Làm giỏi nhưng bằng giả vẫn bị đuổi !

12/11/2014 05:10 GMT+7

Giữa hai ứng viên: một người có bằng tốt nghiệp loại giỏi nhưng “học giả” và một người có bằng loại khá - “học thật”, doanh nghiệp sẽ chọn ai?...

>> Nhiều bằng cấp chưa chắc đã tốt
>> Xu thế đánh giá theo năng lực

 SV dự buổi đối thoại bày tỏ sự ủng hộ lối sống trung thực - Ảnh: Như Lịch
SV dự buổi đối thoại bày tỏ sự ủng hộ lối sống trung thực - Ảnh: Như Lịch

Đó là một trong số vấn đề nổi bật được bàn thảo trong buổi đối thoại “Sinh viên trung thực - doanh nghiệp nói gì?”, do CLB FACE (Vì một nền giáo dục sạch) tổ chức vào ngày 8.11 tại Trường ĐH Hoa Sen TP.HCM.

Bằng cấp chỉ là điều kiện cần

 

Bằng cấp là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ để tuyển dụng. Bằng giỏi không đảm bảo bạn sẽ nhận được việc, nếu bạn thiếu những kỹ năng cần thiết

Trần Thị Ngọc Nhung
Đại diện Công ty Prudential VN

Bà Trần Thị Ngọc Nhung, đại diện Công ty Prudential VN, khẳng định: “Bằng cấp là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ để tuyển dụng. Bằng giỏi không đảm bảo bạn sẽ nhận được việc, nếu bạn thiếu những kỹ năng cần thiết”. Theo bà Nhung, ngành tài chính kinh doanh dựa trên chữ tín, vì vậy lòng tin tưởng và sự liêm chính rất quan trọng. Công ty này từng hủy hợp đồng lao động và đưa vào danh sách đen một trường hợp nhân viên có bằng giả, dù người này bán hàng đạt doanh số cao.

Đề cập đến quy trình tuyển dụng, bà Phạm Thị Xuân Nguyệt, Giám đốc nhân sự Công ty CSC VN, cho biết: Sau khi sinh viên (SV) nộp hồ sơ, công ty yêu cầu làm bài kiểm tra và tiến hành phỏng vấn. Lúc này, người học thật hay học giả sẽ có dịp lộ diện. “Nếu ứng viên sao chép kiến thức của người khác đưa vào hồ sơ của mình, công ty sẽ phát hiện và đánh rớt. Thà như các bạn cứ thành thật là công nghệ đó em chưa biết, nhưng em tin mình sẽ học hỏi và tiếp cận được, còn hơn nói quanh co”, bà Xuân Nguyệt nhắn nhủ.

Cùng ý kiến trên, bà Phan Thị Thu Hương, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Schaeffler VN, lưu ý: “Bạn là SV mới ra trường, có thể chưa giỏi và chưa có kinh nghiệm. Công ty sẽ kiểm tra, không chỉ phỏng vấn mà có những cách khác như cho thảo luận nhóm và gắn camera theo dõi. Trong một khoảng thời gian ngắn buộc phải đưa ra giải pháp, các ứng viên sẽ bộc lộ bản chất của mình, qua đó doanh nghiệp có sự đánh giá chính xác hơn. Điều quan trọng không phải là kết quả nữa mà là sự tương tác với những thành viên khác”. Bà Thu Hương nhận xét: Kết quả học tập ở trường ĐH chỉ chiếm khoảng 30% trong đánh giá tuyển dụng. Có những cái nhà trường đào tạo ra, doanh nghiệp phải đào tạo lại. Trong khi đó, doanh nghiệp trân trọng sự trung thực và các giá trị, kỹ năng khác của người lao động.

Lý thuyết màu hồng, cuộc đời màu xám

“Cô ơi! Người ta quảng cáo rất ngon về gói mì tôm, nhưng sao không có con tôm trong đó?”, người dẫn chương trình - cô Tô Nhi A đã nêu nhiều câu hỏi “hóc búa” tương tự do SV đặt ra.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Trưởng bộ phận tuyển dụng và đào tạo Công ty cổ phần Acecook VN, nhìn nhận: “Các quảng cáo thường có cái gì đó hơi không trung thực, để làm người ta chú ý và nhớ đến nó”. Ông Hưng nói thêm: “Cuộc sống thà đen hoặc trắng chứ màu xám thì thật khó lường. Những người không trung thực thành công hơn những người trung thực đang đầy rẫy ở ngoài xã hội. Lý thuyết là màu hồng nhưng cây đời - cuộc sống màu xám lắm và đầy cám dỗ. Tuy nhiên, bạn phải làm gương và phải sống thật với mình và đi tìm những người đồng đạo để gắn bó. Tôi từng trăn trở nhiều về vấn đề này và tôi tin có luật nhân quả”.

Nhật Ý, SV Trường ĐH Luật TP.HCM, tâm tư: “Trong xã hội vẫn còn nhiều người không trung thực, sẵn sàng làm tất cả để đạt được mục đích. Nếu lãnh đạo cấp cao không dựa trên sự trung thực thì những người trung thực rất dễ bị đì. Có cơ chế nào bảo vệ người trung thực?”.

Ông Nguyễn Thành Hưng phản hồi: “Tại sao chỉ có một sự lựa chọn duy nhất? Mình thấy sống trong môi trường đó, mình bị thiệt với giá trị trung thực thì phải tìm môi trường khác phù hợp”. 

100% tự lừa dối bản thân

Đánh giá sự trung thực của 3.000 ứng viên, Công ty proSelf đưa ra kết quả đáng suy ngẫm: 100% tự lừa dối bản thân (cả cố ý lẫn vô ý), 98% cố ý không trung thực với người khác. 2% vô ý lừa dối người khác chấp nhận đào tạo để trở thành người trung thực thì sau đào tạo, có 80% trở nên trung thực (còn 20% bảo thủ, chuyển sang cố ý lừa dối).

Ý KIẾN

Chưa hài lòng

Tôi cũng thắc mắc tại sao doanh nghiệp không cảm hóa những người không trung thực nhưng có năng lực, mang lại kết quả tốt mà lại đuổi họ ngay khi phát hiện họ không trung thực?

Nguyễn Minh Trí,
SV Trường ĐH Văn hóa TP.HCM

Muốn doanh nghiệp bảo vệ người trung thực

Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp có những tiêu chí rõ ràng, không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn bảo vệ người trung thực nữa. Bản thân tôi trước đây có đôi lúc sống không trung thực, có quay cóp nhưng bây giờ đang cố gắng sửa, tự rèn luyện mình mỗi ngày khi tham gia tổ chức những sự kiện như thế này.

Hoàng Thị Minh Trang,
SV Trường ĐH Hoa Sen

Chọn lối đi khác

Một lần làm triển lãm, tôi đi taxi hết 104.000 đồng. Tôi nhờ tài xế viết hóa đơn đúng với số tiền đó, nhưng anh ấy bảo tôi sao không kê khống lên, bởi đã có SV đi hết 100.000 đồng nhưng kê lên 350.000 đồng?... Ngoài đời quả là đầy rẫy những chuyện gian dối như vậy. Nhưng chúng tôi cố gắng chọn lối đi khác cho mình.

Đinh Ngọc Minh,
Trưởng nhóm CLB FACE

Như Lịch

>> Quên đi bằng cấp nhiều, điểm số cao
>> Khởi tố đường dây làm bằng giả cho giáo viên
>> Phát huy năng lực tự học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.