Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu quan điểm trên tại Hội nghị triển khai thi hành luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) và Nghị quyết của Quốc hội (QH) về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm (PCTP) do Ủy ban TVQH tổ chức sáng qua, 23.1.
|
Xem xét trách nhiệm người đứng đầu
|
Theo bà Nga, dư luận hiện rất bức xúc về những vụ giết người, cướp của, hiếp dâm... xảy ra liên tiếp thời gian qua. Đáng lưu ý là người phạm tội khi thực hiện hành vi gây án tỏ ra rất bình tĩnh, nhiều vụ hung thủ còn thực hiện việc phi tang với kế hoạch chặt chẽ, tỉnh táo nhưng đến khi đưa ra xét xử lại đột nhiên “tâm thần”. Cho rằng đường dây mua bán bệnh án tâm thần báo chí phanh phui gần đây đã lý giải việc đó, bà Nga đề nghị làm rõ hiện tượng này “vì nếu đó là sự thật, sự việc hết sức phức tạp, nghiêm trọng”.
Nhấn mạnh việc bảo đảm an toàn tính mạng của người dân khi ra đường là trách nhiệm của chính quyền, đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan chuyên trách là ngành công an, bà Nga đề nghị khi triển khai các nhiệm vụ phòng chống tội phạm phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. “Ở nơi nào mà trộm cướp lộng hành thì ở đó phải xem xét trách nhiệm cấp trưởng công an địa phương, khu vực đó. Từ giám đốc công an cấp tỉnh, thành phố đến trưởng công an quận, huyện… Những đồng chí nào không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề nghị phải thay sớm”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu quan điểm.
Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng cướp giật hoành hành nhiều nơi, đặc biệt ở TP.HCM, và cho rằng, bên cạnh giải pháp quyết liệt trấn áp tội phạm, “cần đánh giá vì sao thời gian tỷ lệ tội phạm giảm đi rất ít. Có phải trong xử lý tội phạm chúng ta nương nhẹ không, quy định pháp luật đã đủ để răn đe chưa, cơ chế hiện hành có hạn chế gì bó tay lực lượng bảo vệ pháp luật?”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lưu ý thêm: Cần khắc phục khuynh hướng nhân dân vì thiếu niềm tin vào cơ quan bảo vệ pháp luật mà tự xử tội phạm với “mức án” nặng nề hơn, như có những trường hợp bị đánh hội đồng đến chết.
Quy trách nhiệm khi để “lọt” tham nhũng
Tại hội nghị, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường dẫn lại phát biểu của Tổng thanh tra Chính phủ tại kỳ họp thứ 4 của QH vừa qua, thừa nhận trách nhiệm về hạn chế trong việc phát hiện hành vi tham nhũng dẫn tới nhiều vụ việc qua thanh tra nhiều lần vẫn không phát hiện, và đặt vấn đề: Thanh tra Chính phủ có giải pháp cụ thể nào để tăng cường năng lực trình độ thanh tra cũng như xử lý trách nhiệm thanh tra viên để lọt tham nhũng?
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cũng nhấn mạnh cử tri và người dân cả nước quan tâm nhất đến hiệu quả PCTN khi sửa luật và đề nghị xem xét trách nhiệm các trường hợp thanh tra để “lọt” tham nhũng. “Chúng tôi đã từng kiến nghị đối với những vụ việc thanh tra, kiểm toán đã vào rồi mà không phát hiện được tham nhũng nhưng nếu cơ quan vào sau phát hiện được thì phải xem xét trách nhiệm cơ quan đã vào thanh tra trước đó, nhưng kiến nghị này chưa được đưa vào luật PCTN sửa đổi lần này. Cần phải có chỉ thị chỉ đạo để thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan thanh kiểm tra trong vấn đề PCTN theo hướng nói trên”, ông Quyền kiến nghị.
Ở khía cạnh khác, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật đề nghị cần cụ thể hóa hơn nữa điều kiện được hưởng án treo, miễn trách nhiệm hình sự với tội tham nhũng vì dư luận đang bức xúc về việc này. Theo ông Luật, lãnh đạo Viện KSND tối cao, TAND tối cao phải có chỉ đạo trong ngành mình để hạn chế việc áp dụng án treo, xét xử sao cho nghiêm khắc với loại tội phạm này.
Được mời giải trình thêm, Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hải Phong khẳng định sẽ xử lý nghiêm minh trách nhiệm cấp dưới nếu làm không đúng. Thời gian tới, Viện KSND tối cao sẽ ra văn bản hướng dẫn áp dụng việc đình chỉ án, trong đó có án tham nhũng, việc miễn trách nhiệm hình sự với căn cứ hành vi phạm tội không còn nguy hiểm nữa để chống lọt tội phạm.
Một tháng triệt phá 390 băng nhóm tội phạm nguy hiểm Ngày 23.1, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức hội nghị sơ kết đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm dịp Tết Nguyên đán (từ 15.12.2012 đến 15.3.2013). Theo Bộ Công an, trong 1 tháng qua, công an các đơn vị, địa phương đã điều tra, khám phá 3.827 vụ, bắt và xử lý 8.484 người có liên quan; triệt phá 390 băng, nhóm/1.577 tội phạm hình sự nguy hiểm; thu giữ 57,36 kg heroin. Đặc biệt, lực lượng công an đã bắt giữ, xử lý 842 vụ cờ bạc với trên 3.000 người có liên quan. Bộ Công an cho rằng, với việc triển khai 34 tổ công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm tại TP.HCM đang phát huy hiệu quả. Trong 1 tháng đã phát hiện, triệt phá 73 băng, nhóm tội phạm, bắt 193 kẻ gây án nghiêm trọng trên địa bàn TP. Công an TP.Hà Nội đã triệt phá 144 băng, nhóm tội phạm hình sự, bắt 345 người có liên quan. Thái Sơn |
Bảo Cầm
Bình luận (0)