Phiên bản với âm nhạc hiện đại
Trong bản phối khí MV Quốc ca của Tùng Dương, Giám đốc âm nhạc Nguyễn Hữu Vượng đã đưa thể loại nhạc epic dùng dàn nhạc giao hưởng kết hợp với hợp xướng. Nguyễn Hữu Vượng tiết lộ dàn hợp xướng trên thực tế chỉ có 6 người thu âm, nhưng đã được “biến hóa” để tạo thành hiệu ứng dàn hợp xướng 100 người. Anh muốn dàn dựng tác phẩm với tinh thần hào hùng, mang đến cảm xúc mạnh mẽ cho người nghe. “Tính hào hùng, tinh thần thúc đẩy cùng giai điệu bài hát được giữ lại. Nhưng từ phối khí, hòa thanh đến sử dụng nhạc cụ đều được làm theo cách của thời đại bây giờ. Tôi và anh Tùng Dương xác định đã làm thì sẽ phải làm cái mới, mang tính hợp thời, tức là âm nhạc của ngày nay”, Nguyễn Hữu Vượng nói.
Tùng Dương là ca sĩ Việt Nam đầu tiên thực hiện MV Quốc ca với giọng hát solo. Nam ca sĩ cho biết anh hát Quốc ca với hai tâm thế: một là với lòng biết ơn của hậu thế dành cho những thế hệ cha ông; hai là ở tâm thế xây dựng, phát triển, cống hiến dành cho đất nước của những con người trong thời đại hôm nay. “Tôi có thể hát Quốc ca với lối hành quân quen thuộc như cách mà nhiều thế hệ trước đã thể hiện, nhưng tôi thích sự thay đổi, mạnh dạn làm cái mới. Tôi vẫn giữ sự hào sảng, độ da diết, gieo niềm tin, tình yêu quê hương đất nước, nhưng bên cạnh đó là thể hiện lòng quyết tâm của mình cũng như những người con đất Việt của thời bình”, Tùng Dương bày tỏ.
Ngay từ đầu khi bắt tay thực hiện MV này, cả ca sĩ Tùng Dương và Giám đốc âm nhạc Nguyễn Hữu Vượng đã lường trước có thể tạo ra những ý kiến trái chiều. “Tôi cũng đã quen với ý kiến trái chiều rồi. Lần này có chút e ngại vì đây là Quốc ca, nhưng quyết tâm của mình vẫn lớn hơn. Có người thích, hoặc không thích “phiên bản” Quốc ca của Tùng Dương, nhưng tôi tin ai cũng công nhận Tùng Dương là người yêu nước”, nam ca sĩ nói. Giám đốc âm nhạc Nguyễn Hữu Vượng thì cho rằng: “Với MV Quốc ca của Tùng Dương theo hướng hơi hiện đại, một số người chưa quen với âm nhạc ấy vì thấy khác với kiểu truyền thống. Nhưng điều đó cũng cho thấy sự ghi nhận chúng tôi đã làm mới. Còn làm mới có người thích, người không thì cũng là chuyện bình thường”.
Hình ảnh trong MV Quốc ca của ca sĩ Tùng Dương |
NSCC |
Chúng ta cần nhiều tác phẩm “làm mới” hay “phái sinh” để tác phẩm gốc được trường tồn. Càng nhiều “phiên bản” khác nhau lại càng cho thấy sức sống của tác phẩm gốc.
Đừng nên “đóng khung” Quốc ca
Nhiều năm trước, ca sĩ Mỹ Linh từng hát Quốc ca theo phong cách acapella, không có nhạc nền hỗ trợ, trong sự kiện chào mừng Tổng thống Mỹ Obama tại Hà Nội. Phần biểu diễn đó của chị đã nhận không ít những ý kiến đánh giá trái chiều.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng Quốc ca dùng trong những nghi lễ, sinh hoạt chính thống cần có quy chuẩn giống như âm nhạc nghi lễ quốc gia. “Nhưng ở mặt là tác phẩm nghệ thuật, đừng “đóng khung” Quốc ca để chỉ có một màu duy nhất, mà cần nhiều màu sắc khác nhau”, nhà nghiên cứu này nói và nhìn nhận: “Chúng ta cần nhiều tác phẩm “làm mới” hay “phái sinh” để tác phẩm gốc được trường tồn. Càng nhiều “phiên bản” khác nhau lại càng cho thấy sức sống của tác phẩm gốc. Còn nhu cầu hát Quốc ca như tác phẩm nghệ thuật phục vụ đời sống tinh thần của người dân, nghệ sĩ là có và cũng rất cần thiết”. Nhà nghiên cứu này cũng nhắc đến việc ca - nhạc sĩ Tạ Quang Thắng đã lấy “chất liệu” từ Quốc ca (với câu Đoàn quân Việt Nam đi) để “phiêu” sang ca khúc Lá cờ của anh; hay sự thú vị của MV Quốc ca của Tùng Dương vì “vừa mang màu sắc học thuật, mang tính chính ca, nghệ thuật, vừa mang hơi hướm giải trí”.
Ca sĩ Mỹ Linh từng hát Quốc ca theo phong cách acapella trong sự kiện chào mừng Tổng thống Mỹ Obama tại Hà Nội hồi năm 2016 |
T.L |
Lý giải về việc không ngại “chạm” đến Quốc ca, ca sĩ Tùng Dương nói: “Nếu suy nghĩ an toàn thì không bao giờ là Tùng Dương cả. Tôi luôn muốn đi ra khỏi vùng an toàn của chính mình”. Những ý tưởng của các dự án âm nhạc từ trước đến nay đều do Tùng Dương tự nghĩ ra và tìm các nhà sản xuất âm nhạc cùng cộng tác. “Chọn con đường an toàn với tôi có nghĩa là dừng lại. Tôi chấp nhận cả rủi ro. Bởi vậy, trong nghệ thuật, tôi luôn quyết liệt. Tôi tin rằng có người thích hay không thích, nhưng vẫn sẽ ghi nhận sự quyết liệt của mình như với MV Quốc ca chẳng hạn”, nam ca sĩ nói và bày tỏ việc thực hiện “làm mới” những tác phẩm kinh điển cũng là cách mà anh muốn góp phần giữ gìn những tác phẩm đó. “Với Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao, đã là Quốc ca thì người Việt Nam cũng thuộc, nhưng chúng ta cần những phiên bản mới để thế hệ Gen Z hay những thế hệ sau này nữa thấy được sự gần gũi với thời đại họ. Đó cũng là việc gieo cho các em lòng yêu nước qua việc hát Quốc ca”, nam ca sĩ nói.
Có những nghệ sĩ lựa chọn con đường an toàn, có người lại chọn con đường nhiều thử thách, dễ gây tranh cãi. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng đã là nghệ sĩ thì cần phải có quan điểm riêng, định hướng riêng và kiên định với định hướng, đam mê của mình, miễn là không làm lố. “Nghệ thuật rất cần những nghệ sĩ dám mạo hiểm. Như thế, họ mới tạo ra những bước ngoặt trong âm nhạc. Lịch sử âm nhạc thế giới đã ghi nhận những bước ngoặt từ những người nghệ sĩ như thế. Chẳng hạn như Beethoven từng phá vỡ những quy luật cũ để khai thác, tìm cái mới, đưa chất anh hùng ca vào giao hưởng. Tiếp đó, ông cũng là người đã đưa thanh nhạc vào giao hưởng”, nhà nghiên cứu nhìn nhận.
Bình luận (0)