'Làm mới' sách hay cho thiếu nhi

Ngọc An
Ngọc An
26/07/2022 06:31 GMT+7

Nhiều tác phẩm kinh điển, tác phẩm hay dành cho thiếu nhi được xuất bản trở lại, mang diện mạo mới để tiếp cận độc giả ngày nay.

Từ truyện đến thơ

Nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng của VN và nước ngoài được nhiều nhà xuất bản (NXB) như NXB Phụ nữ, Đông A in đi in lại trong thời gian qua như Lục Vân Tiên, Truyện cổ Grimm, Truyện cổ Andersen, Thần thoại Hy Lạp, Liêu Trai chí dị, Hoàng tử bé...

Tuyển tập 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi, 65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi

NXB Kim Đồng vừa tái bản những tác phẩm và bộ truyện ra đời từ nhiều năm, nhiều thập niên trước, có thể kể đến như bộ tiểu thuyết Trăng nước Chương Dương - Người Thăng Long - Khúc khải hoàn dang dở (Hà Ân), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Dòng sông thơ ấu (Nguyễn Quang Sáng), Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), bộ truyện Kính vạn hoa (Nguyễn Nhật Ánh), những tác phẩm trong Tủ sách vàng - được ra đời từ năm 1995 và hoạt động đến năm 2001: Một tuổi thơ văn (Nguyên Hồng), Mái trường thân yêu (Lê Khắc Hoan), Miền quê thơ ấu (Nguyễn Trọng Tạo), Chân trời cũ (Hồ Dzếnh), Nơi xa, Rừng già và tuổi phiêu lưu (Văn Linh), Bí mật hồ cá thần (Nguyễn Quang Thiều), Từ giã tuổi thơ, Những ngày lưu lạc, Đảo đá kỳ lạ (Nguyễn Minh Châu)…

Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập của NXB Kim Đồng. Dù vậy, trước đó, đã có không ít ấn phẩm trong số kể trên được tái bản nhiều lần trong suốt nhiều năm. Một tuyển tập 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi do nhà văn Trần Đức Tiến tuyển chọn và 65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi do nhà thơ Cao Xuân Sơn giới thiệu vừa ra mắt bạn đọc. Nhà văn Trần Đức Tiến cho hay ông chọn những tác phẩm của những tác giả thuộc nhiều thế hệ (mà sớm nhất là trước năm 1945): Ông đồ Bể (Khái Hưng), Võ sĩ Bọ ngựa (Tô Hoài), Con chuột láu (Vũ Tú Nam), Hoàng tử Rơm (Nguyễn Thị Kim Hòa)… Còn theo nhà thơ Cao Xuân Sơn, trước năm 1975, có ít tác giả miền Nam viết thơ thiếu nhi, mà chủ yếu là những tác giả ở miền Bắc, miền Trung. “Nhiều bài thơ của những tác giả nổi tiếng trong sách giáo khoa tôi đọc lại thấy không phù hợp với bây giờ nữa nên tôi không đưa vào. Tôi chọn một số bài thơ đã được phổ nhạc thành những ca khúc thiếu nhi nổi tiếng như Bố là tất cả của tác giả Đỗ Văn Khoái, hay lời ca khúc Em là bông hồng nhỏ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”, nhà thơ Cao Xuân Sơn nói và cho biết: Trong tập thơ này, ông cũng “trả lại tên” cho tác giả thơ của bài Ngày đầu tiên đến lớp (được đăng trên Báo Khăn quàng đỏ năm 1990) mà nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã phổ nhạc thành ca khúc Ngày đầu tiên đi học là Nguyễn Đặng Viên Phương (trước đây nhiều người vẫn nhầm là của nhà thơ Viễn Phương).

Cuốn sách Một tuổi thơ văn của Nguyên Hồng

NXB cung cấp

Tiếp cận độc giả hiện nay

Trong tuyển tập 65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi, nhà thơ Cao Xuân Sơn cho biết ông chọn nhiều bài thơ mang tính triết học người lớn với góc nhìn trẻ em, hay những bài thơ mang tính tự sự của nhân vật là những đứa trẻ. Chẳng hạn như bài Mai mẹ lấy chồng của Phạm Việt Thư được sáng tác từ hàng chục năm trước. “Bài thơ được kết thúc với hình ảnh viết về mẹ một cách độc đáo khiến người đọc phải trăn trở”, ông Sơn nói và nhìn nhận: “Thơ cho thiếu nhi đâu chỉ có thỏ bông hay đi mẫu giáo… Tôi muốn cân đối tỷ lệ nội dung cho những lứa tuổi độc giả trẻ em, thiếu niên khác nhau. Ở đó, vừa có sự trong trẻo nhẹ nhàng, vừa có cả những trăn trở. Các em 13 - 15 tuổi bây giờ nghĩ về nhiều vấn đề tốt hơn chúng tôi hồi xưa. Đây cũng là cách mà chúng tôi làm mới cho tập thơ thiếu nhi”.

Thơ cho thiếu nhi đâu chỉ có thỏ bông hay đi mẫu giáo… Tôi muốn cân đối tỷ lệ nội dung cho những lứa tuổi độc giả trẻ em, thiếu niên khác nhau. Ở đó, vừa có sự trong trẻo nhẹ nhàng, vừa có cả những trăn trở. Các em 13 - 15 tuổi bây giờ nghĩ về nhiều vấn đề tốt hơn chúng tôi hồi xưa. Đây cũng là cách mà chúng tôi làm mới cho tập thơ thiếu nhi.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn

Nhiều tác phẩm cũ vẫn được nhiều độc giả trẻ hiện nay đón nhận. “Nhiều thứ thay đổi qua các thời kỳ nhưng cũng có những thứ không bao giờ thay đổi, như tình yêu thương, tình yêu thiên nhiên, tình yêu gia đình, tình yêu với những điều xung quanh chúng ta dù là thế hệ nào”, nhà văn Thùy Dương nói.

Nhà văn Trần Đức Tiến cho rằng những tác phẩm cũ mà “nội dung tư tưởng được diễn đạt với hình thức mới mẻ sẽ dễ tiếp cận với lớp trẻ”. Như với tuyển tập 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi, những người thực hiện chú trọng tính giải trí, hấp dẫn để độc giả nhí thích đọc hơn. Bên cạnh những câu chuyện được lựa chọn, sách có tranh vẽ của nhiều họa sĩ nổi tiếng như Lê Trí Dũng, Nguyễn Công Hoan, Kim Duẩn, Vũ Xuân Hoàn, Tạ Huy Long…

Có một thực tế, “sách cũ” được tái bản nhiều lần, trong khi những tác phẩm mới viết cho thiếu nhi còn chưa đa dạng. Nhà văn Trần Đức Tiến cho rằng: “Cái thiếu nhất ở các nhà văn viết cho thiếu nhi VN hiện nay là mảng truyện giả tưởng, thể loại đòi hỏi trí tưởng tượng lớn. Truyện giả tưởng là về một thế giới khác hoàn toàn chúng ta đang sống, người viết thử tưởng tượng ngoài thế giới này có những thế giới khác chúng ta không nhìn thấy, nghe thấy, không cảm giác được bằng giác quan của mình, song hành thế giới hiện thực. Các nhà văn giả tưởng của mình còn hiếm”.

Nhà văn Thùy Dương nhìn nhận, viết về tuổi mới lớn là điều đáng trăn trở của văn học thiếu nhi Việt hiện nay. “Chúng ta viết nhiều về mặt sáng, những cô bé yêu đời vượt qua khó khăn, nhưng có những điều mà đôi khi chúng ta chưa thực sự hiểu các con để đưa vào những trang sách”, chị nhìn nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.