Các nhà làm phim đã phải tuân thủ theo quy trình làm phim vô cùng gắt gao, từ khâu lựa chọn, xây dựng kịch bản, đến quay, dựng phim, làm hậu kỳ, đáp ứng những đòi hỏi khắt khe nhất của Discovery.
Vào tháng 9.2009, cuộc thi tìm kiếm kịch bản cho dự án Lần đầu làm phim với Discovery (FTFM) đã diễn ra. Từ 68 kịch bản của các nhà làm phim chuyên nghiệp và không chuyên, 12 kịch bản xuất sắc được chọn vào vòng chung kết. Cuối cùng, chỉ có 5 kịch bản được Discovery lựa chọn để dựng thành phim.
|
Tranh luận nảy lửa để có kịch bản tốt
Cùng phản ánh về quá trình đô thị hóa nhanh chóng tại Việt Nam, nhưng bốn bộ phim lại là bốn góc nhìn với những câu chuyện khác nhau. Trong Thành phố nghìn năm, đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà chọn câu chuyện về kiến trúc sư Nguyễn Văn Quang - người đã cùng cộng sự suốt bốn năm theo đuổi dự án phát triển thành phố bền vững với nguồn năng lượng tái tạo, bà cụ sống 40 năm trong cửa ô Quan Chưởng buộc rời khỏi nơi đây khi cửa ô được tiến hành tu bổ nhân dịp đại lễ… Quá trình hiện đại hóa có thể khiến nghĩa trang Văn Điển phải đóng cửa, ảnh hưởng tới nhiều gia đình có người thân chôn cất theo hình thức cải táng và những người làm công việc tại nghĩa trang như gia đình chị Mai và anh Lương. Đây là những câu chuyện được đạo diễn Đào Thanh Tùng đề cập trong Câu chuyện cải táng. Với Rạp chiếu phim di động của ông Long, Hoàng Mạnh Cường mang đến câu chuyện về ông Long, người gần nửa thập niên cùng chiếc máy chiếu phim tự tạo độc đáo, đi khắp Hà Nội chiếu phim cho trẻ em. Bất chấp bạo bệnh, ông vẫn đang cố gắng hoàn thành bộ phim cuối cùng. Còn trong Những chiến binh chống tắc đường, Phan Duy Linh lại nói về những nỗ lực của ba người là phóng viên, kỹ sư, sinh viên đang cố gắng tìm cách cải thiện tình trạng tắc đường của Hà Nội.
Bốn bộ phim Jam Busters (Những chiến binh chống tắc đường) của Phan Duy Linh, Mr Long’s travelling cinema (Rạp chiếu phim di động của ông Long) của Hoàng Mạnh Cường, City of a thousand years (Thành phố một nghìn năm tuổi) của Nguyễn Mạnh Hà và Digging up the dead (Câu chuyện cải táng) của Đào Thanh Tùng sẽ phát sóng lần lượt trên kênh Discovery châu Á vào lúc 20 giờ thứ năm hằng tuần bắt đầu từ ngày 5.5. Các bộ phim sẽ được phát sóng lại vào ngày thứ sáu sau đó vào lúc 23 giờ, 7 giờ và 13 giờ. |
Theo đạo diễn Phan Duy Linh, điều mà các nhà phim Việt Nam gặp khó khăn nhất không phải ở yếu tố con người, kỹ thuật, rào cản ngôn ngữ mà chính là ở khâu tư duy kịch bản. Suốt hai tháng, kịch bản được “đào xới” đến từng chi tiết nhỏ, các nhà làm phim phải tiếp xúc, nghiên cứu nhân vật thấu đáo, đến khi đảm bảo yêu cầu mới tiến hành quay.
Quy trình làm phim rất nghiêm ngặt
Quy trình làm phim của Discovery đưa ra rất nghiêm ngặt, bài bản, chi tiết chính xác từ số lượng ngày quay, số thiết bị, chất lượng kỹ thuật… Tất cả đều phải tuân thủ đầy đủ, không được bỏ qua bất cứ điều gì, dù nhỏ nhất nếu không dự án có nguy cơ bị bỏ dở. Đạo diễn Duy Linh cho rằng, nếu bộ phim nào của Việt Nam cũng được thực hiện theo những quy chuẩn như vậy thì chất lượng sẽ được nâng lên đáng kể.
Nhưng với đạo diễn Mạnh Hà, áp lực lớn nhất của anh không phải do quy trình nghiêm ngặt mà chính là khi làm việc với những người biên tập, sản xuất, đạo diễn chuyên nghiệp của Discovery. Cách suy nghĩ, lối làm việc của họ không chỉ là yêu cầu mà còn kích thích các nhà làm phim Việt Nam luôn học hỏi.
Chỉ gói gọn trong 30 phút, nhưng thời gian thực hiện phim kéo dài trong khoảng 9 tháng, hậu kỳ các bộ phim được tiến hành tại Singapore. Trong lần tới Hà Nội làm việc vào tháng 1 năm ngoái, bà Sarah Macdonald, đại diện kênh Discovery châu Á cho biết: “Chúng tôi phải cùng nhau cố gắng để đạt được chất lượng tốt nhất, bởi các bộ phim cần phải hấp dẫn không chỉ khán giả Việt Nam mà cả khán giả thế giới”.
Minh Ngọc
Bình luận (0)