Làm khó thủy sản

15/06/2013 03:00 GMT+7

Ngành thủy sản đang gặp khó khăn, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, nhưng lại bị áp thêm thủ tục kiểm soát phiền phức khiến doanh nghiệp bức xúc.

Ngành thủy sản đang gặp khó khăn, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, nhưng lại bị áp thêm thủ tục kiểm soát phiền phức khiến doanh nghiệp bức xúc.

Trong khi hàng loạt thị trường lớn áp đặt các mức thuế và rào cản kỹ thuật thì doanh nghiệp (DN) thủy sản VN còn gặp khó khăn do chính các quy định của cơ quan quản lý trong nước. Cụ thể là bị đánh giá kiểm soát điều kiện sản xuất, vừa phải thực hiện quy định kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu (XK) như một điều kiện để cấp Chứng thư XK.

Quy định này khiến DN tốn nhiều thời gian, chi phí, sức cạnh tranh giảm. Theo tính toán, toàn ngành thủy sản mỗi năm XK khoảng 1,2 triệu tấn, tương đương khoảng 60.000 lô hàng, khoảng 20% số lô hàng này (tỷ lệ lấy mẫu) phải chịu phí kiểm định. Tổng phí toàn ngành thủy sản XK phải chi trả cho hoạt động kiểm nghiệm là rất lớn. Nhưng bức xúc nhất của các DN là thời gian chờ đợi làm thủ tục kiểm định lên tới 7-10 ngày đối với mỗi lô hàng trước khi XK.

Làm khó thủy sản
Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang đối mặt nhiều khó khan - Ảnh: Q.T

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (VASEP), cho biết: “Hiện tại, Thái Lan không lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng XK như ta đang làm mà chỉ kiểm và xếp hạng điều kiện sản xuất, sau đó lấy mẫu thẩm tra 3 tháng/lần đối với các DN xếp loại 1 và 2 tháng/lần đối với các DN xếp loại 2. Cách kiểm nghiệm khoa học như vậy giúp DN nước này vừa chế biến xong là có thể XK ngay trong khi cách làm của VN khiến DN tăng thêm chi phí sản xuất và kéo dài thời gian chờ. Trong khi đó, nguyên nhân gây ra các cảnh báo cho thủy sản XK của VN tại thị trường EU hiện nay vẫn là ở khâu kiểm soát trong nuôi trồng thủy sản, bảo quản, vận chuyển chứ không phải do việc quản lý chất lượng ở khâu chế biến”.

Theo phản ảnh của nhiều DN, thị trường EU mặc dù rất khắt khe trong các quy định về an toàn thực phẩm nhưng không dựa trên việc lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng để cấp chứng thư. Thị trường này chỉ yêu cầu nhà chế biến phải nằm trong danh sách được phép nhập khẩu (NK) vào EU. Tùy thuộc vào bản chất của sản phẩm hoặc của loài thủy sản, nhà chế biến phải tự tiến hành các kiểm tra cảm quan, hóa học, vi sinh đối với sản phẩm của họ để đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành. Hiện nay, theo nguyên tắc của hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP của từng DN, tất cả các DN đều có kế hoạch tự lấy mẫu và kiểm tra định kỳ các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và lưu trữ hồ sơ để trình cho kiểm tra viên của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá khi xuống kiểm tra. Do vậy, việc Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản xuất khẩu (NAFIQAD) đang yêu cầu phải lấy mẫu lô hàng kiểm nghiệm như điều kiện để xem xét cấp Chứng thư cho lô hàng XK là không đúng, khắt khe hơn cả yêu cầu của EU.

Bên cạnh việc bắt buộc phải kiểm nghiệm lô hàng, dự thảo sửa đổi Thông tư số 55/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT còn quy định DN XK có quá 3 lô hàng cùng nhóm sản phẩm tương tự trong 6 tháng, bị cơ quan thẩm quyền nước NK cảnh báo về an toàn thực phẩm sẽ bị tạm ngừng XK vào các thị trường tương ứng. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP, nếu nước NK ra quyết định ngừng NK đối với DN vi phạm, DN đó sẽ phải chịu trách nhiệm là đương nhiên. Nhưng chỉ vì cảnh báo từ nước ngoài với nhiều lý do khác nhau mà DN bị tạm ngưng XK là quá nặng nề, không có cơ sở.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng nhìn nhận quy định này của Bộ NN-PTNT là “thắt chặt hơn mức cần thiết” và gây thêm khó khăn cho DN.

Đồng loạt sụt giảm

5 tháng đầu năm, thủy sản xuất sang 149 thị trường trên thế giới, kim ngạch ước đạt 2,28 tỉ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

DN nuôi và chế biến cá tra vẫn gặp khó khăn về nguồn vốn, nguồn nguyên liệu không ổn định, nhu cầu thị trường giảm và áp lực rào cản thuế quan. Với mặt hàng tôm thì chịu áp lực của rào cản thuế chống bán phá giá của Bộ Thương mại Mỹ (DOC). Ngoài ra, rào cản về dư lượng ethoxyquin tại Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục gây khó khăn. Cá ngừ từ tháng 3 đã có dấu hiệu đi xuống với tỷ lệ giảm 16% và tiếp tục giảm 16% trong tháng 5. XK mực, bạch tuộc giảm mạnh nhất, 25% với giá trị đạt 154 triệu USD. Các mặt hàng cá biển khác và sản phẩm cá biển như chả cá, surimi cũng sụt giảm.

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.