Mới đây Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã dùng phương pháp này điều trị trẻ sinh ngạt, bước đầu cho kết quả khả quan.
|
Theo bác sĩ Hồ Tấn Thanh Bình (khoa hồi sức sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1) báo cáo tại hội thảo nhi khoa tổ chức tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 vào tháng 7-2012, sinh ngạt là một trong ba nguyên nhân gây tử vong và di chứng hàng đầu ở trẻ sơ sinh (chiếm khoảng 23% trong tổng số 4 triệu ca tử vong sơ sinh mỗi năm trên toàn thế giới). Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho những trường hợp này.
Cải thiện tử vong, giảm di chứng
|
Bé L.P.U., lúc sinh ra cân nặng 3,6kg, có dấu hiệu suy thai trong quá trình chuyển dạ nên được xử lý mổ cấp cứu. Apgar (chỉ số đánh giá khả năng thích nghi của trẻ với môi trường bên ngoài) của bé U. rất thấp. Sau khi sinh, bé U. được hồi sức tích cực, đặt nội khí quản giúp thở và chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Tại khoa hồi sức sơ sinh, bé được đánh giá ngạt trung bình đến nặng với biểu hiện mê, co gồng, không có phản xạ bú nuốt. Ngay sau đó các bác sĩ đã tiến hành hạ thân nhiệt bé U. xuống 33,5OC liên tục trong 72 giờ.
Trong thời gian hạ thân nhiệt, trẻ ổn định về hô hấp và huyết áp, giảm co gồng. Sau thời gian làm lạnh, bé U. tỉnh táo, bú sữa tốt và xuất viện lúc 12 ngày tuổi.
Trước đó bé L.T.N., 3,1kg, được sinh mổ cấp cứu vì suy thai cấp. Bé N. cũng nhập Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng suy hô hấp, xuất huyết phổi, sốc nên được thở máy, chống sốc với thuốc vận mạch và áp dụng làm lạnh toàn thân. Sau năm ngày điều trị bé diễn tiến đáp ứng với điều trị, cai được máy thở và được xuất viện.
Đó là hai trong số bảy trẻ sinh ngạt được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 áp dụng phương pháp làm lạnh toàn thân để điều trị. Trường hợp được áp dụng phương pháp này đầu tiên tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 là vào tháng 1-2012. Các bé đều xuất viện trong tình trạng tỉnh, bú sữa hoàn toàn, không cần sử dụng thuốc chống co giật.
Chú ý thời gian vàng
Theo bác sĩ Hồ Tấn Thanh Bình, quá trình chuyển dạ và sinh là giai đoạn nhiều nguy cơ trẻ bị tổn thương não do thiếu oxy, thiếu máu. Nguyên nhân có thể do bệnh lý của mẹ hoặc con, bất thường trước hoặc trong quá trình chuyển dạ, hỗ trợ hồi sức trẻ sau sinh, sang chấn sản khoa... Hậu quả dẫn đến trẻ tử vong hoặc để lại di chứng não như: chậm phát triển, động kinh, bại não.
Khi bị sinh ngạt, não bộ của trẻ sơ sinh sẽ thiếu máu và oxy khiến các tế bào thần kinh bị tổn thương. Quá trình tổn thương này có hai giai đoạn: giai đoạn một từ khi sinh ra đến trước 6 giờ tuổi, tế bào thần kinh thiếu năng lượng (oxy, máu) nên sẽ sử dụng năng lượng dự trữ. Giai đoạn hai, các tế bào thần kinh phù nề, tổn thương và dần chết đi.
Áp dụng phương pháp làm lạnh, các bác sĩ sẽ sử dụng máy làm lạnh để hạ thân nhiệt của trẻ xuống 33-34OC trong vòng 72 giờ liên tục. Khi thân nhiệt được giảm xuống, giai đoạn hai sẽ khó diễn ra, từ đó làm chậm quá trình tổn thương các tế bào thần kinh và ngăn chặn các tổn thương tiếp diễn do phù não.
Vì vậy, phương pháp này cần được áp dụng sớm cho trẻ ngay sau khi sinh (trước 6 giờ tuổi) mới có hiệu quả. Sau khi làm lạnh, trẻ sẽ được làm ấm từ từ để đưa về nhiệt độ bình thường. Trẻ được tiếp tục tái khám định kỳ để theo dõi về phát triển tâm thần vận động, kết hợp với vật lý trị liệu.
Phương pháp làm lạnh toàn thân chỉ được áp dụng cho trẻ sinh đủ tháng, có tác dụng phụ là làm chậm nhịp tim, tụt huyết áp của trẻ, tuy nhiên chỉ diễn ra trong thời gian làm lạnh và được phục hồi khi kết thúc quá trình này.
"Các trường hợp được áp dụng phương pháp làm lạnh tại bệnh viện đến nay đều tái khám định kỳ và các bé đều có sự phát triển tốt. Tất nhiên cần theo dõi thêm mới đánh giá được kết quả chính xác nhưng bước đầu là khá khả quan" - bác sĩ Bình cho biết.
Theo Ngọc Nga / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)