Lạm phát không phải mối lo lớn của Việt Nam

03/11/2022 06:31 GMT+7

Lạm phát hiện không phải là mối lo ngại quá lớn, trong khi 2 tháng cuối năm thường quyết định cho kết quả kinh doanh cả năm của doanh nghiệp , cũng như giữ cho tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Các ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó là quan điểm của giới chuyên gia kinh tế.

Kênh huy động vốn từ trái phiếu, cổ phiếu đang bị tắc

Đào Ngọc Thạch

Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam. Mới đây, tờ Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đà phục hồi sau đại dịch Covid-19 và đứng thứ 8 thế giới. Theo phân tích của TS Lê Đạt Chí, lạm phát hiện nay không còn là nỗi lo lắng quá cao đối với Việt Nam. Ai cũng nhìn ra lạm phát Việt Nam đang ở mức thấp nên cần có sự cung ứng vốn cho nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng. Nguyên nhân của lạm phát trên thế giới vừa qua phần lớn do việc đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 và sau đó bị tác động tiếp do xung đột quân sự Nga - Ukraine, từ đó đẩy giá năng lượng và lương thực nhảy vọt. Dù vậy, lạm phát chỉ tác động thấp tới khu vực châu Á. So với các nước châu Âu đang có tỷ lệ lạm phát trên 10%, Mỹ trên 8%..., những lo ngại về nhập khẩu lạm phát thời gian qua vào châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng gần như là khá nhỏ.

Do hàng hóa nhu yếu phẩm của Việt Nam được cung cấp trong nước, có thể kiểm soát được, không như những nước có mức lạm phát cao gần như phụ thuộc vào năng lượng, thực phẩm từ nước ngoài. Ngân hàng T.Ư Nhật Bản vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng hay Trung Quốc cũng chưa có nhiều động thái để thắt chặt tiền tệ mà vẫn áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế. Vì vậy, TS Lê Đạt Chí nhấn mạnh: “Việt Nam lại có lợi thế khi chủ động được nguồn cung lương thực và giá lương thực ổn định. Do đó, Việt Nam không cần quá lo lắng trước tác động từ lạm phát thế giới”.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng nhận định áp lực lạm phát đối với Việt Nam đã giảm xuống thấp, nhất là khi lạm phát trên thế giới cũng đang có xu hướng hạ nhiệt. Lạm phát ở nhiều nước trên thế giới vừa là do cầu kéo, vừa là do chi phí đẩy. Còn ở Việt Nam, lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy. Chúng ta tự tin có thể kiểm soát lạm phát ở mức Quốc hội đề ra, khoảng trên dưới 4%. Bên cạnh đó, cán cân thương mại có thặng dư khi 10 tháng cả nước xuất siêu 9,4 tỉ USD; cán cân vốn cũng khá tích cực khi giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao và kiều hối về Việt Nam dịp cuối năm cũng tăng.

Hơn nữa, áp lực về tỷ giá hối đoái tại Việt Nam cũng có chiều hướng đi xuống khi chỉ số USD-Index quốc tế giảm từ mức sát 115 điểm xuống xoay quanh 110 điểm. Nếu Mỹ tăng thêm lãi suất từ nay đến cuối năm thì khả năng đồng USD cũng không thể tăng cao hơn trong bối cảnh nhiều nước cũng đã tăng lãi suất.

Do vậy, tỷ giá hối đoái giữa Việt NamD với USD được ông Nghĩa dự báo từ nay đến cuối năm cũng chỉ xoay quanh mức hiện nay hoặc chỉ tăng thêm không đáng kể. Vì vậy, việc xem xét nới room tín dụng để đáp ứng cho nhu cầu vốn ra nền kinh tế có thể được xem xét nhanh ngay trong tháng này mà không cần phải quá lo lắng sẽ tác động đến lạm phát cả năm.

Theo NHNN, tín dụng tính đến ngày 25.10 tăng 11,5% và so với cùng kỳ năm ngoái, tăng trên 17%, là mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trước đây. So với tháng 9, tăng trưởng tín dụng thêm 0,54%. Tuy nhiên, so với mục tiêu kế hoạch năm 2022, tăng trưởng tín dụng ở mức 14% thì 2 tháng còn lại của năm đang còn hạn mức 2,5%. Với mức tăng trưởng này, dư nợ tín dụng của các nhà băng hiện còn khoảng 261.000 tỉ đồng.

Với lạm phát nằm trong tầm kiểm soát hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng NHNN nên linh hoạt để tiếp sức, tiếp vốn cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.