Bộ GTVT đang lấy ý kiến về dự thảo quyết định với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa, sửa đổi Quyết định 3282.
Không còn giá vé 0 đồng ?
Trong văn bản góp ý gửi lên Bộ GTVT ngày 23.3, Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA) đề nghị bên cạnh giá trần cần áp dụng giá sàn cho hạng vé phổ thông nội địa. Lý do, theo hãng này là sự phát triển nóng của các hãng trong vài năm trở lại đây gây sức ép lên cơ sở hạ tầng, nhà ga, sân bay. Từ năm 2014 - 2016, mức tải cung ứng trên các đường bay nội địa tăng hơn 30%/năm và các hãng hàng không VN liên tục phải giảm giá vé (có khi bán thấp hơn giá thành) và sẽ tiếp tục giảm để hút khách.
|
Tuy nhiên, một hãng hàng không giá rẻ khác là Vietjet Air (VJA) lại kiến nghị không áp dụng giá sàn. Theo hãng này, với số khách nội địa khoảng 10 triệu lượt/năm, trong khi dân số VN hơn 90 triệu người, vẫn còn 90% dân số chưa được tiếp cận với dịch vụ hàng không do giá vé còn cao so với thu nhập. Việc quy định giá sàn dịch vụ sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá dịch vụ của các hãng trên đường bay nội địa, hạn chế cơ hội tiếp cận hàng không của 80 triệu dân. Đặc biệt, theo VJA, thị trường hàng không nội địa có sự tham gia của các hãng hàng không tư nhân giá rẻ với tỷ trọng ngày càng gia tăng, việc quy định giá sàn sẽ hạn chế cơ hội cạnh tranh của các hãng giá rẻ qua việc giảm giá thành dịch vụ, làm méo mó thị trường. Chưa kể, việc quy định cũng khó khả thi do mỗi hãng có cách tính khác nhau như tính trên đơn vị ghế/km, tính trên hiệu quả chuyến bay, đường bay, chủng loại máy bay khác nhau...
Đáng chú ý, JPA và VJA cũng là 2 hãng hàng không liên tục tung ra các đợt khuyến mãi giá siêu rẻ, thậm chí là 0 đồng. Nếu giá sàn được thiết lập, khách hàng, đặc biệt những người thu nhập thấp, sẽ không còn cơ hội được tiếp cận với giá vé máy bay siêu rẻ “trong mơ” nữa, nhất là trong bối cảnh phụ phí sân bay tăng.
Phụ phí sân bay đắt đỏ
Chị Đ.N.M (Hà Nội) đặt vé Hà Nội - Đà Nẵng vào tháng 8.2017, dù đã canh khuyến mãi để chọn mức vé khá rẻ, nhưng vẫn sốc với mức giá cuối cùng phải thanh toán, do phụ phí quá cao. Cụ thể, với giá vé 1 chiều chỉ 480.000 đồng, chị đã mất thêm 220.000 đồng tiền phí và 62.000 đồng thuế sân bay cho mỗi vé, tổng cộng 282.000 đồng thuế, phí, bằng 2/3 giá vé máy bay đã đặt.
Nếu theo cách tính giá sàn như đề xuất của JPA, giá sàn cho đường bay 500 - 850 km là 800.000 đồng/chiều, thì chị M. và nhiều hành khách khác sẽ không còn được mua vé Hà Nội - Đà Nẵng với mức giá rẻ 400.000 - 500.000 đồng/vé nữa. Với mức sàn này, giá vé 1 chiều Hà Nội - Đà Nẵng của tất cả các hãng tối thiểu sẽ là 1,1 triệu đồng/chiều gồm phụ phí.
Đáng nói, phụ phí sân bay có thể còn tiếp tục tăng, khi Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV) liên tục đề xuất Bộ GTVT điều chỉnh, cơ cấu lại giá dịch vụ hàng không nội địa, như tăng giá phục vụ hành khách từ 10.000 - 30.000 đồng, điều chỉnh tăng 15% giá hạ cất cánh quốc nội, giá đảm bảo an ninh hàng không tăng 5.000 đồng/khách trong nước, tăng 0,5 USD/khách quốc tế... Mức tăng giá này có thể không quá lớn, nhưng khó khiến khách hàng cảm thấy hài lòng khi phụ phí sân bay đang chiếm tới 1/3, thậm chí 2/3 giá vé máy bay như hiện nay.
Trước đó, Vietnam Airlines cho biết từ 1.4 hãng này tăng giá vé hạng phổ thông từ 40.000 - 300.000 đồng/chặng, từ 100.000 - 500.000 đồng/chặng với hạng thương gia. VJA cũng tăng phí dịch vụ hệ thống từ 100.000 lên 140.000 đồng/chặng bay nội địa và 120.000 lên 160.000 đồng/chặng quốc tế, đồng thời điều chỉnh phụ thu dịch vụ. JPA cũng tăng phí quản lý hệ thống từ 100.000 lên 130.000 đồng/chặng.
Sai luật Giá
Theo TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá, Bộ Tài chính, có 2 hình thức hiện nay: Một là nhà nước quản lý giá trực tiếp, hai là để thị trường định giá. Nhà nước chỉ quản lý khi có doanh nghiệp (DN) độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường, khi đó nhà nước sẽ định giá trần hoặc giá sàn. Nếu sản phẩm độc quyền thuần túy thì nhà nước định giá như giá điện, nếu DN độc quyền nhóm, chiếm vị trí thống lĩnh thị trường thì nhà nước định giá trần hoặc giá sàn. Giá trần được định với trường hợp DN bán giữ vị trí thống lĩnh, để không vượt ngưỡng gây hại cho người tiêu dùng. Giá sàn được định khi DN mua giữ vị trí thống lĩnh (có rất nhiều người bán nhưng chỉ có một vài người mua), để tránh DN mua định giá quá thấp.
Trong trường hợp với ngành hàng không, hiện nhà nước quy định giá trần với đường bay nội địa, tương tự như mức giá cơ sở của thị trường xăng dầu, điều này cũng đã được thể hiện trong luật Giá. “Thị trường hàng không nội địa hiện có 4 DN, đây là các DN bán dịch vụ bay, theo luật Giá chỉ quy định giá trần để tránh tăng vượt mức, nếu quy định giá sàn là không đúng luật. Vô hình trung tạo rào cản, thui chột cạnh tranh, khiến các hãng không còn đua cạnh tranh giảm giá. Việc đề xuất sửa quy định, thêm giá sàn là duy ý chí, chủ quan trong quản lý, sai luật”, ông Long nhìn nhận.
Một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không thì cho rằng thị trường hàng không nội địa chỉ mới thực sự có sự cạnh tranh đúng nghĩa trong 3 - 4 năm trở lại đây. “Việc VJA đưa giá vé siêu rẻ đã hình thành cuộc đua ngầm về giá, đưa mặt bằng giá vé máy bay chỉ còn 50% so với trước kia. Khó có thể nói cuộc đua giá rẻ khiến các hãng giảm hiệu quả kinh doanh, vì dù bán với giá rất rẻ, VJA vẫn có lãi. Việc quy định giá sàn như JPA đề xuất là phi thị trường, phản cạnh tranh và bất công với người tiêu dùng”, chuyên gia này bày tỏ.
Lãnh đạo Cục Hàng không VN cho biết hiện ngành hàng không mới áp dụng giá trần để bảo vệ quyền lợi của hành khách. Cục đã nhận được ý kiến của các hãng về giá trần, giá sàn và sẽ xem xét, tính toán, cân nhắc cẩn thận.
AirAsia sắp lập liên doanh hàng không tại VN
Bloomberg dẫn thông báo từ Hãng hàng không giá rẻ AirAsia vào ngày 31.3 thông báo đang có kế hoạch liên doanh với một công ty bản địa để thành lập một hãng hàng không tại VN. Hãng cho biết sẽ kết hợp với Công ty TNHH Gumin, Công ty cổ phần hàng không Hải Âu và doanh nhân Trần Trọng Kiên để thành lập liên doanh. Công ty Hải Âu trực thuộc Tập đoàn Thiên Minh Group (TMG) của ông Kiên sẽ đóng vai trò nền tảng cho liên doanh này.
Dự kiến, liên doanh sẽ bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2018. Hãng hàng không mới này sẽ mở các đường bay nội địa giữa các thành phố của VN, cũng như kết nối VN với các nước khác trong khối ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Gumin sẽ nắm 70% vốn điều lệ, AirAsia nắm 30% còn lại.
Lê Hà
|
Bình luận (0)