn chứ không bỏ vụ như các giống thanh trà ngọt khác. Trái to hơn, hạt nhỏ, cơm dày và thơm hơn các giống khác.

Thanh trà ngọt Năm Cập sắp vào siêu thị

Sau khi nhân giống thành công, ông bắt đầu chia sẻ với người dân trong vùng trồng, có thể thay thế cho những vườn bưởi cằn cỗi kém hiệu quả ở địa phương. Ông đã đăng ký và được Sở NN-PTNT Vĩnh Long chứng nhận vườn cây đầu dòng và cây giống thanh trà ngọt đầu dòng với sản lượng 90.000 cây giống/năm.

Ông Cập bên vườn cây giống thanh trà ngọt Năm Cập

XUÂN PHÚC

Cây giống thanh trà ngọt Năm Cập phát triển tốt trên đất trồng bưởi kém hiệu quả

XUÂN PHÚC

“Giống thanh trà ngọt này dễ trồng nhưng chiết cành rất khó, đòi hỏi nhiều kỹ thuật vì tỷ lệ đạt thấp, chỉ 40-50% sống. Ngược lại, lúc trồng thì dễ sống và dễ chăm sóc. Trung bình mỗi công trồng được từ 10 -12 cây, với cây khoảng 9 năm tuổi cho thu hoạch từ 50 - 70 kg. Với giá hiện tại 120.000 đồng/kg. Trừ đi chi phí, trung bình mỗi công trồng thanh trà Năm Cập cho lợi nhuận hơn 70 triệu đồng. Giá nó luôn ổn định, bởi hiện tại loại ngọt này có rất ít, có trái bao nhiêu là bán sạch”, ông Cập phấn khởi nói

Sau khi thành công nhân rộng giống thanh trà ngọt năng suất cao này, ông Cập đang hướng đến đưa trái thanh trà Năm Cập vào siêu thị và hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài. Bởi trái thanh trà chính có màu vàng cam rất đẹp, mùi thơm, vị ngọt và có nhiều chất dinh dưỡng. Ông Cập đã gửi mẫu trái thanh trà ngọt của mình đến Viện Cây ăn quả miền Nam để phân tích. Kết quả tỷ lệ đồng đều trái đạt 98%, trung bình mỗi quả nặng 55 gram, tỷ lệ thịt đạt đến trên 70% và hàm lượng vitamin C của quả đạt gần 25 gram/100 ml…

Bảng phân tích quả thanh trà của ông Cập

XUÂN PHÚC

Ông Cập so sánh kích thước các loại quả thanh trà ngọt hiện có trên thị trường

XUÂN PHÚC

Để đưa trái thanh trà ngọt Năm Cập ‘bay’ xa hơn, ông Cập đã thành lập HTX thanh trà ngọt Đông Thành - Bình Minh với 12 thành viên. Hiện ông đang sản xuất giống thanh trà ngọt Năm Cập bán ra thị trường với giá 130.000 đồng/cây. Nhằm mở rộng diện tích giống thanh trà ngọt năng suất cao này.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hoàng Chương, Chủ tịch UBND xã Đông Thành, TX.Bình Minh cho biết, HTX thanh trà ngọt Đông Thành - Bình Minh mới thành lập từ tháng 6.2021. Hiện HTX đang đi vào hoạt động, phát triển và mở rộng diện tích thanh trà ngọt, giống cây của ông Cập cho trái lớn, không bỏ vụ và có năng suất cao.

“Giống cây này đã được đăng ký cây đầu dòng, hiện Sở NN-PTNT đang kiểm tra mẫu và đăng ký sản phẩm OCOP để vào được siêu thị. Giống này trồng đạt hiệu quả lắm, không sợ rớt giá, lúc nào cũng trên 100.000 đồng/kg và đặc biệt không bỏ vụ, năm nào cũng đậu trái, mưa gió gì cũng đậu hết. Nhằm tăng diện tích loại cây có hiệu quả cao này, trước mắt sẽ vận những vườn trồng bưởi kém hiệu quả trồng xen vào, sau khi khi cây thanh trà lớn cho trái sẽ thay thế bưởi. Trước mắt để đưa vào siêu thị trước rồi sau đó mới hướng xa hơn”, ông Chương cho biết thêm.

Cây thanh trà ngọt của ông Cập cho năng suất cao hơn các giống thanh trà ngọt khác

XUÂN PHÚC

Năm nay tuy ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng giá thanh trà ngọt của ông vẫn giữ giá 120.000 đồng/kg bằng với những năm trước.

XUÂN PHÚC

Toàn xã Đông Thành có khoảng 17 ha trồng thanh trà, trong đó có khoảng 5 ha trồng chuyên thanh trà ngọt. Hiện tại đang vào mùa thanh trà, thanh trà chua chỉ dao động từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg. Quả thanh trà ngọt Năm Cập, đang có giá 120.000 đồng/kg, nhưng đang được rất nhiều thương lái đặt hàng, chỉ cần ông báo có quả chín họ sẽ đến tận vườn thu mua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.