Làm ngay nhà vệ sinh lưu động khu trung tâm TP.HCM

20/03/2023 06:15 GMT+7

Ngày 19.3, tại buổi làm việc với Thường trực Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND Q.1 Lê Đức Thanh cho biết toàn Q.1 hiện có 18 khu vệ sinh công cộng đang hoạt động tại 13 địa điểm như chợ, công viên, trạm xe buýt và khu dân cư. Việc xây dựng mới gặp khó khăn do thiếu quỹ đất công cộng.

Từ năm 2017, 10 phường trên địa bàn vận động doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tạo điều kiện cho người dân và khách du lịch sử dụng nhà vệ sinh (NVS) miễn phí. Tuy nhiên, một số cửa hàng, quán ăn bình dân không đảm bảo vệ sinh, còn người dân có tâm lý ngần ngại khi sử dụng NVS trong khách sạn, nhà hàng cao cấp. Ngoài ra, ý thức người sử dụng dịch vụ chưa cao, nhiều người tận dụng NVS công cộng làm nơi tắm giặt, lấy cắp vật dụng… Ông Thanh đề xuất xây dựng mới 5 NVS công cộng ở các khu đất trống trên các tuyến đường Nguyễn Huệ, Lê Duẩn, Nguyễn Trung Trực, Hai Bà Trưng.

Làm ngay nhà vệ sinh lưu động khu trung tâm TP.HCM - Ảnh 1.

Nhà vệ sinh công cộng khu vực trung tâm TP.HCM đầu tư theo hình thức xã hội hóa

Nhật Thịnh

Lãnh đạo nhiều sở cho rằng cần ưu tiên đầu tư NVS lưu động tại khu trung tâm để giải quyết nhu cầu của người dân và du khách. Tuy nhiên, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho rằng cái khó là công tác quản lý, vận hành sau khi đầu tư, bởi nhiều NVS xuống cấp, đóng cửa vì không được quản lý bài bản. Qua làm việc với một vài doanh nghiệp, ông Thắng cho biết chi phí mỗi NVS khoảng hơn 2 tỉ đồng, doanh nghiệp khai thác, vận hành thông qua quảng cáo và tiện ích kinh doanh, nhà nước không phải trả chi phí.

Đối với đề xuất xây dựng NVS công cộng trên hành lang đường bộ, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đặng Phú Thành cho hay muốn cấp phép xây dựng thì vị trí phải phù hợp quy hoạch nên không thể thực hiện được. Trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017, TP.HCM đề xuất cho phép cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đối với công trình không phù hợp quy hoạch.

Xem nhanh 20h:: Bãi xe lậu dưới lòng đường Hà Nội | Nhà vệ sinh công cộng thiếu trầm trọng

Liên quan đến việc vận động chủ cơ sở kinh doanh cho khách vãng lai sử dụng NVS, ông Đỗ Hữu Cường, Bí thư Đảng ủy P.Đa Kao (Q.1), cho rằng quan trọng nhất là phải có phương thức truyền thông để người dân hiểu, biết và sử dụng NVS miễn phí mà không ngại ngùng. Theo đó, các cơ sở phải có khẩu hiệu hướng dẫn đơn giản; còn nhân viên phải có thái độ, ứng xử phù hợp chứ đừng "mặt nặng mày nhẹ".

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nhấn mạnh NVS công cộng là vấn đề được xã hội, du khách quan tâm nên chính quyền thành phố cần tập trung khắc phục. Ông đề nghị Q.1 tiếp tục thực hiện kế hoạch chỉnh trang đô thị, trong đó đặt NVS đúng với nhu cầu thiết yếu, quan trọng để đầu tư, quản lý, hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Từ nay đến ngày 30.4, quận cần tập trung vận động các cơ sở kinh doanh, trụ sở cơ quan hành chính cho khách vãng lai sử dụng NVS; đồng thời rà soát, kiểm tra lại toàn bộ NVS công cộng trên địa bàn để tu sửa, đưa vào sử dụng. Ông Nên cũng yêu cầu quận trung tâm nhanh chóng lắp đặt NVS lưu động ở các vị trí cần thiết. Việc đầu tư NVS cần đa dạng hình thức, từ nhà nước đầu tư, tư nhân tham gia kết hợp các hộ kinh doanh. Về lâu dài, cần bổ sung quy hoạch cho loại công trình phụ này theo từng tiêu chí, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu người dân. "Tinh thần là mỗi ngày tốt hơn, và tuyệt đối không được xấu hơn", ông Nên yêu cầu. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.