Làm lại cuộc đời: Lấy lại niềm tin

16/04/2014 03:15 GMT+7

Đến thôn Mỹ Thạnh, xã Bình Tân, H.Tây Sơn, Bình Định, hỏi anh Phong làm cửa sắt thì ai cũng biết và nhiều người giới thiệu về thanh niên này với giọng đầy thán phục.

>> Làm lại cuộc đời: Bỏ cướp giật thành dân phòng
>> Làm lại cuộc đời: Đổi đời bên ao tôm
>> Làm lại cuộc đời: Đại ca rẽ lối

Làm lại cuộc đời: Lấy lại niềm tin
Anh Huỳnh Xuân Phong - Ảnh: Hoàng Trọng 

Tên đầy đủ của anh là Huỳnh Xuân Phong. Bước sang tuổi 26, chưa lập gia đình, anh Phong là một trong số ít thanh niên ở địa phương có cơ sở sản xuất riêng, thu nhập ổn định. Suốt ngày anh Phong quần quật với công việc làm cửa nhôm, sắt, dự tính chi phí, đi nhận công trình… Bạn bè cùng lứa với anh Phong, vài người có việc làm ổn định tại địa phương, còn phần nhiều đi vào miền Nam để kiếm việc làm nếu không muốn “lông bông” các quán xá ở quê nhà.

Trái với những lời giới thiệu “hoành tráng” của mọi người, anh Phong rất ngại nói về mình. Từng lời cứ chầm chậm, nhè nhẹ. “Ở quê bây giờ nghề nào cũng có, cũng lắm người làm. Nếu mình làm không được việc cho người ta thì có “quảng cáo” đến mấy cũng không kêu. Thôi thì cứ im lặng mà làm, được khách hàng nào thì cố mà làm cho tốt. Muốn tồn tại thì phải giữ lấy chữ tín để có mối làm ăn về sau”, gương mặt rám nắng của Phong ngại ngùng khi tâm sự.

Cũng như nhiều gia đình nông dân khác ở địa phương, nhà Phong có 5 anh em, kinh tế thì luôn thiếu trước hụt sau. Học chữ đến năm lớp 10 thì cậu út Phong “ra trường sớm” vì cái chữ nhét mãi cũng không chịu vào. Muốn nhanh có công việc ổn định, sớm làm ra tiền nên Phong đi học nghề làm cửa sắt ở tỉnh Gia Lai. Thấy học trò trẻ tuổi, nhanh trí, lại cần cù nên chủ tiệm giữ lại làm công sau khi Phong đã thạo nghề.

Năm 2004, trong một lần nóng giận vì mâu thuẫn cá nhân, Phong đã gây thương tích cho người khác. Sau khi Phong bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, gia đình bị hại đã bãi nại. Anh Phong tiếp tục làm nghề cửa sắt tại Gia Lai cho đến khi được gọi nhập ngũ (năm 2006). Gần đến ngày xuất ngũ thì anh Phong bị tòa án triệu tập để xét xử tội cố ý gây thương tích và tuyên án 1 năm tù. Tuy nhiên, do có thành tích cải tạo tốt, anh được đặc xá, ra tù từ ngày 17.1.2009, khi mới thi hành án 3 tháng rưỡi tù giam. “Gây án xong thì mình đã lo sợ, dằn vặt suốt và cuối cùng cũng phải trả giá cho hành vi nông nổi. Những ngày trong tù, mình càng hối hận, thương mẹ cha nhiều hơn nên quyết tâm cải tạo tốt và tự hứa là sẽ chăm chỉ làm ăn sau khi ra tù”, Phong nói.

Nuôi chí quyết tâm

Ra tù, không một đồng vốn, không việc làm, mặc cảm với láng giềng nên anh Phong trở lại Gia Lai tiếp tục làm thợ sắt với chủ cũ. Đêm đêm, hình ảnh cha mẹ già ở quê nhà mòn mỏi trông ngóng con cái luôn ám ảnh khiến anh không cầm được nước mắt. Anh tự nhủ: Phải lấy lại niềm tin của bà con hàng xóm, làm giàu tại quê nhà thì mẹ cha mới được yên lòng. Muốn vậy, phải dành dụm, tích góp tiền về quê mở cơ sở sản xuất của riêng mình.

Nuôi chí quyết tâm mãi rồi cũng đến ngày hành động, năm 2012, anh Phong về quê với một số vốn trong tay, vay mượn thêm tiền của anh chị, mở cơ sở thi công cửa sắt, cửa nhôm, hàng rào sắt… Nhưng mọi việc không suôn sẻ như anh từng mơ ước, không có người đặt hàng, vốn ít nên khó làm những công trình kéo dài thời gian… Bản thân Phong cũng không đủ tự tin để “tiếp thị” với khách hàng. “Hồi ấy, nhìn ai mình cũng thấy ánh mắt nghi ngờ. Nhiều người không dám tin mình mà đặt hàng. Bản thân mình biết nhà người ta đang xây dựng, có nhu cầu làm cửa sắt, hàng rào… cũng không dám mở lời. Lắm lúc nản, mình nghĩ đến chuyện buông xuôi, đến đâu thì đến”, anh Phong tâm sự.

Biết Phong tu chí làm ăn, quyết tâm xây dựng lại cuộc đời nên anh chị trong gia đình giúp đỡ, tạo điều kiện. Không chỉ hỗ trợ về vốn, động viên tinh thần, các anh chị còn đi vận động, dẫn mối đặt hàng về cho em trai. Bản thân Phong cũng kiếm mối làm công để giao lưu, học hỏi với các bạn cùng nghề ở địa phương. Niềm tin xây đắp dần dần, các bạn đồng nghiệp mỗi khi có mối làm ăn đều rủ Phong tham gia, khách hàng cũng tự tìm đến với Phong ngày càng nhiều.

Hai năm gần đây, sau khi trừ hết tất cả chi phí, Phong còn lãi ròng gần 20 triệu đồng/năm. Số tiền này không phải là nhiều nhưng đó là đồng tiền làm ăn chân chính của một thanh niên hoàn lương tu chí làm ăn. “Trước mắt, em dự tính sẽ vay thêm vốn để mua sắm thêm thiết bị, mở rộng mặt hàng sản xuất. Em đã có người yêu hơn 4 năm nay nên cũng đang dự tính lập gia đình trong thời gian tới”, Phong bật mí. Năm 2013, Hội LHTN VN H.Tây Sơn  tổ chức tuyên dương 14 gương thanh niên hoàn lương tiêu biểu, trong đó có anh Huỳnh Xuân Phong. 

Theo ông Trần Quang Chín, Phó công an xã Bình Tân, anh Huỳnh Xuân Phong là một trong số những thanh niên “biết làm ăn” tại địa phương. Sau một thời gian, mọi người thấy anh Phong chuyên tâm làm ăn, không tụ tập, ăn chơi như những thanh niên khác. Quan hệ của Phong với bà con hàng xóm cũng ngày càng gợi mở, bản thân anh Phong cũng đang dần lấy lại sự tự tin.

Hoàng Trọng

>> Làm lại cuộc đời: Động lực từ sự chân tình của mọi người
>> Làm lại cuộc đời: Kiên “què” lấy được vợ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.