(iHay) Ta phải phán xét một phụ nữ là không ra gì, chỉ vì cô ấy sơn móng chân dù vẫn đang làm ruộng?
Trong một chuyến thiện nguyện tôi được đi theo cùng để viết bài khoảng 1 năm trước, 4 người trong đoàn đi khảo sát từng gia đình để quyết định có tặng học bổng cũng như một số món đồ hay không.
Trong cuộc đi đó, những nhà khảo sát chỉ phân vân ở trường hợp của 3 gia đình, nghèo giống nhau, con học tốt giống nhau, và cả 3 gia đình đều có vấn đề về hôn nhân. Tuy nhiên, đến cuộc thảo luận cuối cùng, vì chỉ có thể chọn 1 trong 3 gia đình, một thành viên đã mở lời: “Tôi đề nghị không trao học bổng cho gia đình số 1, nghèo khổ kiểu gì mà bà mẹ còn sơn móng chân?”
Cũng còn nhiều tranh cãi, nhưng từ lúc đó trở đi, cụm từ “sơn móng chân” in hằn vào đầu óc tôi. Thực ra, đây không phải lần đầu tiên tôi nghe một phán xét đến từ... cái móng chân. Từ khi đi viết, tôi đã gặp rất nhiều phụ nữ ở các khu công nghiệp. Đôi lúc nói về sự nghèo khó, họ thường nói: “Mình nghèo, mình tiết kiệm cho con, chứ đâu phải như nhiều loại phụ nữ, nghèo chết mồ còn có tiền sơn móng tay, móng chân.”
Từ bao giờ không biết, định kiến của nhiều người cho rằng những phụ nữ sơn móng tay, móng chân hẳn là những người nhàn nhã, lười làm, được chồng nuôi hay quá rảnh rỗi để quan tâm đến chuyện làm màu cho tay chân mình. Ngay cả với đàn ông, những chàng trai một thời hào sảng lẫm liệt say sưa gái đẹp, cũng sẵn lời nặng nhẹ với phụ nữ nào nghèo – mà bày đặt sơn móng chân.
Những phụ nữ đã bước qua thời trẻ trung, trót lập gia đình và có con, lập tức được liệt kê vào nhóm người chỉ còn được tôn vinh vì họ chăm chỉ, biết hi sinh, biết nuôi con, thậm chí nếu họ biết hi sinh cả nhan sắc để vì con cái mình thì càng tốt. Ai mà dám tơ tưởng làm đẹp thì coi chừng có tội lớn!
Tôi dễ dàng nghe thấy ở nhiều nơi những bà mẹ chồng chỉ trích cô con dâu không chịu cho bà dùng túi nước nóng “nhào nặn vú” cho chín sữa để cháu nội bà bú khỏe mạnh. Đành rằng quan niệm “chín sữa” là một hủ tục, nhưng điểm chỉ trích mà các bà hướng tới không phải là vì cô con dâu lì hay dốt mà luôn đay nghiến cho rằng cô “muốn ngực đẹp” nên không chịu làm chín sữa, hư ngực. Tại sao, một người mẹ đã từng có thời là phái đẹp, lại giận dữ khi cô con dâu mình muốn đẹp mãi?
Những phụ nữ đã có con, làm việc vất vả, đồng áng, quần quật cả ngày trong nắng sớm, chiều mưa sẽ được ca tụng ngập trời với những hình ảnh như “đôi chân trần nứt nẻ” hay “bàn tay thô ráp nhàu nhĩ nắng mưa”. Không ai ca ngợi một bà mẹ nào đã 50 tuổi vẫn có bàn tay đẹp, gọn gàng, ăn mặc chỉn chu, xinh tươi. Những đứa con của một thời định kiến, đói nghèo đã đẩy hình ảnh bà mẹ lên thành... huyền thoại của sự xấu xí và hạ thấp những phụ nữ chăm chút nhan sắc.
Có một lần, tôi đi viết trong cù lao ở miền Tây, gặp một chị nông dân. Một tay chị và chồng chăm sóc cả vườn xoài lớn. Đến mùa có xoài chín, cũng một tay chị đẩy xuồng máy đi bán khắp sông cùng, ngõ chợ. Bán sỉ chợ sớm xong chưa an tâm, chị phải một mình chạy ghe cả ngày bán lẻ hết mớ xoài chín còn ế lại, vì chồng chị phải làm rẫy ở nhà. Có đêm tôi ghé nhà 7 giờ tối chị cũng mới từ ghe về.
Chị làm việc không thua gì chồng, nuôi 2 đứa nhỏ học hành tươm tất. Đến cuối tuần tôi ra chợ chơi, thấy chị đang ngồi cho cô sơn móng chân dạo ngồi bấm tỉa móng, sơn màu xanh da trời. Cô hàng sơn còn bảo năm nay màu xanh da trời đang mốt, đừng sơn màu đỏ mận nữa, quê lắm. Chị thời trang tới nơi, nhọc nhằn cũng tới bến chứ có xênh xang hơn cái nhà nông dân nào trong xóm ấy đâu.
Nhưng có thể, vì chị trót yêu chiều bản thân hơn chút ít những người mẹ quê không biết làm đẹp, xã hội có thể nhìn chị đầy phán xét và trách móc – chỉ vì chị “làm nông dân mà bày đặt sơn móng chân”. Nói cho xa gần, giá tiền một bộ móng chân chị sơn lúc đó, tôi hỏi ra có 15.000 đồng, nó chẳng bằng một bữa ăn sáng nữa.
|
Hàng ngày, trên báo vẫn có những bài viết của người con ca ngợi mẹ mình mặc áo rách để mình có áo đẹp đi học. Nhiều người còn tự hào khoe ra chuyện mẹ mình, bà mình, con dâu mình, sẵn sàng mặc xấu, mặc bẩn, cực khổ tận cùng để cho đức ông chồng mặc sơ mi, thắt cà vạt đi làm tiến sĩ, hay cho con trai vào đại học.
Tôi chỉ tự hỏi, tại sao những người đàn ông ấy còn đủ mặt mũi để mà đi nói với cả thế giới rằng tôi đã để vợ tôi phải cực khổ xấu xí cho tôi có quần áo đẹp là lượt? Tại sao những người mẹ chồng có quyền chỉ trích cô con dâu của mình “thích ngực đẹp” trong khi chính họ cũng đã từng có một thời xuân sắc tự hào về vòng 1 của mình? Tại sao đứa con không bao giờ nghĩ tới mình sẽ phải mua bộ quần áo thiệt đẹp cho mẹ mặc, mà phải tự hào khoe ra là mẹ đã phải nhịn cái đẹp của mẹ cho mình đàng hoàng sung sướng khi đi học?
Tại sao những phụ nữ lam lũ, nhọc nhằn không được tôn trọng khi họ đẹp và tươm tất, mà thậm chí còn bị hạ thấp trước những người phụ nữ nghèo không đủ sức chăm sóc nhan sắc cho riêng họ nữa? Hay chúng ta đã quá quen với một hình ảnh nặng tính khuôn mẫu và thuyết phục, một hình ảnh tròn vẹn như hòn bi hoàn hảo, phản án đúng mong ước sâu thẳm của chúng ta khi đánh giá về một phụ nữ nghèo Việt Nam: nghèo, phải xấu, phải lam lũ và hi sinh mới là phụ nữ Việt Nam.
Bỗng nhiên, cái vẻ đẹp hút hồn bao chàng trai trẻ và tuổi xuân rực rỡ trở thành định kiến để cả xã hội phán xét một cô nông dân, nếu cô lỡ nghèo, lam lũ mà vẫn chăm sóc nhan sắc của mình.
Ta phải phán xét một phụ nữ là không ra gì, chỉ vì cô ấy sơn móng chân dù vẫn đang làm ruộng? Phụ nữ không có quyền đẹp, nhất là khi nghèo!
Chắc vậy!
Khải Đơn
Ảnh: Lê Quý Kiên
>> 42% đàn ông không thích hẹn hò với phụ nữ còn trinh
>> 10 điều đừng bao giờ nói với phụ nữ
>> Nam giới còn nhiều chuyện hơn cả phụ nữ?
Bình luận (0)