Làm 'heo sạch' cũng không dễ

20/12/2015 06:20 GMT+7

Báo Thanh Niên vừa có bài viết với tiêu đề lạ Giải cứu heo sạch . Thoạt nghe, cứ tưởng chuyện trinh thám hay hình sự.

Báo Thanh Niên vừa có bài viết với tiêu đề lạ Giải cứu heo sạch. Thoạt nghe, cứ tưởng chuyện trinh thám hay hình sự.

Đọc xong, mới hay là việc tìm lối thoát cho những người nuôi heo sạch theo tiêu chuẩn Vietgap. Rõ khổ, để được làm heo sạch cũng không dễ. Nuôi đã khó, tiêu thụ càng khó.
Bí đầu ra thì việc duy trì đàn heo Vietgap là không tưởng.
Trước vấn nạn thịt heo bẩn tràn ngập thị trường, bủa vây người tiêu dùng; nhà nước đã có những cố gắng tháo gỡ. Đồng Nai, trọng điểm chăn nuôi, điểm đen của thịt heo bẩn đã tiên phong tuyên chiến. Từ năm 2010, Sở NN-PTNT đã triển khai dự án “Xây dựng thực hành chăn nuôi tốt” (Vietgap) để cung cấp thịt heo sạch cho thị trường. Đề án được các hộ chăn nuôi hưởng ứng tích cực, dù chăn nuôi theo tiêu chuẩn Vietgap khó gấp mấy lần. Từ vệ sinh chuồng trại, vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm đều tốn kém nhiều chi phí và thời gian. Phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định sử dụng vắc xin và ghi nhật ký chăn nuôi. Tuyệt đối không dùng thực phẩm tăng trọng, các chất kích thích và chất cấm để vỗ béo heo.
Gian nan là vậy nhưng heo sạch thành phẩm lại chịu số phận hẩm hiu. Do nhà nước không lo được đầu ra nên bị thương lái chèn ép, thu mua như heo thường rồi đem bán trà trộn với heo bẩn. Người chăn nuôi chân chính lỗ vốn, bỏ cuộc. Không ít người đành “giả điếc làm ngơ”, miễn cưỡng gia nhập đội quân nuôi heo bẩn, dù lương tâm áy náy. Dự án ngày càng teo tóp, kéo theo việc thua lỗ của dây chuyền giết mổ heo, gà sạch (Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai). Với công suất giết mổ 100 con heo và 2.000 con gà mỗi giờ, dây chuyền chỉ hoạt động cầm chừng và đóng cửa do không thể cạnh tranh với thị trường bát nháo vì lượng giết mổ càng ít thì giá thành càng cao.
Ở VN, làm cán bộ liêm chính, làm người tốt đều rất khó. Nhưng không phải không thể. Trong tình hình rối ren và có phần tuyệt vọng, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã xuất hiện cứu tinh. Để tiếp sức cho người chăn nuôi heo Vietgap, giải cứu heo sạch; hiệp hội đã ráo riết lập kênh tiêu thụ giúp người chăn nuôi. Trước mắt là tổ chức ngay 7 điểm tiêu thụ heo sạch tại Biên Hòa (5 điểm), Trảng Bom và Gia Kiệm (mỗi nơi 1 điểm). Hiệp hội đã khẩn trương trình và UBND tỉnh lập tức đồng ý hỗ trợ pháp lý, chỉ đạo các ngành tham gia. Đồng Nai hiện có 3 vùng chăn nuôi heo tiêu chuẩn Vietgap tại Thống Nhất, Xuân Lộc và Long Khánh với 52 nhóm, 1.042 hộ tham gia, nhưng chỉ mới có 475 hộ đạt chuẩn. Con số quá khiêm tốn và như muối bỏ biển giữa điệp trùng heo bẩn.
Hoan hô Hiệp hội Chăn nuôi, Sở NN-PTNT và UBND tỉnh Đồng Nai đã tiên phong đột phá mở đường sống cho heo sạch. Đồng Nai làm được, hà cớ gì các tỉnh thành khác không thể. Tết đã gần kề, lượng tiêu thụ heo sạch càng gia tăng, heo bẩn càng tìm cách trà trộn để trục lợi, bất chấp hậu quả khôn lường về sức khỏe giống nòi. Từ bài học Đồng Nai, Bộ NN-PTNT, các hiệp hội ngành nghề cần phối hợp chính quyền địa phương mở đợt tổng tấn công truy quét thực phẩm bẩn. Cách chống hiệu quả nhất là xây dựng và phát triển vùng trồng trọt và chăn nuôi Vietgap.
Tôi tin là không nông dân và người chăn nuôi nào muốn ở ác nếu được tạo điều kiện sống tốt. Càng không có người tiêu dùng nào muốn đùa giỡn với sức khỏe, tiếp tay bệnh tật hủy hoại giống nòi. Từ rau củ, trái cây cho đến các loại thịt cá. Giá có thể đắt hơn nhưng đảm bảo an toàn thì sản lượng bao nhiêu cũng tiêu thụ hết. Nếu sản xuất đại trà thì giá sẽ ngày càng hạ. Vấn đề là nông dân và người chăn nuôi luôn được hỗ trợ thiết thực và giám sát chặt chẽ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.