Làm lại cuộc đời: Bỏ cướp giật thành dân phòng

15/04/2014 03:00 GMT+7

Hoàn cảnh bế tắc và phút giây nông nổi đã đẩy đưa Nguyễn Văn Lượm vào con đường phạm pháp. Thế nhưng giờ đây anh Lượm đã là một đội viên dân phòng bảo vệ khu phố.

>> Làm lại cuộc đời: Đổi đời bên ao tôm
>> Làm lại cuộc đời: Đại ca rẽ lối
>> Làm lại cuộc đời: Động lực từ sự chân tình của mọi người

 Làm lại cuộc đời: Từ cướp giật thành dân phòng
Anh Lượm (trái) báo cáo công việc với ông Lý Thu, Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố khu phố 21 - Ảnh: Như Lịch

Nguyễn Văn Lượm (30 tuổi, tạm trú dài hạn ở P.Bình Hưng Hòa A)  cho biết: từ khi mới sinh đã bị cha mẹ bỏ rơi. May thay, anh được một nhà dân ở P.15, Q.Tân Bình cho nương nhờ. Sau đợt giải tỏa nhà đất vào năm 2000, gia đình này di chuyển đến khu phố 21, P.Bình Hưng Hòa A, Lượm cũng trôi dạt theo... Không hộ khẩu, không giấy tờ tùy thân, mù chữ, Lượm hết sức khó khăn để xin việc làm. Lượm từng lang thang bán trà đá, vé số, rồi làm phụ hồ, làm gia công giày dép, ai thuê gì làm nấy.

Thế rồi, trong cơn túng quẫn, Lượm và một người bạn rủ nhau đi cướp giật và bị kết án 3 năm tù. Nhờ quyết tâm cải tạo tốt, đầu năm 2009, Lượm được ra tù trước thời hạn nhờ chính sách đặc xá.

“Người của niềm tin”

3 giờ sáng một ngày hè năm 2012, nhìn thấy cái bóng lờ nhờ đi ra từ hàng rào một nhà dân, một ý nghĩ thoáng qua đầu anh Lượm: “Lẽ nào gặp ma?”. Tuy vậy, anh vẫn cùng một số anh em bảo vệ khu phố 21 nhanh chân chạy lại. Hóa ra, đó là một thanh niên từ nơi khác đến, có dấu hiệu khả nghi. Khi được hỏi: “Em đi đâu đêm khuya vầy?”, người này nói là đi tập thể dục. “Nó trả lời ấp úng và run. Nhớ ngày trước khi giật điện thoại của người ta và bị bắt, mình cũng run lắm. Nên mình có chút kinh nghiệm để hiểu cảm giác đó. Tra hỏi lần nữa: “Em đi đâu?” thì nó bỏ chạy. Tụi mình đuổi theo. Thì ra, người này vừa đột nhập vào nhà dân và lấy trộm 2 chiếc điện thoại di động”, anh Lượm kể cho chúng tôi nghe câu chuyện bắt trộm của mình.

 

Có những người ra tù cùng lượt với mình, vì lý do này nọ đã phạm tội trở lại. Còn mình được địa phương nâng đỡ, phải biết lấy cái đó để vươn lên. Thực ra, lầm lỡ ăn thua do mình thôi, chứ bạn bè rủ rê mà mình không làm thì chẳng ai ép được !

Nguyễn Văn Lượm

Từ vụ việc trên, Chủ tịch UBND P.Bình Hưng Hòa A đã tặng giấy khen cho Lượm . Trước đó, liên tiếp trong 2 năm 2010 - 2011, anh cũng đã nhận giấy khen vì đã có đóng góp tích cực, có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Được biết, năm 2013, Hội LHTN Q.Bình Tân đã biểu dương anh Lượm là gương “Người của niềm tin”. Hội LHTN TP.HCM cũng tặng giấy khen và ghi nhận anh Lượm “Đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu vươn lên sống đẹp, sống có ích”.

Trên thực tế, để có được một bước ngoặt ấn tượng như vậy, anh Lượm đã phải vượt qua những dằn vặt và nỗi mặc cảm bản thân. Anh nhớ lại: “Khi gây án bị bắt, bị đưa lên báo và truyền hình, mình rất xấu hổ. Nên lúc mới ra trại, mình sống khép kín, không muốn tiếp xúc với người đời và luôn mang một nỗi khổ tâm. Mà không riêng gì mình đâu, bất kỳ ai ra tù cũng đều tránh né vì mặc cảm”. “Vậy ai là người giới thiệu anh đến làm việc ở khu phố 21?” - chúng tôi thắc mắc. Anh Lượm kể: “Chính là anh Cao Minh Ảnh, Bí thư Chi đoàn khu phố. Tui và Ảnh chơi với nhau từ nhỏ. Khi tui trở về, nhiều lần Ảnh tự tìm tới trò chuyện, có bữa còn rủ tui đi uống cà phê nữa. Ảnh nhỏ hơn tui mấy tuổi, nhưng nói chuyện “được” lắm. Mình không có học, ít nhận thức, đã từng làm bậy, nên khi Ảnh nói những điều mình không biết, thấy hay hay thì từ từ nghe theo”.

Tìm đường sáng mà đi

Lượm cho hay, trước đây, một số người bạn cũ của anh có tìm đến rủ rê Lượm làm chuyện phi pháp. Tuy nhiên, anh đã khuyên nhủ họ từ bỏ con đường tối, tìm đường sáng mà đi. “Đến bây giờ, họ đã có vợ con, cuộc sống có phần ổn định hơn”, anh Lượm khoe.

Nhắc đến con đường Phú Thọ Hòa, nơi gắn với dấu ấn trong đời mình, anh Lượm bộc bạch: “Giờ đi ngang đường đó, vẫn thấy ám ảnh. Nhưng đằng nào thì mình cũng đi tù rồi và cũng đã về rồi. Cho nên con đường đó, kỷ niệm đó nhắc mình không bao giờ được lầm lỗi nữa”. Anh tự dặn lòng: “Có những người ra tù cùng lượt với mình, vì lý do này nọ đã phạm tội trở lại. Còn mình được địa phương nâng đỡ, phải biết lấy cái đó để vươn lên. Thực ra, lầm lỡ ăn thua do mình thôi, chứ bạn bè rủ rê mà mình không làm thì chẳng ai ép được!”.

Nổi tiếng trong khu phố

Ông  Lý Thu, Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố kiêm Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh khu phố 21, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM, nhận xét: ”Anh Lượm có sự phấn đấu tốt. Suốt 3 năm liền được Chủ tịch UBND P. Bình Hưng Hòa A tặng giấy khen. Lượm sống hòa đồng, được nhân dân tin yêu. Lượm nổi tiếng trong khu phố này, vì hầu như ai cũng biết anh là người lầm lỗi trở về và làm tốt công việc tuần tra, bảo vệ khu phố. Hiện cuộc sống Lượm vẫn còn rất nhiều khó khăn vì anh không có chứng minh nhân dân, không nhà cửa, không người thân thích. Mấy năm nay, anh tá túc trong văn phòng khu phố 21. Thu nhập của anh rất thấp, gồm 400.000 đồng tiền hỗ trợ cho đội viên dân phòng; 420.000 đồng thù lao anh đi giao báo mỗi sáng cho một số hộ dân...”.

Như Lịch

>> Làm lại cuộc đời: Đổi đời bên ao tôm
>> Làm lại cuộc đời: Đại ca rẽ lối
>> Làm lại cuộc đời: Động lực từ sự chân tình của mọi người
>> Làm lại cuộc đời: Kiên “què” lấy được vợ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.